Trường đào tạo “chui”, SV về đâu?

Tin Bộ GD-ĐT vừa phát hiện liên tục từ năm 2002 đến nay, Trường cao đẳng bán công Công nghệ và quản trị doanh nghiệp (TP.HCM) tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp “chui” làm nhiều sinh viên (SV) đã và đang học tại trường lo lắng về tương lai của mình.

Tập thể SV lớp kế toán - kiểm toán 2, khóa 8 đã làm đơn kiến nghị gặp ban giám hiệu để được giải thích. đại diện các lớp này gồm kế toán - kiểm toán 1 và 2, lớp quản trị kinh doanh, lớp marketing, kinh doanh tiền tệ, tài chính doanh nghiệp cũng làm đơn gửi các nơi vì khả năng sẽ không nhận được bằng cấp theo đúng ngành mình đã học.

“Chủ động” mở ngành?

Trường CĐ bán công Công nghệ và quản trị doanh nghiệp được thành lập năm 1999, có ngành quản lý doanh nghiệp. Theo ông Phạm Văn Bôn, hiệu trưởng trường từ năm 2004, khi Bộ GD-ĐT có ban hành chương trình khung khối ngành kinh tế. Nhà trường đã chủ động chuyển đổi các chuyên ngành đang có trong ngành quản lý doanh nghiệp thành từng ngành riêng biệt. Từ giữa đến cuối năm 2005, nhà trường có một loạt thay đổi về nhân sự và không có sự bàn giao nên tiếp tục tuyển sinh theo những gì đã “chủ động”. Thế nên vào tuyển sinh năm 2005, trường đã tuyển SV cho các ngành marketing, kế toán - kiểm toán, kinh doanh quốc tế, quản trị doanh nghiệp, tài chính doanh nghiệp, kinh doanh tiền tệ mà chưa được phép mở ngành của Bộ GD-ĐT.

Sự việc này mới được Bộ GD-ĐT phát hiện và ngay lập tức, gần 400 SV đã trúng tuyển và theo học vào năm 2005 sắp đến ngày nhận bằng tốt nghiệp được thông báo: có thể sẽ không nhận được bằng tốt nghiệp theo đúng tên gọi ban đầu của ngành là quản lý doanh nghiệp cho dù trong suốt thời gian học, họ đã học theo đúng chương trình từng ngành. SV lớp kế toán - kiểm toán 2 đặt câu hỏi: Quản lý doanh nghiệp là ngành gì? Chúng tôi được đào tạo để trở thành những kế toán viên, sao lại cấp bằng quản lý doanh nghiệp?

Ông Bôn cho biết hiện không thể cấp bằng cho SV theo từng ngành đã học, mà chỉ có thể cấp chung bằng quản lý doanh nghiệp kèm theo bảng điểm chứng nhận từng theo học chương trình của các ngành cụ thể kể trên. Thế nhưng nhiều SV đang ấp ủ ý định học liên thông lên ĐH thì tiếp tục gặp khó khi một số trường ĐH kinh tế có đào tạo liên thông chỉ chấp nhận SV phải có bằng tốt nghiệp theo ngành (có mã số tuyển sinh riêng). Số SV có ý định đi làm cũng băn khoăn: cầm bằng quản lý doanh nghiệp làm sao xin vào làm marketing, kế toán - kiểm toán… được?

Trách nhiệm của ai?

Kết luận của Bộ GD-ĐT cho biết những sai phạm trong tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng các ngành kể trên đã có từ năm 2002, như thế trách nhiệm trước hết thuộc về nhà trường là đã rõ. Thực tế qua tìm hiểu của chúng tôi, việc cấp bằng là có thật. Một SV khóa 2003 khẳng định đã nhận bằng tốt nghiệp theo đúng ngành mình học chứ không phải bằng của ngành quản lý doanh nghiệp như thông báo mới đây của nhà trường (dành cho khóa 2005) sau khi bị Bộ GD-ĐT “huýt còi”.

Nhưng mọi chuyện dường như không bình thường ở chỗ bằng cấp đã phát cho SV các khóa trước được một cán bộ phòng đào tạo khi ấy thừa nhận là phôi bằng hằng năm được mua từ phía Bộ GD-ĐT. Vì thế dư luận tiếp tục đặt câu hỏi về sai sót có từ cả những người làm công tác này ở cấp bộ. Theo đó, để được mua phôi bằng, các trường đều phải trình đầy đủ các loại giấy tờ liên quan đến số lượng tuyển sinh, kết quả đào tạo. Nhưng trong từng ấy năm, chẳng lẽ cán bộ cấp phôi bằng ở bộ cũng không phát hiện chuyện trường có bao nhiêu ngành và đó là những ngành nào!

Như vậy, từ một sai phạm phía nhà trường thì đơn vị quản lý là Bộ GĐ - ĐT trong sáu năm liền không những không phát hiện mà qua những văn bản đã được ký duyệt của mình (như cuốn Những điều cần biết... có quy định các ngành đào tạo riêng cho trường) cũng vô tình đẩy nhiều SV vào cảnh dở khóc dở mếu này.

Cập nhật: 29/09/2008 (tuoitre.com.vn)

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang