Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Xét tuyển ĐH 2015: Tối đa 4 tổ hợp cho 1 ngành

21/10/2014

Đó là khuyến cáo của Bộ GD-ĐT khi xuất hiện một số trường thông báo hàng chục tổ hợp môn xét tuyển mới cho một ngành đào tạo, gây tâm lý bất an cho thí sinh. Học sinh bất an về khả năng xảy ra sự thiếu minh bạch trong công tác xét tuyển sau này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT BÙI VĂN GA cho biết:

- Bộ đã có công văn 5151 gửi đến tất cả các cơ sở giáo dục ĐH hướng dẫn việc xây dựng tổ hợp các môn xét tuyển.

Trước hết, các trường phải duy trì các khối xét tuyển truyền thống để không gây hoang mang lo lắng cho thí sinh vì các em đã chuẩn bị ôn tập để thi theo khối từ những năm trước.

Bên cạnh đó, các trường có thể bổ sung các tổ hợp môn xét tuyển mới. Thực tế các ngành ngoại ngữ, công tác xã hội... đề xuất nhiều tổ hợp xét tuyển mới nhất như văn - lịch sử - ngoại ngữ, văn - địa lý - ngoại ngữ hoặc toán - lịch sử - ngoại ngữ, toán - địa lý - ngoại ngữ, toán - văn - lịch sử...

Phần lớn các trường chọn tổ hợp môn thi để xét tuyển theo đúng quy định tại công văn của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, một vài trường chưa hiểu đúng tinh thần công văn nên xây dựng các tổ hợp môn xét tuyển hoàn toàn mới. Và đúng là cũng có trường sử dụng quá nhiều tổ hợp cho một khối ngành (có trường xây dựng đến 12 tổ hợp cho một ngành).

Điều này không có lợi đối với thí sinh và gây phức tạp cho công tác tuyển sinh của các nhà trường. Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đã và sẽ trao đổi, hướng dẫn các trường điều chỉnh lại phương án tuyển sinh cho hợp lý hơn. Tinh thần chung là ở mỗi ngành đào tạo chỉ nên xét tuyển không quá bốn tổ hợp môn thi.

* Thực tế các năm trước, nhiều trường dù chỉ xét tuyển 3-4 khối thi cho một ngành nhưng không công khai tỉ lệ trúng tuyển từng khối thi, tạo chênh lệch lớn về điểm chuẩn giữa các khối ở cùng ngành đào tạo khiến thí sinh nghi ngờ, khiếu nại. Năm 2015, các trường có phải công khai tỉ lệ xét tuyển đối với từng tổ hợp trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển hay không, thưa thứ trưởng?

Xét tuyển hàng chục tổ hợp một ngành đào tạo

Trong thông báo tuyển sinh 2015 Trường ĐH Kinh tế quốc dân vừa công bố, 15 ngành đào tạo của trường (trừ ngành ngôn ngữ Anh) đều xét tuyển đồng thời 10 tổ hợp môn thi khác nhau.

Ngoài ra, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cũng cho biết trước đó, trong đề án tự chủ tuyển sinh ban đầu gửi về Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Tây Đô, Trường ĐH Nam Cần Thơ cũng đề xuất một số ngành đào tạo tuyển sinh đến 12 tổ hợp môn thi, nhưng hiện đã được cục hướng dẫn điều chỉnh lại, bảo đảm tối đa mỗi ngành chỉ xét tuyển bốn tổ hợp môn thi.

- Theo đề án kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi. Khi đó các trường cũng đã biết kết quả thi của thí sinh một cách chi tiết nên sẽ có quy định cụ thể và công khai đối với từng tổ hợp xét tuyển vào từng ngành để thí sinh biết và đăng ký.

Trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy sắp tới, quy định về xét tuyển là phần có nhiều đổi mới nhất. Quy chế sẽ quy định chi tiết về xét tuyển để các trường thực hiện thống nhất đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng cho tất cả các thí sinh.

* Theo quy định, ngày 15-10 là hạn cuối các trường ĐH, CĐ có sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển phải chốt tổ hợp môn thi sẽ sử dụng. Nhìn một cách tổng quan, các trường có những cách thức, mức độ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia khác nhau thế nào, thưa thứ trưởng?

- Đến nay bộ đã nhận đề án tuyển sinh của 328 trường ĐH, học viện, trường CĐ.

Trong số các trường đã nộp đề án có 185 trường chỉ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, 143 trường có đề án tự chủ tuyển sinh theo hai phương thức: tuyển một phần chỉ tiêu bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia và phần còn lại dùng để xét tuyển dựa vào kết quả học tập của thí sinh ở bậc phổ thông.

Tổng hợp các đề án tuyển sinh này cho thấy tất cả các trường tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia đều sử dụng kết quả của thí sinh dự thi ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì. Các trường tốp trên ít thay đổi tổ hợp các môn xét tuyển so với kỳ thi ba chung trước đây.

Những trường tốp giữa có khá nhiều biến động trong tổ hợp các môn xét tuyển, hình thành nhiều tổ hợp môn thi mới. Các trường, ngành có nhiều khó khăn trong tuyển sinh lại chọn phương án kết hợp giữa sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển dựa trên học bạ phổ thông của thí sinh. Các trường này đều có quy định ngưỡng chất lượng đầu vào, thường điểm trung bình chung ba năm THPT là 6 trở lên với ĐH và 5,5 trở lên đối với CĐ.

* Việc một số trường thực hiện xét học bạ bằng những tổ hợp môn mới, trong đó có những môn học như công nghệ, tin học... không nằm trong tám môn cơ bản liệu có đảm bảo chất lượng đầu vào?

- Các trường có đề án tự chủ tuyển sinh có thể có quy định riêng cả về môn thi lẫn phương thức tổ chức thi. Các trường này không nhất thiết phải xét tuyển trong số tám môn thi quy định của kỳ thi THPT quốc gia mà có thể kiểm tra kiến thức liên quan của thí sinh đến các môn học khác như công nghệ, tin học... nếu xét thấy các môn này cần thiết cho ngành nghề đào tạo.

Các trường cũng có thể tổ chức thi riêng những môn truyền thống với các hình thức thi khác so với kỳ thi THPT quốc gia hoặc kết hợp phỏng vấn, sơ tuyển... Mục tiêu của tuyển sinh là làm sao chọn được những thí sinh phù hợp nhất vào học các ngành đào tạo tại các nhà trường.

Khẩn trương xử lý kỹ thuật cho kỳ thi chung

Một trong hai mục đích của kỳ thi THPT quốc gia là cung cấp cơ sở dữ liệu tin cậy để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Với đề án kỳ thi THPT quốc gia đã công bố, các trường ĐH, CĐ có thể yên tâm sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển mà không tự tổ chức thi riêng. Một số trường trước đây dự định tổ chức thi riêng nay cũng công bố sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển.

Như vậy trong năm 2015 thí sinh không phải dự thi ba đợt thi ĐH, CĐ như trước đây, cũng không phải dự thi vào từng trường (nếu tổ chức thi riêng), đỡ vất vả cho thí sinh, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội.

Thay vào đó, thí sinh chỉ cần dự thi một đợt duy nhất của kỳ thi THPT quốc gia tổ chức trong năm để được xét tuyển vào các trường có điều kiện phù hợp. Như vậy về mặt chủ trương, mục tiêu của kỳ thi đã đạt được. Việc còn lại là tổ chức kỳ thi thật an toàn, thuận lợi cho thí sinh.

Hiện nay bộ đang khẩn trương xử lý các vấn đề kỹ thuật của kỳ thi, khảo sát quy mô thí sinh các vùng miền, khả năng chủ trì cụm thi của các trường ĐH, đồng thời làm việc với các địa phương để phối hợp tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Các cụm thi sẽ được phân bố dựa trên quy mô thí sinh và điều kiện địa lý, khả năng đảm đương nhiệm vụ của trường ĐH trong vùng”. 

Thứ trưởng BÙI VĂN GA

NGỌC HÀ thực hiện
Nguồn: tuoitre.vn

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang