Giáo dục ngoài công lập: Sáng tối đan xen
Số liệu mới nhất do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho thấy tỷ lệ các trường công lập và ngoài công lập (NCL) đang có những thay đổi rõ nét, không chỉ ở bậc học giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông mà cả ở bậc giáo dục đại học và cao đẳng.
"Từ năm 1985, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) bắt đầu tăng quy mô, đa dạng hóa các loại hình đào tạo đại học (ĐH) thì các trường cũng liên tục tăng chỉ tiêu tuyển sinh, mở hệ không chính quy; rồi trường bán công, dân lập lần lượt ra đời. Thế nhưng chúng ta đã không chuẩn bị tốt cho việc tăng đột biến này. Ngay tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nơi đã được xã hội tín nhiệm về chất lượng đào tạo, từ đó đến nay, quy mô sinh viên tăng gấp 10 lần, chất lượng đào tạo sa sút. Đó là hậu quả của việc đội ngũ giảng viên tăng không tương ứng”.
Vẫn còn phân biệt đối xử
Bức xúc trên chỉ là một trong rất nhiều ý kiến công khai tại các diễn đàn về chất lượng giáo dục trước nhu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế. Giáo dục Việt Nam phải sớm xã hội hóa để mở rộng quy mô giáo dục, mở rộng các loại hình đào tạo ngoài công lập (NCL) nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.
Năm 1988, trường ĐH dân lập đầu tiên ở Việt Nam mang tên ĐH dân lập Thăng Long ra đời. Sau 20 năm, cả nước có 64 trường ĐH, CĐ dân lập và bán công, chiếm 15% tổng số ĐH, CĐ trên toàn quốc.
Những năm đó, khi đề ra chỉ tiêu thành lập 30% các trường ĐHCđ ngoài công lập, đã có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến chất lượng giáo dục NCL trong đó có ý kiến của GS.Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH dân lập Thăng Long cho đến nay vẫn đầy tính thời sự khi bà cho rằng việc nâng tỷ lệ các ĐH, CĐ ngoài công lập lên 30% là điều có thể làm được “nhưng trước khi mở thêm trường, Bộ GD&ĐT phải kiểm tra, đánh giá chất lượng của hệ thống đào tạo này. Trường nào đạt chuẩn hay chưa đạt chuẩn phải công bố rõ ràng để người dân biết cho con theo học. Nếu Bộ chỉ cấp giấy phép rồi để các trường tự xoay xở thì tỷ lệ 30% có thể không có ý nghĩa tích cực”.
Thực tế, cho đến hiện nay vẫn còn nhiều lo lắng, băn khoăn có cơ sở về thực trạng chất lượng đào tạo ĐH NCL đang “thấp hơn nhiều so với các trường công lập”. Nguyên nhân có nhiều, song việc nhà nước chưa có một quy chế hợp lý đối với giáo dục ngoài công lập cũng đã được chỉ ra. Nhiều chuyên gia giáo dục còn lưu ý thêm vấn đề học phí của các trường NCL “hiện cao hơn các trường công lập” nhưng “nếu so với khoản kinh phí nhà nước cấp cho các trường công lập trong đó có đất đai, cơ sở vật chất thì kinh phí hoạt động của các trường dân lập lại quá nhỏ nhoi”. Sinh viên các trường NCL cũng thường mang tâm lý tự ti khi tiếp cận một điều kiện trường lớp, phương tiện nghiên cứu còn quá khiêm tốn. Khi ra trường, họ cũng thường rơi vào hoàn cảnh bị “phân biệt đối xử” so với các sinh viên tốt nghiệp trường công, dẫn đến tỷ lệ tốt nghiệp không có việc làm khá cao.
Nhìn lại, không chỉ chất lượng giáo dục NCL “có vấn đề”, những năm qua ngành giáo dục còn tỏ ra rất lúng túng trong việc quản lý chất lượng đào tạo, tài chính của các ĐH dân lập mà những sai phạm tại ĐH dân lập Đông Đô chính là dẫn chứng sinh động nhất.
