Thêm trường, không thêm chất lượng

Người đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn đặt vấn đề với đại diện hàng trăm trường ĐH, CĐ mới thành lập có mặt tại hội nghị về xây dựng và hoạt động của các trường ĐH, CĐ thành lập từ năm 1998 đến 2008 tổ chức tại Hà Nội sáng 30-8.

Mỗi tháng có thêm vài trường mới!

Băn khoăn này của ông Nhân xuất phát từ thực tế với những con số cụ thể. Theo thống kê của Vụ Giáo dục ĐH, trong mười năm qua, mỗi năm trung bình có 7-8 trường ĐH và 13 trường CĐ mới ra đời, bao gồm các trường thành lập mới hoặc được nâng cấp lên thành ĐH.

Riêng hai năm gần đây là 2006 có 19 trường, 2007 có 20 trường ĐH mới được thành lập, tức trung bình mỗi tháng có thêm gần hai trường ĐH mới. Đối với CĐ, con số này còn cao hơn: trong hai năm 2006-2007, bình quân mỗi tháng có xấp xỉ ba trường CĐ mới được thành lập hoặc nâng cấp. Trong số 208 trường ĐH, CĐ mới được thành lập, có 48 trường ngoài công lập.

Ông Lê Văn Học - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, trước đó từng là vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT), tham gia thẩm định, xét duyệt nhiều đề án thành lập trường - nhận xét: "Các trường khi xây dựng đề án cam kết dữ lắm, có những trường xây dựng kế hoạch đến tận năm 2020, đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng thành lập đã ba, bốn năm, khi chúng tôi đi giám sát vẫn chưa thấy làm gì cả”.

Bà Trần Thị Hà, vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, đánh giá: "Đa số trường chưa thực hiện đúng các cam kết trong đề án khả thi thành lập trường về xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, tuyển dụng đội ngũ giảng viên (GV), cán bộ quản lý... Một số trường có diện tích đất nhỏ hẹp chưa được đầu tư để đáp ứng yêu cầu giảng dạy và môi trường sư phạm. Hầu hết các trường tư thục mới thành lập đều rất nghèo nàn về trang thiết bị, phòng thí nghiệm, thư viện...".

"Hạn chế lớn nhất đối với các trường thành lập mới, chủ yếu là trường tư thục và trường đóng ở các địa phương, là đội ngũ GV thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, tỉ lệ GV có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ quá thấp so với mặt bằng chung của toàn hệ thống giáo dục ĐH" - bà Trần Thị Hà nhìn nhận. Trên thực tế, nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập mới đã bị thanh tra giáo dục phát hiện không báo cáo chính xác số lượng GV cơ hữu khi đăng ký mở ngành đào tạo, báo cáo năng lực đào tạo của trường không chính xác, vượt quá năng lực thực tế rất nhiều. Bộ GD-ĐT đã ví dụ: Trường ĐH tư thục CNTT Gia Định được phép tuyển sinh bảy ngành ĐH nhưng chỉ có... một GV cơ hữu có trình độ tiến sĩ; ĐH dân lập Phú Xuân đào tạo 12 ngành ĐH chỉ có ba GV là tiến sĩ...

Không đủ điều kiện thì không cho đào tạo!

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận con số trường ĐH, CĐ mới được thành lập trong mười năm qua khiến nhiều người phải đặt câu hỏi: "Tại sao phải thành lập nhiều trường như vậy?". Theo ông Nhân, "làm thế nào để phát triển được quy mô nhưng cũng tăng được chất lượng" là việc phải làm, nếu không sẽ không thể thuyết phục được xã hội.

Đánh giá lại hoạt động của các trường mới thành lập trong mười năm qua, có dịp nhìn ra những yếu kém của các trường này một cách có hệ thống, Vụ Giáo dục ĐH đã đề xuất những giải pháp khá mạnh. Đó là đề nghị phải có cơ chế xử lý đối với những trường sau 3-5 năm thành lập không đáp ứng đủ các tiêu chí, điều kiện của một trường ĐH, CĐ. Đối với những trường không đủ điều kiện tối thiểu đảm bảo chất lượng đào tạo có thể ngừng tuyển sinh để củng cố.

Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đòi hỏi mạnh mẽ: trong năm 2010, các trường không cải thiện được điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đào tạo phải dừng tuyển sinh, thậm chí rút lại quyết định thành lập.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "GV là nòng cốt của giáo dục. Vì thế các trường phải thu hút được người giỏi về giảng dạy, rồi cử - thậm chí là cưỡng bức - đi học tiến sĩ. Nếu sau một thời gian nhất định không học tiến sĩ sẽ phải ra khỏi trường, không thể được tiếp tục giảng dạy. Không thể chấp nhận việc muốn làm GV ĐH mà không học tiến sĩ”. Yêu cầu này đã được Thứ trưởng Bành Tiến Long cụ thể hóa thành các con số: các trường phải xây dựng quy hoạch đội ngũ GV theo hướng mỗi năm cử được 25-30% GV đi đào tạo. "Bộ sẽ coi việc các trường xây dựng quy hoạch cử GV đi học là một tiêu chí, một điều kiện để xét chỉ tiêu tuyển sinh" - ông Long khẳng định.

Đứng từ góc độ nhà trường, bà Trần Thu Hà (Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Bộ GD-ĐT làm việc với chính quyền các tỉnh thành để có cam kết cụ thể về phát triển giáo dục tại địa phương, trong đó làm rõ các chính sách, điều kiện hỗ trợ các trường, nhất là về đất đai. Bà Hà cũng đề xuất bộ sớm thực hiện việc xếp hạng các trường hằng năm nhưng xếp theo tiêu chí nào phải công bố thật cụ thể, ví dụ như tỉ lệ SV/GV, tỉ lệ bình quân diện tích/SV...

Giải đáp những băn khoăn của cán bộ quản lý các trường, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết tốc độ thành lập mới các trường ĐH, CĐ đang chậm lại nhưng là do chờ tiêu chí mới, chứ danh sách chờ thì vẫn còn rất dài. "Tiêu chí mới để được thành lập một trường ĐH, CĐ sẽ phải chặt chẽ hơn. Trong thời gian tới việc xem xét thành lập các trường ĐH, CĐ mới sẽ theo hướng gắn liền với quy hoạch đất đai của từng địa phương. Chính phủ chủ trương các trường ĐH, CĐ mới thành lập sẽ nằm ở các khu ĐH, các khu mới, không bố trí trong các đô thị, để đảm bảo có đủ quỹ đất xây dựng trường đạt tiêu chuẩn" - bộ trưởng nhấn mạnh.

Cập nhật: 01/09/2008 (Tuổi trẻ)

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang