Các trường Đại học thêm môn, khối thi mới chỉ làm khổ học sinh
17/10/2014
Xuất hiện thêm các tổ hợp môn thi mới ở nhiều trường ĐH trong năm 2015, thật sự là mối lo lắng, áp lực không hề nhỏ trong học sinh, phụ huynh và nhà trường.
Trước những cải tiến, đổi mới mạnh mẽ trong kỳ thi tốt nghiệp quốc gia sắp tới, chuẩn bị cho mùa tuyển sinh năm 2015, một số trường Đại học đề xuất lên Bộ GD-ĐT các đề án tuyển sinh, trong đó có tổ hợp môn mới để xét tuyển.
Theo thông tin từ báo chí, ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến thêm các nhóm tổ hợp môn thi mới như nhóm các môn Toán - Hóa - tiếng Anh, Văn - Sử - Tiếng Anh. Ngành Công nghệ thông tin của ĐH Phan Thiết ngoài xét tuyển khối A còn xét theo tổ hợp môn Toán - Lý - Ngoại ngữ.
Tại ĐH Quốc gia TP.HCM, ngoài các nhóm khối thi cũ còn có thêm các khối thi mới: Toán - Hóa - Văn đối với các ngành học liên quan đến hóa học, hay Toán - Sinh - Tiếng Anh và Toán - Sinh - Văn cho các ngành học liên quan đến sức khỏe. ĐH Cần Thơ hiện là một trong những trường có khối thi phong phú nhất, với hàng chục cách thức tổ hợp môn để xét tuyển khác nhau. Mỗi ngành học sẽ có từ 3 đến 6 tổ hợp môn để xét tuyển thay vì chỉ từ một đến hai khối thi như các năm trước.
Năm 2014, ngành giáo dục Tiểu học tuyển thí sinh các khối A, D1 nhưng năm 2015, ngành này có 6 nhóm môn học khác nhau gồm môn Toán và hai trong số bốn môn Lý, Hóa, Văn và Ngoại ngữ. Ngành Sư phạm Ngữ văn năm 2014 chỉ tuyển khối C nhưng năm 2015 tuyển theo 3 nhóm môn học gồm môn Văn và hai trong số các môn Sử, Địa, Ngoại ngữ.
Cũng trong đề án tuyển sinh riêng của trường mới công bố ngày 10/10 vừa qua, với phương án xét tuyển kết quả học tập THPT, ngoài tổ hợp các môn học tương tự khối thi truyền thống, trường thiết lập nhiều tổ hợp môn học mới dùng để xét tuyển như Toán - Tiếng Anh - Công nghệ; Toán - Lý - Công nghệ hay Lý - Hóa - Công nghệ…
Những trường ĐH đưa ra các tổ hợp môn thi mới trong đề án tuyển sinh của mình, đưa ra lập luận rằng: “việc bổ sung các tổ hợp môn mới vừa giúp trường có nguồn tuyển rộng hơn, tuyển được thí sinh phù hợp với đặc thù đào tạo của trường, giúp thí sinh có nhiều cơ hội hơn”. Đúng là, các tổ hợp môn mới đem lại nhiều ích lợi cho nhà trường từ nguồn tuyển rộng hơn, phù hợp với đặc thù đào tạo của từng đơn vị và một số đối tượng học sinh có cơ hội học Đại học cao hơn.
Tuy nhiên, việc xuất hiện thêm các tổ hợp môn thi mới ở nhiều trường ĐH trong năm 2015, thật sự là mối lo lắng, áp lực không hề nhỏ trong học sinh, phụ huynh và nhà trường phổ thông.
Em Lương Thị Mỹ Duyên, học sinh lớp 12c10, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thành phố Quảng Ngãi) cho biết: “Các trường ĐH thêm môn thi mới để xét tuyển, như vậy, chúng em muốn thi vào khối thi, ngành thi mới phải thi thêm môn trong kỳ thi tốt nghiệp quốc gia hoặc do trường tổ chức thi riêng. Như vậy, chúng em phải thêm vất vả, áp lực trong học tập và thi cử. Sự xáo trộn môn thi khiến học sinh lớp 12 rất bất ngờ, lo lắng và cả hoang mang nữa. Em chỉ mong sự ổn định khối thi như cũ”.
Về phía cán bộ quản lý giáo dục tại trường THPT, thầy Trần Văn Tâm, Hiệu trưởng, trường THPT Nguyễn Văn Xiện (tỉnh Kiên Giang) bày tỏ: “Thay đổi các môn thi mới, có nhiều ưu điểm, lợi thế, phù hợp cho trường ĐH, cho chọn ngành nghề. Song thời điểm hiện tại chưa phải lúc. Nó gây ra nhiều xáo trộn, phân tâm trong tư tưởng học sinh; ít, nhiều ảnh hưởng, gia tăng sức ép đến hoạt động dạy học của nhà trường, nhất là khối lớp 12. Để thi thêm khối, ngành thi mới, tất nhiên, nhiều em phải vùi đầu vào học thêm, các lò luyện cấp tốc…Thành ra, cái mới của Bộ Giáo dục, các trường ĐH lại làm khổ sở thêm học sinh, nhà trường phổ thông”.
Ai đang dạy, quản lý ở bậc phổ thông đều biết, Bộ GD-ĐT khởi xướng chương trình phân ban ở bậc THPT từ năm 2006 và đến nay vẫn đang tiếp tục thực hiện. Mục tiêu của chương trình, sách giáo khoa phân ban, dạy-học có sự phân hóa, các em được quyền lựa các ban để học, phát huy tối đa năng lực, sở trường, thế mạnh của mình gắn với việc lựa chọn ngành nghề, khối thi. Lâu nay, Bộ GD-ĐT quy định và các trường ĐH,CĐ thực hiện thi tuyển theo các khối thi truyền thống A,B,C,D… được xem là sát thực với chương trình, nội dung phân ban.
Tất nhiên, sau một thời gian triển khai, cách thi cử cũ, khối thi truyền thống bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Cần có sự cải tiến, thay đổi để đạt mục tiêu giáo dục toàn diện đặt ra. Nhưng cần có thời gian, lộ trình để nhà trường, thầy cô giáo, nhất là các em học sinh THPT bắt nhịp, thích nghi, đổi thay dần dần, từng bước.
Chính vì thế mà Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các trường ĐH, CĐ, trong đó khuyến khích các trường giữ ổn định các khối thi, tránh thiệt thòi, áp lực cho học sinh. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương đó của Bộ GD-ĐT.
Chúng tôi thiết nghĩ, các trường ĐH vì quyền lợi, nguyên vọng chính đáng của học sinh nên dừng việc tổ hợp thêm các môn thi mới lại, giữ nguyên các khối thi như trước đây đã từng làm trong mùa tuyển sinh năm 2015. Đến năm 2016, 2017 khi điều kiện thuận lợi, chín muồi, công tác, tâm thế chuẩn bị của thầy và trò các trường THPT đâu vào đấy thì sự thay đổi đó vẫn chưa muộn.
ĐỖ TẤN NGỌC (giaoduc.net.vn)