Tiền hậu bất nhất

Với kiểu nói một đằng làm một nẻo như thế này, những trường làm đúng sẽ luôn chịu thiệt thòi. Phần ngược lại thuộc về những trường biết “linh động” cách làm riêng....

1. Sau khi có kết quả thi tuyển sinh năm 2009, ĐH Hoa Sen thông báo tuyển thêm hai ngành vừa được Bộ GD-ĐT cho phép mở. ĐH Mở TP.HCM loan tin xét tuyển NV2 thêm một ngành mới không tuyển NV1. Một số trường khác cũng hồ hởi thông báo mở thêm ngành mới sau khi đã có kết quả thi.

Trong khi đó, triển khai công tác tuyển sinh 2009, Bộ GD-ĐT khẳng định đầy trách nhiệm: “Để thí sinh chủ động lựa chọn ngành học, khối thi, trường dự thi và trường có nguyện vọng học, những ngành được mở trước ngày 31-1 sẽ được đưa vào cuốn Những điều cần biết... Những ngành mở sau ngày 31-1 sẽ tuyển sinh vào năm 2010”.

 

2. Ngày 8-9, ĐH Cần Thơ ra quyết định hạ điểm chuẩn chín ngành. Phản ứng trước sự kiện, lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) kiên quyết: “Theo đúng quy chế, không trường nào được hạ điểm chuẩn”. Một cán bộ khác của vụ mạnh mẽ: “ĐH Cần Thơ phải rút lại quyết định hạ điểm chuẩn”. Quả thật, theo quy chế tuyển sinh, các trường không hạ điểm trúng tuyển. Những trường hợp đặc biệt, bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét, quyết định. Đến ngày 14-9, lãnh đạo Bộ GD-ĐT có công văn đồng ý việc làm của ĐH Cần Thơ.

 

3. Tấm bình phong “vì quyền lợi thí sinh” được dựng lên để lý giải cho cả hai trường hợp. Nhưng trong trường hợp thứ nhất cái “vì quyền lợi”, nếu có, của một số thí sinh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nhiều thí sinh khác. Thông tin về những ngành không tuyển NV1 bất ngờ được xét tuyển NV2 chỉ có thể đến được với một số ít thí sinh có điều kiện tiếp cận. Và nó chỉ đến được với những thí sinh đã rớt NV1.

 

Thông tin này không thể đến với đông đảo thí sinh bằng kênh chính thức như trước ngày các bạn làm hồ sơ đăng ký dự thi. Ở trường hợp hạ điểm chuẩn, văn bản của Bộ GD-ĐT chỉ là hợp thức hóa cho... việc đã rồi. Cách lý giải vì điều kiện đặc biệt của trường được đưa ra không mấy thuyết phục.

 

Bởi theo đúng quy chế, điều kiện đó phải được xem xét trước khi ra quyết định. Hành động này sẽ tạo một tiền lệ xấu trong công tác tuyển sinh. Trong nay mai, không ai dám khẳng định sẽ không có thêm trường “đặc biệt” tự ý hạ điểm chuẩn. Đó là chưa kể sự bất công rất lớn giữa những thí sinh “bỗng dưng trúng tuyển” với rất nhiều thí sinh khác.

 

4. Việc mở ngành lúc nào hay định điểm bao nhiêu xuất phát từ chính thực tế tuyển sinh của từng trường. Nhưng thực tế bấy lâu nay, hầu hết những quyết định cuối cùng về tuyển sinh đều do bộ định đoạt. Chiếc áo “3 chung” dù phù hợp hay không các trường đều phải khoác. Tuy nhiên, với kiểu nói một đằng làm một nẻo như thế này, những trường làm đúng sẽ luôn chịu thiệt thòi. Phần ngược lại thuộc về những trường biết “linh động” cách làm riêng. Còn “linh động” như thế nào để được chấp nhận, đó lại là câu chuyện khác giữa bộ với các trường.

Trần Long (Tuoitre Online)
16/09/2009

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang