Bỏ điểm sàn, các trường có “vơ bèo bạt tép” thí sinh?
20/12/2016
Sau nhiều năm điểm sàn được coi là “bảo bối” quản lý chất lượng đầu vào tuyển sinh, mới đây Bộ GDĐT đã chính thức “khai tử” điểm sàn. Điều này khiến nhiều người lo ngại về việc các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) khó tuyển sinh sẽ... “vơ bèo vợt tép”.
Điểm sàn đã lạc hậu
Theo Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 vừa được Bộ GDĐT công bố, Bộ sẽ không đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) như mọi năm. Thay vào đó, Bộ cho biết chỉ tập trung vào việc xây dựng Cổng thông tin tuyển sinh để hỗ trợ thí sinh và các trường trong công tác tuyển sinh, bao gồm các thông tin về: Chỉ đạo điều hành công tác tuyển sinh; cơ sở dữ liệu về kết quả kỳ thi THPT quốc gia; đề án tuyển sinh/điều kiện tuyển sinh của các trường; hệ thống nhập dữ liệu thống kê nguyện vọng của thí sinh và các thông tin khác cần thiết cho công tác tuyển sinh.
Giải thích điều này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, việc dự kiến bỏ điểm sàn là bước thực hiện quyền tự chủ của các trường theo Luật Giáo dục ĐH. Theo đó, các trường tùy theo chiến lược phát triển, tính chất đặc thù của ngành nghề đào tạo và điều kiện đảm bảo chất lượng, uy tín... để đưa ra điều kiện đầu vào tương ứng, riêng của trường mình.
Hơn nữa, theo ông Ga, hiện nay, việc quy định một ngưỡng đầu vào chung cho tất cả các trường đã không còn phù hợp với xu thế đào tạo các ngành nghề ngày càng đa dạng. “Để giúp thí sinh và người nhà nắm bắt thông tin kịp thời để làm hồ sơ xét tuyển, Bộ GDĐT sẽ yêu cầu các trường ĐH, CĐ công bố công khai điều kiện xét tuyển trong đề án tuyển sinh của mình sớm nhất có thể” - ông Ga cho biết thêm.
PGS-TS Đỗ Văn Xê – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cũng cho rằng, việc bỏ điểm sàn là hợp lý. Theo ông Xê, mấy năm gần đây, do chất lượng đề thi và việc tổ chức thi đã ổn định, mức điểm tối thiểu để đỗ tốt nghiệp THPT đã ngang bằng với điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ. Vì vậy, duy trì 2 mức điểm giống nhau là không cần thiết. “Hơn nữa, việc làm điểm sàn rất tốn kém và mất thời gian. Năm nào Hội đồng điểm sàn cũng phải nghiên cứu, họp. Lãnh đạo các trường ĐH cả nước phải bay ra Hà Nội một ngày rồi về để làm điểm sàn, chi phí bỏ ra không hề nhỏ. Việc bỏ điểm sàn còn giúp thí sinh đỡ phải 2 lần chờ đợi hồi hộp, lo lắng” – ông Xê nói.
Các trường vẫn phải có “sàn” riêng?
Tuy vậy, quyết định này của Bộ GDĐT vẫn khiến không ít người phải ngạc nhiên. Bởi lẽ, điểm sàn nhiều năm nay được Bộ GDĐT coi như “bảo bối” khống chế chất lượng đầu vào các trường ĐH, CĐ. Đó là mức điểm tối thiểu để các trường ĐH, CĐ nhận đơn xét tuyển của thí sinh. Từ năm 2004 đến nay, thí sinh phải có điểm thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn mới được xét tuyển nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ.
Nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại, mất “bảo bối” này, nhiều trường sẽ thả cửa tuyển sinh để đủ chỉ tiêu, điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng đầu vào giáo dục ĐH. PGS-TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cho rằng, điểm sàn hay ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là ranh giới giữa các cấp học, bậc học, đồng thời cũng là để khống chế tình trạng tuyển sinh tràn lan, vượt chỉ tiêu của các trường. “Nếu bỏ điểm sàn, các trường cứ tha hồ tuyển, điều này dẫn tới đầu vào yếu, cộng thêm chương trình giảng dạy không đảm bảo chất lượng sẽ khiến cho sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp” – ông Dũng nói. Ông Dũng cho rằng việc bỏ điểm sàn chỉ phù hợp khi chúng ta có một môi trường đại học đồng đẳng về chất lượng.
Tương tự, lãnh đạo một trường ĐH tại Hà Nội cho biết, mùa tuyển sinh năm 2016, lần đầu tiên trong lịch sử đã xảy ra tình trạng rất nhiều trường top trên cũng không tuyển đủ chỉ tiêu như: ĐH Y Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội… Những trường top dưới, ĐH dân lập, ĐH vùng thì luôn rơi vào tình trạng “khát” thí sinh:
“Để duy trì hoạt động giảng dạy, rất nhiều trường đã phải lấy điểm sát sàn của Bộ, thậm chí tuyển bằng học bạ THPT, đi đến tận các trường cấp 3 phát tờ rơi quảng cáo… Tuy nhiên, vẫn có trường phải đóng cửa ngành học, dồn sinh viên xuống khoa khác vì không đủ lớp dạy. Chính vì vậy, nếu bỏ điểm sàn, e rằng các trường sẽ vì mục đích kinh tế mà hạ tiêu chuẩn xét tuyển” – vị này nói.
Đồng ý với việc bỏ điểm sàn nhưng ông Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, các trường vẫn phải đưa ra mức sàn riêng cho trường mình: “Điểm sàn ngoài việc đảm bảo chất lượng đào tạo còn là để khẳng định uy tín của các trường. Không thể vì tuyển đủ chỉ tiêu mà hạ thấp mức điểm chuẩn đầu vào”. Ông Tớp cũng cho rằng, Bộ GDĐT cần yêu cầu các trường công bố ngưỡng chất lượng riêng của trường mình để thí sinh dựa vào đó đánh giá, lựa chọn.
Tùng Anh
(danviet.vn – 20/12/2016)