Bùng nổ “liên kết đào tạo ĐH với nước ngoài”: Chất lượng ra sao?

Không còn “đếm trên đầu ngón tay” như cách đây vài năm, các chương trình liên kết đào tạo (CTLKĐT) ĐH với nước ngoài đang bước vào giai đoạn nở rộ ở VN. Từ chỗ là của hiếm đến chỗ ê hề, đủ loại, làm người học bối rối giữa “mê cung” các chương trình liên kết.

Mặc dù ĐHQG Hà Nội đã có hẳn một khoa quốc tế chuyên triển khai các CTLKĐT với nước ngoài, nhưng nhiều trường thành viên của ĐHQG Hà Nội vẫn trực tiếp thực hiện liên kết với đối tác nước ngoài: ĐH Ngoại ngữ cùng lúc khai giảng CTLKĐT với ĐH Picardie Jules Verne và chương trình liên kết với ĐH Thiểm Tây (Trung Quốc) đào tạo ngành ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Trong sáu CTLKĐT với nước ngoài của Trường ĐH Kinh tế cũng có một chương trình đào tạo bậc ĐH với ĐH Troy (Hoa Kỳ)… Không chỉ từ các nước Âu - Mỹ, CTLKĐT bắt đầu “nối” với các trường của lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc…

Bùng nổ và “cởi mở”

Có thể nói khối các trường/ngành kinh tế đang dẫn đầu về số lượng các CTLKĐT với nước ngoài ở bậc ĐH. Hầu như trường ĐH nào trong khối ngành kinh tế cũng có vài chương trình: Trường ĐH Ngoại thương cùng lúc triển khai hàng loạt CTLKĐT với các đối tác như ĐH Bedforthshire, ĐH Queensland, ĐH La Trobe, ĐH Tours. Hay như ĐH Hà Nội mới chuyển từ một trường ĐH đơn ngành sang đa ngành nhưng đã kịp có mấy CTLKĐT với các đối tác từ Úc, Áo; Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Thương mại đều có CTLKĐT bậc ĐH với nước ngoài… “Đắt hàng” mở CTLKĐT hiện nay còn có các ngành công nghệ thông tin, luật...

Các CTLKĐT có một điểm chung là đầu vào rất “mở”, có thể nói là khá dễ dãi so với phương thức tuyển sinh ĐH, CĐ chính qui hiện nay, thường chỉ yêu cầu đầu vào tốt nghiệp THPT. Tất nhiên, để trở thành SV của các CTLKĐT, người học cũng được yêu cầu phải đạt trình độ nhất định một ngoại ngữ, thông thường là tiếng Anh. Nhưng trên thực tế, yêu cầu về ngoại ngữ luôn được du di, không ít nơi sẵn sàng cho người học “nợ” cả các chứng chỉ ngoại ngữ. Thậm chí gần đây nhiều CTLKĐT còn nới rộng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ theo hướng tuyển vào rồi dành một hai học kỳ đầu tiên để dạy ngoại ngữ.

Ngoài một điểm chung là đầu vào “mở”, các CTLKĐT hiện nay lại rất khác nhau về phương thức đào tạo, chương trình học... Về thời gian đào tạo, thời gian đầu chương trình “đôi” có học trình 4 - 5 năm, bao gồm một năm dự bị học ngoại ngữ cho những người chưa đủ trình độ, hai năm học ở VN, hai năm học ở nước ngoài (2+2). Tuy nhiên gần đây đã có nhiều “biến tấu” như 3 +1, 4 + 0 hay  2 + 1, 1 + 2, 3 + 0 (chương trình đào tạo ĐH chỉ có ba năm), tức là có những CTLKĐT giảng dạy hoàn toàn ở VN.

