Bỏ điểm sàn ĐH: 'Giáo dục sẽ đi về đâu nếu cứ phóng khoáng thế này?'
17/12/2016
“Nếu cứ hết cấp 3 có thể vào ĐH thì ĐH nó là cái gì, đẳng cấp nào so với phổ thông? Giáo dục ĐH của chúng ta sẽ đi về đâu nếu cứ “phóng khoáng” như thế này?”, ĐB Cao Đình Thưởng nói.
Liên quan đến việc Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ bỏ điểm sàn ĐH trong năm tới, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Cao Đình Thưởng, Ủy viên UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH về vấn đề này.
Trong dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra, dự kiến điều kiện cần cho học sinh học ĐH chỉ là tốt nghiệp THPT như vậy, điểm sàn sẽ không còn. Ông đánh giá sao về đổi mới này của Bộ GD-ĐT?
Tôi có đọc thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, năm 2017, Bộ dự kiến bỏ điểm sàn và không giới hạn nguyện vọng ĐH. Như vậy, chỉ cần tốt nghiệp cấp 3 thì có thể vào ĐH. Đó là điều tôi thật sự lo lắng. Thứ hai là không hạn chế nguyện vọng vào ĐH thì có hỗn loạn nguyện vọng ĐH không? Việc tuyển của các trường sẽ như thế nào.
Không còn quy định điểm sàn như những năm trước, dù điểm sàn 15 điểm nhưng rất nhiều trường ĐH không tuyển đủ chi tiêu. Vậy bỏ điểm sàn, các trường liệu có “vơ bèo vạt tép”?
Không còn điểm sàn, tức là tốt nghiệp cấp 3 có thể vào ĐH. Tôi không biết vào ĐH nào nhưng nếu vào ngành sư phạm trở thành thầy, cô giáo thì thực sự rất nguy hiểm.
Bộ GD-ĐT có nói là sẽ kiểm định chất lượng đầu ra, các trường phải công khai tỉ lệ có việc làm, các trường phải tự nâng giá trị của mình. Nhưng liệu với thực tế như hiện nay, liệu điều này có khả quan?
Chúng ta phải thừa nhận thực tế là các gia đình, người dân đều mong muốn con mình vào ĐH. Tuy nhiên, giáo dục ĐH ở VN hiện nay còn nhiều vấn đề, chất lượng sinh viên cũng hết sức đáng lo.
Khá nhiều trường đang thiếu sinh viên, đang cần sinh viên để thu tiền, để kinh doanh. Nếu cứ hết cấp 3 có thể vào ĐH thì ĐH khác với cấp phổ thông ra sao? Giáo dục chúng ta sẽ đi đến đâu nếu cứ “phóng khoáng” như thế này, giáo dục sẽ bị thương mại hóa, không có mục tiêu.
Như ông nói, ông hết sức lo ngại nếu điều kiện này áp dụng và đặc biệt với ngành sư phạm. Thực sự, nếu đào tạo giáo viên mà đầu vào tổ hợp các môn xét tuyển chỉ 13, 14 điểm thì có đảm bảo chất lượng?
Điều lo lắng này là đương nhiên rồi. Trước đây Phú Thọ có chế độ thu hút sinh viên sư phạm tốt nghiệp loại giỏi. Đầu tiên là bằng giỏi không giới hạn nhưng sau đó đưa thêm tên một số trường được ưu tiên hơn. Vì có thực tế, có trường sư phạm ở miền núi đầu vào chỉ khoảng hơn chục điểm nhưng ra có bằng giỏi. Trong khi đó, có bạn phải 22 điểm trở lên mới vào được ĐH Sư phạm I thì tốt nghiệp TB, hoặc Khá. Đặc cách như vậy bất công. Tôi lo nhất là những học sinh điểm thấp mà bỏ điểm sàn, các cháu chọn sư phạm và thành thầy cô giáo.
Càng cải cách, càng đổi mới, tôi càng quá lo lắng về giáo dục hiện nay. Từ đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ, giáo dục đại học, tôi đều vô cùng lo lắng không biết đi đâu về đâu nếu cứ "phóng khoáng" như thế này.
Tôi mong rằng, người tài, người giỏi từ phổ thông thì nên vào ĐH. Còn học sinh có học lực trung bình thì nên cân nhắc. Nếu không có thể sẽ là lãng phí thời gian, tiền bạc của các em. Rất nhiều sinh viên đã tốt nghiệp đại học sau khi ra trường đã phải đi học trường nghề là một ví dụ điển hình.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đỗ Thơm
(nguoiduatin.vn – 17/12/2016)