Học phong đại học
Mấy năm gần đây tỉnh nào cũng đua nhau mở đại học. Hàng loạt trường đại học vội vã ra đời. Nhưng nhiều trường cơ sở vật chất thiếu trầm trọng. Đội ngũ giảng viên cũng thiếu thốn, chắp vá, không đủ chuẩn.
Theo thống kê, đến năm nay nước ta có tới 376 trường đại học, cao đẳng. Trong vòng mười năm qua đã có hơn 200 trường mới thành lập. Chúng ta cần nhiều đại học thế để làm gì? Phải chăng vì con em chúng ta thiếu chỗ học? Phải chăng vì các đại học hiện có không đủ phòng ốc và giảng viên giảng dạy? Phải chăng người ta mở đại học mới để huy động nguồn lực mới? Tất cả những lý do trên tưởng như phải mà không phải.
Câu trả lời có lẽ phải tìm theo hướng khác: vì thủ tục xin thành lập một trường đại học quá dễ, vì Bộ GD-ĐT chủ trương chỉ cần “7-8 giáo viên là đủ” để mở một đại học, vì chỉ cần hồ sơ giả là cũng mở được trường, vì bộ chỉ cần nghe lời hứa sẽ xây trường là đủ, dù hứa đến hai chục năm rồi mà không làm cũng chẳng ai bị đóng cửa trường...
Bao trùm lên tất cả những lý do ấy là gì? Không cần trả lời nhưng ai cũng biết. Chúng ta chưa thấy những ai đi thanh tra đại học bức xúc vì những yếu kém của tình trạng đại học không ra đại học, mà chỉ thấy bao biện cho những khuyết điểm tày đình của họ. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhiều lần nhắc nhở phải nói không với đào tạo kém chất lượng, nhưng chưa thấy Bộ GD-ĐT có một thái độ kiên quyết: nói không với những đại học kém chất lượng!
Người ta đang mở trường ào ạt vì đại học là một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận: đề án giả, đại học giả nhưng thu tiền thật, lại thu tiền rất cao, chỉ cần quảng cáo khéo là con em khắp nơi, nhất là con em nhà nghèo, ít thông tin ào ạt chen vào.
Đại học nghèo nàn về cơ sở vật chất, rất đáng lo, nhưng không phải không cứu vãn được. Đại học thiếu trang thiết bị cũng đáng lo, nhưng vẫn không phải không cứu vãn được. Đại học thiếu giảng viên cơ hữu có đủ bằng cấp cũng đáng lo, nhưng vẫn chưa phải là không cứu vãn được. Nhưng đại học mà thiếu học phong đại học, vì tiền mà người ta dám làm tất cả thì mới là điều đáng lo nhất và không thể cứu vãn được. Học phong đại học cốt ở chỗ tôn trọng sự thật, tôn trọng khoa học, tri thức, tôn trọng sự ngay thẳng và lương tri.
Ngày xưa thầy giáo Chu Văn An nổi tiếng với danh hiệu “Văn Trinh ngạnh trực” (Văn Trinh Chu Văn An cứng cỏi) - bất bình vì lời nói phải lại không được nghe, bèn treo ấn từ quan, từ bỏ chức vụ danh giá ở đại học lớn nhất quốc gia là Quốc tử giám. Phong thái Chu Văn An không còn thì mở đến hàng mấy trăm đại học để làm gì?
ĐOÀN LÊ GIANG
(Trường đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM)
25/10/2009 – Tuoitre Online