Thực hiện Nghị định 49 về miễn giảm học phí - Tiếp tục chờ vì... thiếu tiền
Ngày 1-1-2011, sinh viên thuộc diện miễn giảm học phí sẽ được các trường ĐH-CĐ xác nhận về địa phương nhận hoàn trả học phí theo Thông tư 29 hướng dẫn thực hiện Nghị định 49 của Chính phủ về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, nhiều địa phương đang lúng túng vì đến nay vẫn chưa có ngân sách để giải quyết cho người học.
Mỗi trường mỗi kiểu
Nghị định 49 của Chính phủ ban hành tháng 5-2010 quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 – 2015 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2010. Thực hiện nghị định này, sinh viên các trường ĐH-CĐ phải đóng tiền học phí mới từ tháng 8 đến tháng 10-2010.
Thế nhưng nghị định này lại không kèm thông tư hướng dẫn nên mỗi trường làm mỗi kiểu khi thực hiện miễn giảm cho những sinh viên thuộc diện chính sách. Nhiều trường không chờ thông tư hướng dẫn đã chủ động chia sẻ khó khăn với sinh viên bằng việc giãn thời gian đóng học phí.
Theo Th.S Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, trước khi có Nghị định 49, trường có gần 4.500 sinh viên thuộc diện miễn giảm học phí. Dù phải thực hiện ngay nghị định nhưng với những sinh viên thuộc đối tượng ưu tiên, nhà trường không thu học phí vì biết những sinh viên này có cuộc sống khó khăn. Vì vậy, nhà trường đã cấp giấy xác nhận kéo dài thời hạn đóng học phí cho những sinh viên nói trên đến tận tháng 4-2011.
Cùng chia sẻ khó khăn với người học, Trường ĐH Nông lâm TPHCM có đến 2.000 sinh viên được miễn giảm học phí trong năm 2010-2011 đã được nhà trường lên danh sách cho đóng học phí trễ và cấp giấy xác nhận về địa phương để giải quyết chế độ chính sách.
Cùng cách làm này, một số trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM như ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn, ĐH Khoa học tự nhiên… đã có chủ trương tạm thời không thu học phí đối với sinh viên thuộc diện chính sách để chờ thông tư hướng dẫn.
Giải thích về cách làm này, các trường cho rằng những sinh viên thuộc diện miễn giảm đều có hoàn cảnh khó khăn nên buộc các em đóng tiền theo quy định mới trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể là làm khó sinh viên.
Ngược lại với cách làm trên, Trường ĐH Luật TPHCM, Trường ĐH Kiến Trúc TPHCM… đã thực hiện việc thu 100% học phí đối với những sinh viên thuộc diện miễn, giảm học phí. Theo quy định của những trường trên, nếu chưa đóng học phí, sinh viên sẽ không được dự thi học kỳ. Theo lý giải của các trường, việc miễn giảm là trách nhiệm của địa phương, còn các trường chỉ thực hiện theo đúng quy định.
Địa phương còn “tắc”
Cầm trên tay giấy xác nhận đã đóng học phí của Trường ĐH Luật TPHCM, sinh viên H.V.N (ngành Luật Thương mại) về Phòng LĐ-TB-XH huyện Bến Lức (Long An) để nhận lại số tiền học phí 2.900.000 đồng. Tuy nhiên, N. lại được nhân viên của phòng giải thích: “Hiện nay, phòng chưa có kinh phí nên chỉ tạm thời tiếp nhận hồ sơ, khi nào có, phòng sẽ thông báo sau”.
Không chỉ N. mà rất nhiều sinh viên thuộc diện chính sách khác đã đóng tiền học phí cầm giấy xác nhận về địa phương yêu cầu giải quyết theo đúng hướng dẫn của Thông tư 29 đều “tắc” vì chưa có ngân sách.
Lý giải về việc chưa thể thực hiện chi trả theo đúng Thông tư 29, một số địa phương cho biết: Nghị định có hiệu lực từ ngày 1-7-2010 nhưng Thông tư 29 mới hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Trong khi đó, nhiều trường ĐH-CĐ đã tiến hành thu học phí từ tháng 8 đến tháng 10-2010 nên những sinh viên thuộc diện miễn, giảm học phí đã đóng tiền buộc phải chờ đến tháng 3 hoặc tháng 4-2011 mới nhận được tiền từ địa phương.
Tuy nhiên, quy định là thế nhưng tất cả đều đang chờ ngân sách từ Bộ Tài chính. Riêng vấn đề chi trả có đúng thời hạn hay không, các địa phương không thể hứa cụ thể với người học.
Theo ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ GD-ĐT, năm 2010, những địa phương chưa tự cân đối ngân sách để thực hiện các chính sách cấp bù học phí cho các đối tượng được miễn, giảm học phí, đối tượng được hỗ trợ chi phí học ĐH, CĐ và trung cấp sẽ được nhận ngân sách từ trung ương.
Nhà nước đã quy định rõ: việc chi trả cấp bù học phí được cấp đủ trong 9 tháng của mỗi năm học và thực hiện 2 lần trong năm. Lần một chi trả đủ 4 tháng vào tháng 9 hoặc tháng 10, lần hai chi trả đủ 5 tháng vào tháng 3 hoặc tháng 4. Thời gian cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí cho các đối tượng được miễn, giảm học phí chính quy ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập cũng thực hiện 2 lần trong năm.
Cũng theo ông Ngữ, hiện các địa phương đã gửi danh sách các đối tượng được miễn giảm học phí và Bộ Tài chính đang tổng hợp, rà soát danh sách các đối tượng để thực hiện chuyển tiền về địa phương. Công việc cập nhật số liệu cũng phải mất một thời gian.
Mặt khác, việc chi trả học phí như đã nói ở trên được thực hiện 2 lần trong năm. Do đó, người học hoàn toàn an tâm địa phương chắc chắn sẽ thực hiện chi trả.
Quy trình nhận tiền miễn giảm tại địa phương
Từ nay đến năm học 2014-2015, sinh viên các trường công lập thuộc diện chính sách phải đóng 100% học phí tại trường, sau đó nhận lại khoản học phí đó tại phòng LĐ-TB-XH nơi đăng ký hộ khẩu sau 15 ngày, kể từ ngày nộp đơn xin hưởng trợ cấp. Mỗi năm sinh viên sẽ được nhận tiền tại địa phương 2 lần theo từng học kỳ.
Thủ tục nhận tiền miễn giảm gồm: Đơn đề nghị miễn giảm tiền học phí có xác nhận của trường, sổ hưởng trợ cấp và phiếu thu học phí của học kỳ tại thời điểm nhận tiền.
|
Thanh Hùng - Phan Thảo (sggp.org.vn – 04/01/2011)