Rối rắm chương trình phân ban
Niên khóa 2008-2009, là năm đầu tiên học sinh (HS) lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp với chương trình sách giáo khoa mới theo chương trình phân ban đại trà. Cấu trúc các kỳ thi chung năm nay sẽ như thế nào khi hiện có quá nhiều kiểu phân ban; kiến thức, trình độ HS mỗi ban mỗi khác?
Thời chương trình phân ban thí điểm trước đây, ở những trường dạy phân ban các tỉnh phía Nam cứ khoảng 10 HS lớp chọn ban khoa học tự nhiên (KHTN) mới có một lớp học ban khoa học xã hội. Đến khi phân ban đại trà, ban khoa học xã hội bị bỏ quên dần biến mất, hầu hết HS chuyển sang chọn ban cơ bản.
Xu hướng chọn ban lại tiếp diễn sự bất xứng: thay cho việc chọn ban KHTN, giờ hầu hết HS đổ xô theo ban cơ bản A (phân hóa theo hướng nâng cao các môn thi ĐH khối A - toán, lý, hóa). Số lớp học chương trình cơ bản theo hướng các môn thi khối B (toán, hóa, sinh) và khối C (văn, sử, địa) teo dần đến mức không còn lớp nào ở nhiều trường. Trong khi ban cơ bản D (văn, toán, ngoại ngữ) gần như chỉ duy trì được ở những trường có nguồn HS đầu vào lớp 10 thuộc diện chất lượng cao.
Thi sao học vậy!
Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM, tuyển 17 lớp 10 năm học 2008-2009. Chỉ có bốn HS chọn ban cơ bản C, 16 HS chọn ban cơ bản B. Cuối cùng trường có ba lớp cơ bản A, bốn lớp cơ bản D, còn lại 10 lớp ban KHTN, không thể mở lớp cơ bản C, D. Đây là một trong những trường THPT có điểm chuẩn vào lớp 10 cao nhất tại TP.HCM. Trong khi đó, “chỉ có duy nhất ban cơ bản theo chương trình chuẩn, cũng không phân hóa theo khối nào” là thực tế chung ba năm qua ở hầu hết các trường tư, nhóm trường điểm đầu vào thấp.
Năm học 2006-2007 Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, Hóc Môn có 48 HS theo lớp phân ban KHTN. Đến đầu năm học này, vào lớp 12, lớp này chỉ còn 23 HS do chương trình ban KHTN quá nặng, HS không theo kịp, phụ huynh xin chuyển sang ban cơ bản. Những năm trước Trường THPT Tạ Quang Bửu, Q.8 có một lớp ban KHTN. Năm nay trường có 16 lớp, chỉ có bốn lớp theo ban cơ bản A, còn lại 12 lớp theo chương trình chuẩn, không nâng cao.
Ông Lâm Triều Nghi, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, dẫn ra một cách so sánh từ thực tế các lớp bán công (đầu vào điểm thấp) trường này: những HS cơ bản D học nhẹ nhàng, ở các lớp phân ban KHTN, hàng chục HS thi lại, ở lại lớp do không theo kịp chương trình.
Ban KHTN từng là sự chọn lựa số một giờ là gánh nặng, chỉ còn phù hợp với HS giỏi. Ban cơ bản A hiện được số đông chọn lựa vì so với ban KHTN, ban này được giảm bớt phần kiến thức nâng cao môn sinh. Do chương trình nâng cao các môn nói chung đều nặng nên nhiều trường định hướng HS chọn ban theo học lực, điểm số các môn học nâng cao phải từ 7,5 trở lên mới có thể theo kịp chương trình. Nhiều trường công lập tốp giữa cũng không có nhiều HS đảm bảo điều kiện này nên trường không mở nhiều lớp theo chương trình nâng cao. Cuối cùng cơ bản không phân hóa ngày càng phổ biến.
Ông Lâm Triều Nghi nói: “Khi chọn ban cho con, phụ huynh đã nhắm đến hướng cho con thi ĐH. Xu hướng số đông chọn ban KHTN và ban cơ bản A chính do ảnh hưởng cách thi tuyển sinh ba chung hiện nay, khối A thi riêng một đợt, nhiều cơ hội chọn trường. Thi sao học vậy, bộ thi kiểu gì các trường dạy theo kiểu đó. Chừng nào đổi cách thi, cách chọn ban tự nhiên sẽ đổi theo”.
Học vầy, thi sao?
Năm học này HS lớp 12 học chương trình sách giáo khoa mới và là lứa HS đầu tiên tốt nghiệp chương trình THPT phân ban đại trà. Có ban KHTN, có ban khoa học xã hội nhân văn, ban cơ bản chuẩn, có ban cơ bản phân hóa theo bốn khối thi A, B, C, D.
Trong khi sách giáo khoa theo chương trình này hiện có hai bộ: bộ chuẩn và bộ nâng cao. Ứng với mỗi ban HS sẽ học một số môn với sách giáo khoa nâng cao và một số môn với sách chuẩn, riêng ban cơ bản chuẩn học bộ sách giáo khoa chuẩn. Khối kiến thức HS được học ở từng ban vì thế cũng chênh nhau. Thậm chí, nói như ông Phạm Thanh Tâm, hiệu trưởng Trường THPT tư thục Hồng Đức: kết cấu SGK khác nhau giữa các chương trình, nhiều khái niệm, công thức cũng khác nhau.
“Từ lúc thay sách, các trường dạy cứ như bị bịt mắt vì không biết cấu trúc đề thi 2009 sẽ như thế nào” - ông Võ Anh Dũng, hiệu trưởng Trường chuyên Lê Hồng Phong, bức xúc. Yêu cầu đề thi tốt nghiệp và ĐH, CĐ 2009 theo kiến thức nào, câu hỏi này hơn hai năm qua, phụ huynh hỏi các trường không biết cách trả lời! Nhiều ý kiến từ phía các trường âu lo: HS theo học chương trình chuẩn nếu không học thêm nâng cao sẽ không đủ kiến thức thi ĐH, một số câu hỏi trong đề thi ĐH hiện nay chỉ nằm trong phần kiến thức sách nâng cao.
Cập nhật: 09/09/2008 (Tuổi trẻ)