Kì thi tốt nghiệp THPT 2011: “Bình thường” hay “bất thường”?
Một mệnh đề đã trở thành “khẩu hiệu” trong các kì thi tốt nghiệp THPT là “kì thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, bình thường, đúng quy chế”. Kì thi tốt nghiệp THPT năm nay theo đánh giá của Bộ GD – ĐT là thành công, bình thường. Nhưng nhiều người trong cuộc lại có ý kiến khác, cho thấy sự “bất thường” bên trong vẻ “bình thường” bề ngoài.
Vốn là người “trong cuộc”, chúng tôi hiểu hơn ai hết cung cách chỉ đạo thi theo kiểu “ngóng ý cấp trên” của các cấp quản lý giáo dục. Nếu Bộ GD – ĐT không có ý làm “căng”, thì các vị Giám đốc Sở GD – ĐT cũng sẽ “nhẹ nhàng” với các trường THPT, TTGDTX. Năm nay, không có những chỉ đạo quyết liệt của Bộ GD – ĐT, các Sở GD – ĐT đã lặng lẽ “bật đèn xanh” cho các trường làm việc “nhẹ nhàng” để có “hiệu quả cao”.
Thậm chí một Sở GD – ĐT ở khu vực Tây Nguyên, vốn nổi tiếng về chỉ đạo thi nghiêm túc (cho nên có lần mấy giám thị của tỉnh này bị thí sinh rượt chém), năm nay cũng đã rất “mềm mại” trong chỉ đạo thi. Bởi vì các vị đã “ngộ” ra một điều: “thằng” làm thật thì bị phê bình, chịu nhiều áp lực; “thằng” làm giả thì được khen, được thành tích. Từ đó, chả ai dại gì mà làm thật.
Mặc dù đã bị nghiêm cấm, nhưng Hội phụ huynh một số trường THPT vẫn lặng lẽ thu tiền “hỗ trợ thi tốt nghiệp” (trước đây gọi là “tiền ngu”), nhằm “giảm bớt khó khăn cho thầy cô coi thi”.
Lãnh đạo các địa phương cũng đến các Hội đồng coi thi chào mừng, tặng quà. Một số phụ huynh mời các thầy cô đi giao lưu, tắm biển, thưởng thức đặc sản…
Những việc này đều “bình thường” cả, chỉ là chuyện tình cảm, tự nguyện theo nguyên lý “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Nhưng một khi giám thị đã nhận quà của thí sinh, phụ huynh thì cái sự “căng thẳng”, “quyết liệt” trong khi thực hiện nhiệm vụ đã giảm đi nhiều.
Lãnh đạo các hội đồng coi thi được trường sở tại đón tiếp chu đáo, lo chỗ ăn nghỉ (thường là miễn phí), tặng quà…
Bằng nhiều cách khác nhau, “tư tưởng”: “tạo điều kiện cho con em có tấm bằng tốt nghiệp để vào đời” đã được “phổ cập”, “thấm nhuần” đến từng lãnh đạo Hội đồng coi thi, thanh tra, giám thị, bảo vệ, phục vụ, phụ huynh...
Trước mỗi buổi thi, các thầy cô của trường sở tại đã cầm một danh sách thí sinh để nhờ các giám thị “quan tâm giúp đỡ”. Thì cũng con em trong trường cả!
Các thầy cô được phân công nhiệm vụ giám thị, vốn đã “sợ” và “nghe lời” cấp trên, nay càng thấy chẳng việc gì phải “căng thẳng”, vừa tự làm mình mệt mỏi, vừa có thể bị thù oán, thậm chí bị coi là “thần kinh”. Giám thị đã có kinh nghiệm “xương máu” về việc nếu làm nghiêm túc, đúng quy chế thì không được ai khen (vì nhiệm vụ là như vậy), nhưng sẽ ngay lập tức được “đón tiếp” bằng những ánh mắt “hình viên đạn”. Do đó, các thầy cô vốn đã “thương” học sinh; nay thì “tình thương” ấy càng có dịp thể hiện “rõ rệt” và “sâu sắc”.
Giám thị ngồi trong phòng thi, đúng vị trí, nghiêm túc nhưng thực ra đang đóng vai “điệp viên không không thấy”. Chỉ yêu cầu thí sinh giở tài liệu kín đáo một chút, và dễ dàng cất giấu tang vật khi có “báo động”; thí sinh cũng có thể trao đổi, nhưng không được quá to; thí sinh có thể “viện trợ” cho nhau, nhưng không được quá lộ liễu…Có thí sinh còn “mạnh dạn” hỏi giám thị, nhờ giám thị làm giúp bài. Một số giám thị đã chuẩn bị sẵn tình huống này, đáp luôn: “Em thông cảm, thầy (cô) dạy môn Thể dục”.
Do thời tiết nóng bức, một số giám thị còn bỏ phòng thi ra ngồi bóng cây cho “mát”, và để “tạo điều kiện” cho thí sinh có “tâm lý thoải mái”.
“Giúp” thí sinh như vậy chưa đủ, có nơi còn “điều động” cán bộ vào làm bài giúp thí sinh. Nhưng môn thi trắc nghiệm, giám thị (giáo viên bộ môn) chỉ cần đứng cạnh thí sinh vài phút, hoặc “đảo qua đảo lại” vài vòng, là thí sinh đã yên tâm có điểm 10 đỏ chót.
Thanh tra kì thi, đủ ban bệ từ thanh tra lưu động của Bộ, Sở rồi thanh tra cắm chốt tại các trường, còn thêm các đoàn Ban chỉ đạo thi của Bộ, Sở…nhưng chủ yếu “cưỡi ngựa xem hoa”. Nhiều đoàn chỉ đến gặp lãnh đạo Hội đồng coi thi, nắm tình hình rồi về, không xuống các phòng thi vì sợ thí sinh và giám thị bị “ảnh hưởng tâm lý”.
Ra về, nhiều giám thị phàn nàn: “Kỉ luật phòng thi bị buông lỏng đến mức không thể chấp nhận”, rồi than thở: “Thi như thế này thì luân chuyển giáo viên đi coi thi xa làm gì cho khổ, cứ trường nào coi thi trường đó cho khoẻ”.
Cũng có ý kiến đề xuất bỏ kì thi, chuyển sang xét tốt nghiệp như cấp THCS. Vì kì thi đã trở nên hình thức, lãng phí, “lợi bất cập hại”. Cả nước tốn kém không biết bao nhiêu công sức, tiền của (thậm chí cả máu) để rồi có một tỷ lệ đậu tốt nghiệp xấp xỉ 100%. Và thêm một lần “diễn tập” cho học sinh quen với những trò láu cá, dối trá.
Tuy nhiên, Bộ GD – ĐT chưa đồng ý với phương án này, thậm chí còn có ý tưởng “nâng cấp” kì thi tốt nghiệp thành kì thi quốc gia, thực hiện luôn hai mục đích: xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học. Chẳng hiểu nếu làm theo cách đó, Bộ sẽ xoay xở ra sao? Bị phản đối quá nhiều, Bộ cũng chưa đưa ra thời điểm thực hiện.
Cũng vì phải đi coi thi xa, hai thầy giáo ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) là thầy Hoàng Tấn Đàn và thầy Nguyễn Viết Hùng đã chết thảm thương vì tai nạn giao thông khi chưa đến địa điểm coi thi, bỏ lại vợ goá, con côi.
Trong kì thi, 103 thí sinh bị tan nạn giao thông, 1.203 thí sinh ốm, 2.460 thí bỏ thi. Nếu chuyển kì thi sang hình thức xét tốt nghiệp, hơn 1.200 thí sinh này đã không phải chịu cảnh “lỡ nhịp tàu” vào tương lai 1 năm.
Thế nhưng, số thí sinh bị “tai nạn” trong phòng thi lại rất ít ỏi, chỉ có 45 trường hợp bị đình chỉ thi, so với 90 trường hợp bị đình chỉ thi của năm 2010 và 2 trường hợp thi hộ bị phát hiện. Trong một tình huống hi hữu, một thí sinh ở Vũng Tàu bị giám thị “tát yêu” vì quên ghi số trang vào bài làm. Giám thị này đã bị đình chỉ công tác.
Mặc dù chưa chấm thi, nhưng ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD – ĐT đã nói: “chắc chắn tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm nay sẽ cao”. Chúng tôi cũng đồng ý với nhận xét này, tỷ lệ tốt nghiệp năm nay chắc chắn không thua năm 2010 (92,57%), thậm chí còn cao hơn.
Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao ngất ngưởng như vậy, không phải như lời ông Thứ trưởng nói là do “chất lượng thật" đã cố gắng trong mấy năm nay. Đặc biệt trong năm học này có nhiều chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục” (trả lời phỏng vấn Vietnamnet ngày 4/6/2011).
Mà nguyên nhân thực nằm trong cách tổ chức thi cử của các Sở GD – ĐT, của các Hội đồng coi thi. Đề dễ, coi thi dễ, thậm chí giám thị làm bài “giúp” thí sinh, rồi chấm thi lại theo kiểu “đãi cát tìm vàng” thì quả là “trật khó hơn đậu”.
Một giáo viên vừa làm nhiệm vụ coi thi về kể: “Giám thị làm giúp bài luôn cho thí sinh, rồi tuyên bố (vui) “thầy đã giúp như vậy mà không đậu thì năm sau không cho thi lại nữa”.
Cười xong, anh lại than thở: “Thi cử thế này thì từ nay về sau học trò có chịu học nữa không? Rồi chất lượng giáo dục sẽ ra sao?”
Tôi chịu, và đùa: “Anh không thử đi hỏi Bộ trưởng (Bộ GD&ĐT) xem”!
Trần Quang Đại
06/06/2011 – tamnhin.net