Phương thức giảng dạy cũng mỗi nơi một kiểu: nơi có 100% giảng viên do trường đối tác giảng dạy, nơi chỉ có 50% hoặc ít hơn, không ít chương trình hoàn toàn do giảng viên của trường phía VN đảm nhận. Từ số tín chỉ khác nhau dẫn đến mức học phí cũng rất khác nhau, từ trên 1.000 USD đến 6.000 - 7.000 USD/năm học, tùy từng đối tác. Thậm chí nhiều thí sinh còn truyền tai nhau chương trình liên kết của một trường ĐH ở Hải Phòng với đối tác Trung Quốc học phí chỉ có 700 USD/năm học.

Đối tác thường thường bậc trung?

Sau khi làm việc với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nghe trường tự hào giới thiệu về các CTLKĐT, trong đó có đối tác từ Hoa Kỳ, một chuyên gia cao cấp của Quỹ Giáo dục VN (VEF) bày tỏ với chúng tôi: “Tôi lấy làm tiếc là tại sao một trường ĐH hàng đầu của VN lại chỉ tìm được những đối tác… vô danh như vậy.

Dù có chênh lệch về chất lượng đào tạo ĐH giữa hai nước nhưng rõ ràng ở vị thế của ĐH Bách khoa Hà Nội trong hệ thống trường ĐH VN, trường nên tìm kiếm những đối tác tốt hơn, tương xứng và có thể góp phần nâng cao vị thế của trường”. Nhưng đây không phải là trường hợp cá biệt. Trong một cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Phạm Phụ đã đặt vấn đề: “Phải xem xét tại sao các trường ĐH đẳng cấp quốc tế không có đối tác liên kết tại VN?”.

Theo bà Trần Thị Hà - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, hiện nay các trường ĐH VN mới chủ yếu tìm kiếm và xác lập quan hệ liên kết đào tạo ở mức độ yêu cầu trường nước ngoài đã được kiểm định chất lượng. “Đã được kiểm định chất lượng là một sự đảm bảo về chất lượng đào tạo nhưng chưa thể nói lên uy tín, danh tiếng hay đã được đánh giá cao của một trường ĐH” - bà Hà nhìn nhận.

Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển mới của các trường đã được xác lập trên cơ sở tính toán tỉ lệ SV/giảng viên (GV) và các yếu tố đảm bảo chất lượng đào tạo khác. Khi thực hiện CTLKĐT, thậm chí là nhiều chương trình đào tạo cùng lúc, các trường sẽ tuyển thêm hàng trăm chỉ tiêu phát sinh (có trường chỉ tiêu liên kết đào tạo tương đương 15-20% chỉ tiêu tuyển mới chính quy), chắc chắn sẽ tăng thêm sức ép lên các điều kiện phục vụ đào tạo của nhà trường, từ nhân lực đến cơ sở vật chất.

Một vấn đề đáng bàn nữa là về đội ngũ GV. Trong khi Bộ GD-ĐT và các trường đều cho rằng GV quá tải với số lượng giờ lên lớp, thiếu cả thời gian nghiên cứu khoa học thì khi mở thêm các CTLKĐT, các trường lại luôn phải ưu tiên bố trí những GV giỏi, có trình độ chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ tham gia giảng dạy cùng đối tác. Thêm chỉ tiêu đào tạo, phải co kéo bố trí những GV giỏi đạt yêu cầu dạy liên kết, rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực dành cho đào tạo chính quy đại trà của các trường mở cùng lúc nhiều CTLKĐT.

Trong tình thế “chạy đuổi theo thực tế”, hiện Bộ GD-ĐT đang xây dựng một nghị định về hợp tác đầu tư với nước ngoài, có một chương quy định chi tiết về việc liên kết đào tạo với nước ngoài đặt ra các yêu cầu về điều kiện liên kết như: đối tác nước ngoài phải là trường được kiểm định hoặc được các cơ quan nước ngoài công nhận, các bên liên kết còn phải thỏa mãn các điều kiện của VN về giáo viên, giáo trình, cơ sở vật chất…

Cập nhật: 09/10/2008 (tuoitre.com.vn)

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang