ĐHQG TP.HCM công bố phương án tuyển sinh chính thức
16/10/2014
Chiều 15-10, ĐHQG TP.HCM công bố phương án tuyển sinh chính thức của trường, áp dụng năm 2015.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính - trưởng ban đại học và sau đại học ĐHQG TP.HCM quá trình tuyển sinh của ĐH này gồm hai hợp phần: đánh giá năng lực và xét tuyển.
Phần đánh giá năng lực cần đánh giá được kiến thức, kỹ năng cần thiết để học đại học của thí sinh. Phần xét tuyển thuộc quyền chủ động của các đơn vị, có tính toàn diện và thể hiện yêu cầu đặc thù của từng ngành, trường, vùng.
Các tiêu chí xét tuyển bao gồm kết quả đánh giá năng lực và các tiêu chí phù hợp khác thể hiện tính tự chủ của các đơn vị trong công tác tuyển chọn.
Đánh giá toàn diện thí sinh
Quá trình xét tuyển tại ĐHQG TP.HCM thực hiện trên các tiêu chí nhằm đánh giá toàn diện năng lực học tập, quá trình học ở THPT, khả năng tư duy và năng khiếu, năng lực tham gia các hoạt động xã hội của thí sinh. Cụ thể:
Năng lực học tập: đánh giá căn cứ trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực được công nhận trên thế giới.
Quá trình kết quả học tập THPT: đánh giá căn cứ trên kết quả học tập ba năm THPT của thí sinh.
Khả năng tư duy, năng khiếu: đánh giá căn cứ trên điểm thi của bài thi đánh giá năng lực tư duy, kết quả đánh giá năng lực ngoại ngữ (hoặc xem xét các chứng chỉ ngoại ngữ TOEFL, TOEIC, IELTS, VNU-EPT).
Năng lực hoạt động xã hội: đánh giá căn cứ trên kết quả thành tích tham gia các hoạt động xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… của thí sinh.
Chính sách của Nhà nước, công bằng xã hội: căn cứ trên điểm ưu tiên theo đối tượng, khu vực… theo qui định hiện hành của Nhà nước.
Theo ĐHQG TP.HCM, việc áp dụng các tiêu chí sẽ được thực hiện theo lộ trình, đảm bảo sự ổn định của công tác tuyển sinh, tránh xáo trộn lớn gây khó khăn cho học sinh THPT.
Trước mắt trong năm 2015 phương án xét tuyển được xây dựng trên cơ sở kết quả kỳ thi THPT quốc gia kết hợp điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng.
Tiêu chí quá trình học tập THPT được sử dụng như điều kiện ngưỡng xét tuyển. Các tiêu chí về năng lực tư duy, năng lực hoạt động xã hội sẽ được xem xét triển khai vào các năm sau.
Tổ chức kỳ thi THPT quốc gia
ĐHQG TP.HCM sẽ phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tại cụm thi do Ban chỉ đạo kỳ thi quốc gia phân công. Việc nhận hồ sơ đăng ký dự thi do Sở GD-ĐT địa phương phối hợp với các trường THPT thực hiện. Ban chỉ đạo kỳ thi quốc gia phối hợp với các trường ĐH và chính quyền địa phương thực hiện công tác phân bố cụm thi.
Công tác tổ chức thi, chấm thi tại cụm thi: do trường đại học phụ trách cụm thi phối hợp chính quyền địa phương tại cụm thi thực hiện.
Công tác tổ chức môn thi năng khiếu: do trường ĐH thành viên tổ chức trước ngày 20-6-2015.
ĐHQG TP.HCM chỉ xét tuyển các thí sinh dự thi tại các cụm thi THPT quốc gia do các trường ĐH tổ chức.
- Thí sinh có hạnh kiểm năm học lớp 10, năm học lớp 11 và học kỳ 1 năm học lớp 12 đạt từ loại khá trở lên.
- Xét tuyển bậc đại học: thí sinh có các điểm trung bình năm học lớp 10, điểm trung bình năm học lớp 11 và điểm trung bình học kì 1 của năm học lớp 12 đều từ 6,5 trở lên.
- Xét tuyển bậc cao đẳng: thí sinh có các điểm trung bình năm học lớp 10, điểm trung bình năm học lớp 11 và điểm trung bình học kì 1 của năm học lớp 12 đều từ 6 trở lên.
Thí sinh đăng ký thông tin trực tiếp qua trang thông tin điện tử hoặc nộp thông tin trực tiếp tại bộ phận tuyển sinh của trường.
Căn cứ trên kết quả thi THPT quốc gia và hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh, các trường đại học thành viên, khoa trực thuộc sẽ xét tuyển và công bố danh sách trúng tuyển.
Điểm xét tuyển được xây dựng trên điểm thi kỳ thi THPT quốc gia và điểm ưu tiên đối tượng, khu vực.
- Tùy theo điều kiện thực tế, sau khi xét tuyển đợt 1, các trường có thể nhận hồ sơ và xét tuyển một số đợt bổ sung tiếp theo.
Ưu tiên xét tuyển thẳng
Chỉ tiêu tuyển thẳng cho mỗi ngành/nhóm ngành bằng 5% chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của ngành/nhóm ngành. Điều kiện tiên quyết: các học sinh phải tốt nghiệp THPT.
Các đối tượng ưu tiên xét tuyển thẳng gồm: các đối tượng ưu tiên xét tuyển thẳng theo qui chế, hướng dẫn công tác tuyển sinh năm 2015 của Bộ GD-ĐT.
Các học sinh có kết quả học tập tốt thuộc các trường THPT xuất sắc: Các tiêu chí xét tuyển thẳng bao gồm: kết quả học tập của 5 học kỳ THPT; tốt nghiệp THPT năm 2015 (đúng hạn); bài luận nêu lý do xin xét tuyển vào ĐHQG TP.HCM và về định hướng phát triển của bản thân và thư giới thiệu của giáo viên nơi học THPT.
Năm 2015 ĐHQG TP.HCM sẽ thí điểm xét tuyển thẳng học sinh năm trường THPT đứng đầu trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 (căn cứ trên điểm thi trung bình của thí sinh). Hiện ĐHQG TP.HCM chưa quyết định danh sách các trường này.
Từ năm 2016 ĐHQG TP.HCM căn cứ kết quả điểm của kỳ thi THPT quốc gia xem xét cho 10 trường THPT đứng đầu cả nước.
Từ năm 2016 ĐHQG TP.HCM giữ nguyên tắc và phương thức như năm 2015, đồng thời xem xét, bổ sung các tiêu chí đánh giá năng lực tư duy và đánh giá năng lực hoạt động xã hội vào quá trình xét tuyển.
ĐHQG TP.HCM nhận hồ sơ và xét tuyển theo nhiều đợt, từ thời điểm thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia đến ngày 15-8-2015.
Kế hoạch dự kiến:
- Đợt 1: nhận hồ sơ từ 1 tuần sau khi bắt đầu đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia đến 2 tuần sau khi thí sinh hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia. Công bố kết quả xét tuyển 2 tuần sau khi có kết quả thi.
- Các đợt xét tuyển bổ sung: theo kế hoạch cụ thể do hội đồng tuyển sinh các đơn vị thành viên quyết định.
|
TRẦN HUỲNH
Nguồn: tuoitre.vn