Hàng loạt gian lận tại các đại học, cao đẳng mới mở
Trong tờ trình gửi Bộ GD&ĐT, CĐ Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân 'tự nhận' có 20 tiến sĩ, 105 thạc sĩ và 62 cử nhân là giảng viên cơ hữu. Tuy nhiên, trên thực tế, trường chỉ có 18 giảng viên (1 tiến sĩ, 6 thạc sĩ và 11 cử nhân).
Đây là một trong số hàng loạt sai phạm của các đại học, cao đẳng mới mở từ năm 1998 tới nay. Để đi tìm giải pháp cho tình trạng này, sáng nay, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức "Hội nghị Xây dựng và hoạt động của các trường đại học, cao đẳng thành lập từ năm 1998 đến 2008".
Theo Vụ Giáo dục Đại học, trong 10 năm, có 78 đại học và 130 cao đẳng được thành lập và số trường ngoài công lập tăng gấp 4 lần. Nhờ đó, số sinh viên, giảng viên tăng hơn gấp đôi. Tuy nhiên, số lượng giảng viên là tiến sĩ lại giảm. Năm học 2007-2008, cả nước có 1,6 triệu sinh viên ĐH, CĐ (gần 1,2 triệu sinh viên ĐH) và đạt 188 sinh viên trên một vạn dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những cố gắng, thành tích đáng kể, không ít trong số các trường này đã gây ra hàng loạt sai phạm, gian lận dẫn tới không đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như gây tốn kém thời gian, tiền bạc của sinh viên...
Phó thanh tra Bộ GD&ĐT Trần Bá Giao cho biết, hầu hết các trường mới thành lập đều gặp khó khăn về đất đai, đặc biệt là các trường ở Hà Nội và TP HCM. Cá biệt, CĐ Viễn Đông, CĐ Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân, ĐH Tư thục Công nghệ Thông tin Gia Định.... hoàn toàn thuê mướn cơ sở vật chất.
Thư viện của các trường đều chật hẹp, số đầu sách ít, chưa đáp ứng nhu cầu của giảng viên và sinh viên. Điển hình, ĐH Công nghiệp Quảng Ninh, ĐH Kinh tế Công nghệ Long An... chỉ có 100 đầu sách. Thậm chí, CĐ Viễn Đông chỉ có 7 đầu sách được bày trong thư viện rộng 90 m².
6 cử nhân đại học dạy... 850 sinh viên cao đẳng
Không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhiều trường còn thiếu hụt trầm trọng giảng viên có trình độ. ĐH Phú Yên, ĐH Phạm Văn Đồng... mới chỉ có 2 giảng viên là tiến sĩ. ĐH trà Vinh báo cáo có 6 tiến sĩ, 93 thạc sĩ và 178 cử nhân ĐH, nhưng trên thực tế, trường này chỉ có 1 tiến sĩ, 53 thạc sĩ và 220 cử nhân.
"ĐH Dân lập Phú Xuân đào tạo đại học ngành Tài chính - Ngân hàng, trong khi mới chỉ có một giảng viên cơ hữu có trình độ cử nhân đại học. CĐ Kinh tế Kỹ thuật Đông Du có 6 giảng viên là cử nhân đại học ngành Kế toán nhưng đào tạo 850 sinh viên cao đẳng Kế toán", ông Giao nhấn mạnh.
Đáng lưu ý, trong tờ trình gửi Bộ GD&ĐT, CĐ Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân "tự nhận" có 20 tiến sĩ, 105 thạc sĩ và 62 cử nhân là giảng viên cơ hữu. Tuy nhiên, qua kiểm tra bảng lương, Thanh tra Bộ GD&ĐT phát hiện số giảng viên thực của trường chỉ có 18 người (1 tiến sĩ, 6 thạc sĩ và 11 cử nhân).
Do khai man năng lực đào tạo vượt quá thực tế nhiều lần nên CĐ Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân chỉ có khả năng đào tạo hệ cao đẳng, còn hệ Trung cấp chuyên nghiệp được giao cho các cơ sở liên kết không có chức năng đào tạo trung cấp như: Viện nghiên cứu Phát triển Văn hóa và Giáo dục Đông Nam Á, Viện Công nghệ Thông tin và Quản trị Tài chính.
Cũng về các sai phạm của các trường, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Trần Thị Hà nhận định, do không nắm vững quy chế và buông lỏng quản lý nên một số trường đã gặp phải sai sót và lúng túng trong điều hành. Điển hình, CĐ BC Công nghệ và Quản trị Doanh nghiệp tuyển sinh, đào tạo và cấp phát văn bằng cho 5 ngành đào tạo... chưa được Bộ GD&ĐT cấp phép.
Để hạn chế những sai phạm này, theo bà Hà, phải có cơ chế xử lý đối với các trường sau 3-5 năm thành lập không đáp ứng đủ các tiêu chí, điều kiện như đã cam kết. Đối với các trường không đảm bảo tối thiểu, có thể ngừng tuyển để củng cố. Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện các trường hợp vi phạm tuyển sinh hoặc khai man số lượng giảng viên.
Còn Phó thanh tra Trần Bá Giao khẳng định, cần kiên quyết chấm dứt tình trạng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ đầu tư xây dựng, dẫn đến giảm sút chất lượng đào tạo, lây lãng phí lớn cho xã hội cũng như ảnh hưởng xấu đến uy tín của cả mạng lưới giáo dục..
Cập nhật: 30/08/2008 (VnExpress)