Bản tin » Hỏi - Trả lời

Tuyển sinh 2016: Tăng thêm cơ hội đăng ký xét tuyển

17/03/2016

Trúng tuyển nhưng không muốn nhập học vẫn được đăng ký xét tuyển đợt sau. Theo quy định mới áp dụng cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy 2016, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội chọn lựa trường/ngành mình yêu thích hơn.

Đó là thông tin được ông Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) - cung cấp cho thí sinh.

* Đối với những thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường quân đội sẽ chỉ được đăng ký một nguyện vọng (NV), vậy các thí sinh này có được đăng ký xét tuyển thêm một trường dân sự trong đợt 1 hay không, thưa ông?

- Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016, trong đợt 1, thí sinh được đăng ký tối đa hai trường, vì vậy thí sinh có thể đăng ký vào một trường dân sự nữa, ngoài một trường quân đội (mà thí sinh đã đạt yêu cầu sơ tuyển).

Việc đăng ký các ngành trong trường quân đội phải tuân thủ theo quy định của Bộ Quốc phòng. Việc đăng ký vào các trường ngoài quân đội thực hiện theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Thí sinh sẽ được đăng ký hai NV vào hai ngành khác nhau của trường khối dân sự.

* Mức điểm ưu tiên sẽ được tính như thế nào khi các trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau? Việc tính điểm ưu tiên có sự khác biệt giữa các phương thức tuyển sinh: xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia, xét tuyển bằng học bạ... hay không?

- Ưu tiên trong tuyển sinh bao gồm: tuyển thẳng, ưu tiên theo đối tượng, ưu tiên theo khu vực được thống nhất thực hiện ở tất cả các trường ĐH, CĐ (kể cả các trường có đề án tự chủ tuyển sinh) theo quy định của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. Ở đây có hai điểm thí sinh cần lưu ý:

Một là mức chênh lệch giữa các khu vực (0,5 điểm) và giữa các nhóm đối tượng (1 điểm) xác định theo thang điểm 10 và tổng điểm tối đa của 3 môn thi trong tổ hợp xét tuyển là 30.

Các trường sử dụng thang điểm khác thang điểm 10 hoặc tổng điểm tối đa của 3 môn thi trong tổ hợp xét tuyển khác 30 (ví dụ trường hợp nhân hệ số môn thi chính) đều phải quy đổi điểm xét tuyển về thang điểm 10 trên, sau đó tiến hành cộng điểm ưu tiên hoặc phải quy đổi điểm ưu tiên về thang điểm mà trường đang sử dụng.

Hai là trường hợp sử dụng kết quả học tập ở THPT để xét tuyển, điểm ưu tiên được cộng để xét tuyển sau khi thí sinh đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định.

* Thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 (NV1) nhưng không nhập học (không nộp giấy chứng nhận kết quả thi) thì có được đăng ký xét tuyển NV bổ sung hay không?

- Ở mỗi đợt xét tuyển, sau khi trường công bố kết quả xét tuyển, các thí sinh đã trúng tuyển phải xác nhận vào học bằng cách nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi cho trường trong thời gian quy định.

Những thí sinh không nộp giấy chứng nhận kết quả thi cho trường trong khoảng thời gian này được xem như từ chối nhập học và vẫn tiếp tục tham gia xét tuyển đợt tiếp theo.

* Trong hướng dẫn tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn đối với tuyển sinh theo nhóm trường? Vậy đến nay có bao nhiêu nhóm trường tuyển sinh chung đã đăng ký và được Bộ GD-ĐT chấp thuận? Thí sinh có được vừa đăng ký xét tuyển theo nhóm trường vừa đăng ký thêm trường ngoài nhóm? Cách tính NV của mỗi đợt xét tuyển đối với đăng ký theo nhóm trường có gì khác so với đăng ký xét tuyển vào các trường không theo nhóm?

- Một số trường đang thảo luận thành lập các nhóm để xét tuyển chung. Theo quy định của quy chế tuyển sinh, sau khi đã bàn bạc thống nhất, các nhóm phải xây dựng đề án tuyển sinh báo cáo bộ.

Hiện nay Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang chủ trì thành lập nhóm xét tuyển chung. Trường sẽ báo cáo bộ đề án tuyển sinh của nhóm trong thời gian tới.

Thí sinh đăng ký vào nhóm trường có thể đăng ký tối đa 4 trường trong nhóm ở đợt 1 và 6 trường ở đợt xét tuyển bổ sung. Điều kiện ràng buộc ở đây là tổng số NV đăng ký theo ngành hay theo trường cũng không được vượt quá 4 đối với xét tuyển đợt 1 và 6 đối với xét tuyển NV bổ sung.

Thí sinh có thể đăng ký vào trường trong nhóm đồng thời đăng ký thêm 1 trường ngoài nhóm. Tuy nhiên, thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào 2 trường trở lên trong nhóm ở đợt 1 hoặc 3 trường trở lên trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài nhóm.

Việc tuyển sinh theo nhóm vừa có lợi cho thí sinh, vừa có lợi cho các nhà trường. Thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển vào ngành nghề mình yêu thích hơn vì có thể đăng ký đến tối đa 4 trường (trong đợt 1) hoặc 6 trường (trong các đợt bổ sung). Đồng thời, các trường sẽ hạn chế được thí sinh ảo.

* Năm nay thời gian xét tuyển được kéo dài hơn, ngoài đợt 1 và hai đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh sẽ vẫn còn cơ hội đăng ký xét tuyển nữa?

- Từ thực tế xét tuyển năm 2015, sau ba đợt xét tuyển (đợt 1 và hai đợt bổ sung) phần lớn các trường ĐH đã hoàn thành việc xét tuyển.

Chính vì vậy, trong hướng dẫn tổ chức công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016, thời gian của ba đợt này được quy định thống nhất trong toàn quốc. Đợt xét tuyển bổ sung thứ hai sẽ kết thúc vào ngày 26-9.

Thời gian còn lại đến ngày 20-10 đối với hệ ĐH và ngày 15-11 đối với hệ CĐ chủ yếu dành cho các trường khó tuyển và bộ cho phép các trường này tự quy định các mốc thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo nếu cần.

Như vậy, sau ba đợt xét tuyển thống nhất theo lịch chung, nếu chưa trúng tuyển, thí sinh vẫn còn cơ hội tiếp tục đăng ký xét tuyển.

Thanh Hà (thực hiện)
(tuoitre.vn – 17/03/2016)

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]