Nhiều bất cập
Khi mà hầu như tất cả các cấp học đều có trường dân lập, và phần lớn những trường tư ở các cấp phổ thông có chất lượng được thừa nhận là không thua kém các trường công lập thì ở bậc cao đẳng và đại học lại ngược lại. Chất lượng đào tạo ở các trường dân lập không những kém hơn mà những vụ bê bối, tiêu cực cũng không ít. Nhất là trong tình thế các văn bản pháp quy về cơ chế, chính sách chưa được ban hành một cách đầy đủ, đồng bộ và chuẩn mực; bộ phận những người sáng lập các trường dân lập phần lớn là những cán bộ cao cấp, các giảng viên đại học giàu kinh nghiệm trên bục giảng, khi về hưu muốn tiếp tục phát huy nghề để có thu nhập thêm chứ không phải là những nhà tài chính, đầu tư chuyên nghiệp trong lĩnh vực giáo dục...
Hệ thống các trường dân lập được lập ra ngoài mục đích tham gia phát triển nền GD-ĐT, còn là một trong những ngành nghề kinh doanh được đánh giá là “siêu lợi nhuận” trong bối cảnh hiện nay. Tiêu cực do thiếu “đầu vào” trong khâu tuyển sinh, dẫn đến việc bất chấp các quy định của Bộ GD-ĐT, việc phân chia lợi nhuận không phải lúc nào cũng đạt được sự công bằng, gây bất đồng nội bộ... xảy ra ở khá nhiều trường. Nên chăng, Nhà nước cần có sự chỉ đạo có tính định hướng, ưu tiên cho phát triển GD-ĐT ngoài công lập ở lĩnh vực GD phổ thông và đào tạo nghề, đồng thời hạn chế việc cấp phép thành lập các trường DH dân lập. Những trường ĐH, CD dân lập nào thường không đủ uy tín để tuyển đủ SV đầu vào theo quy định, nên chăng đóng cửa?
GS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, hiện là chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH NCL có lần đã bộc bạch với báo chí về những bất cập trong quản lý nhà nước gây khó khăn cho con đường phát triển của giáo dục ĐH NCL và cả vấn đề đội ngũ giảng viên: “Thời kỳ thuê phòng học cơ bản qua rồi; phần lớn các trường đã có cơ sở khang trang. Vấn đề cơ bản là chỉ tiêu tuyển sinh còn bị trói buộc. Lẽ ra chỉ nên quản lý 2 khâu: chất lượng đầu ra và minh bạch tài chính thì lại can thiệp vào đủ thứ: tuyển sinh, nội dung chương trình, điểm chuẩn, điểm sàn... và can thiệp suốt quá trình đào tạo. Tất cả các khâu khác để các trường lo sẽ tốt hơn rất nhiều”.
Hiện nay đã bắt đầu thế hệ 2 của các trường đại học NCL, trường được đầu tư lớn đảm bảo điều kiện tương đối tốt. Có những trường chất lượng cũng tốt như trường ĐHDL Thăng Long, ĐH Quản trị - Công nghệ Hà Nội... Tuy nhiên, vấn đề chung của GD ĐH Việt Nam là cả công lập lẫn NCL cùng sử dụng chung một đội ngũ cán bộ giảng dạy.
Trong khi đó, đánh giá mới nhất của lãnh đạo Bộ GD-ĐT công bố trong mùa tựu trường năm nay cho thấy: mặc dù các trường ngoài công lập đang tăng lên như một xu thế tích cực, thì: “Đội ngũ giảng viên cơ hữu ở một số trường, nhất là các trường ngoài công lập, thiếu về số lượng, không đồng bộ về cơ cấu. Tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, có chức danh giáo sư, phó giáo sư rất thấp” (Báo cáo công tác chuẩn bị khai giảng năm 2008-2009 của Bộ GDĐT).
Sự nóng vội hoàn thành chỉ tiêu tăng tỷ lệ giáo dục ngoài công lập các cấp học theo kiểu phong trào và chạy theo số lượng, thành tích, thiếu định hướng và cơ sở khoa học cho mỗi bước đi e rằng sẽ phải trả giá đắt trong tương lai, nếu không kịp thời được điều chỉnh.
Cập nhật: 20/09/2008 – Nhị Hà (Doanh nhân)