Đừng để “tại chức” thành “thứ phẩm”!
Các cơ quan có trách nhiệm cần phải có những thay đổi mạnh mẽ ở mọi khâu để xã hội không xem người tốt nghiệp hệ đào tạo tại chức (nay gọi là hệ vừa làm vừa học) là “thứ phẩm” nữa.
Sinh viên (SV) phần lớn đến lớp để đối phó, thi cử không nghiêm túc, còn giảng viên luôn mang tâm lý dạy tại chức nên hết sức lơ là.
Hệ vừa làm vừa học (VLVH) dành cho những đối tượng vừa đi làm, vừa đi học nên có đặc thù đào tạo riêng. Thời gian học và thi thường vào buổi tối hoặc những ngày nghỉ cuối tuần. Đó cũng là lúc sau giờ làm việc, người học đã mệt nhoài.
Đến lớp cho có mặt
L.N.H - SV năm 3 ngành Kế toán, trường ĐH Kinh tế TP.HCM - tâm sự: “Có rất nhiều buổi học mình đến lớp nhưng chỉ để ngồi cho có chứ không hiểu gì cả vì quá mệt. 17 giờ 45 bắt đầu giờ học nhưng phải tới hơn 18 giờ mới ổn định lớp. Thay vì 21 giờ mới kết thúc nhưng mệt quá SV thường yêu cầu được nghỉ từ 20 giờ 30, thậm chí là 20 giờ”. Không chỉ vậy, do bận bịu nên SV nghỉ học rất nhiều. Lớp của H. hơn 200 người nhưng chỉ đủ sĩ số vào ngày đầu môn học, ngày chuẩn bị kết thúc môn học và những buổi thi. Còn bình thường chỉ 50 - 60 người đi học.
Về việc này, một cán bộ trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết: “Trường không thể nào điểm danh nổi vì số lượng SV quá đông. Tuy nhiên, ở từng môn học, giảng viên có cách quản lý qua bài kiểm tra đột xuất, kiểm tra giữa kỳ”.
Ngoài giờ học trên lớp, các SV này hầu như không có thời giờ đầu tư cho bài vở. N.H.H, học ngành Quản trị kinh doanh (QTKD) trường ĐH Mở TP.HCM cho hay, dù kết thúc năm 2 nhưng H. cũng như nhiều SV trong lớp chưa một lần đặt chân tới thư viện.
Trong khi đó, N.K.L - SV năm 3 ngành Tiếng Anh, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) than phiền: “Trước khi vào học, mình có khả năng nói và viết tiếng Anh tương đối khá, còn giờ hầu như không nghe, không nói được. Bởi có những giáo trình học được xuất bản từ năm 1986, giảng viên nhiều người lớn tuổi nên cách dạy không hấp dẫn người học”?!
Nhận xét về chương trình đào tạo của hệ VLVH so với hệ chính quy, PGS-TS Hoàng Đức - Trưởng phòng Quản lý đào tạo tại chức trường ĐH Kinh tế TP.HCM nói: “Hai hình thức học này cơ bản giống nhau. Trong đó, chương trình đào tạo, giáo án và giảng viên đều sử dụng chung. Chỉ khác ở chỗ hệ VLVH được miễn các môn giáo dục quốc phòng và thể dục thể thao”. Tuy nhiên, nếu làm một so sánh nhỏ về đào tạo ngoại ngữ giữa hai hệ này trong cùng một trường sẽ thấy có sự chênh lệch khá lớn. Trước năm 2010, chương trình học của hệ VLVH của trường ĐH Kinh tế TP.HCM không dạy ngoại ngữ mà chỉ yêu cầu SV khi tốt nghiệp nộp chứng chỉ A Anh văn. Từ năm 2010, trường yêu cầu SV phải thi đầu ra Anh văn tương đương trình độ A (ngoại trừ ngành Ngoại thương tương đương trình độ B). Trong khi đó, với hệ chính quy, để được xét công nhận tốt nghiệp, SV cần có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận điểm TOEIC đạt tối thiểu 550 điểm (Ngoại thương, Du lịch và Kinh doanh quốc tế) và 450 điểm (các ngành khác).
Giảng viên hời hợt
P.T - SV theo hệ VLVH trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho biết: “Lớp học có 119 người, đi học thường xuyên khoảng 40 - 50 người. Thi cử, nếu cho đề đóng thì chủ yếu là quay cóp, nên thầy cô cũng thường cho đề mở. Nói chung về thi cử không nghiêm ngặt cho lắm”.
Lớp học thường đủ mọi lứa tuổi và thành phần nên việc nắm bắt kiến thức rất khác nhau. Trong khi đó giảng viên cũng mang tâm lý dạy lớp tại chức, không nhiệt tình bằng dạy chính quy. N. - SV lớp tại chức ngành QTKD (ĐH Tây Nguyên), nói thẳng: “Mỗi khi thi hết môn, lớp vẫn thường có quà gửi biếu thầy cô, thậm chí với các giảng viên khó tính, còn phải gửi phong bì”.
L.V.T - SV theo học khoa QTKD, trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, cho hay: “Càng học càng thấy giảng viên đào tạo quá hời hợt. Số giảng viên đào tạo bài bản chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có hôm mình đến gần trường mới nhận được thông báo từ lớp trưởng là giảng viên cho nghỉ. Một số bạn không nhận được tin nhắn điện thoại của lớp trưởng, cứ vậy chờ đến giữa buổi mới biết nghỉ”! T. bức xúc chia sẻ thêm: “Thi cử cực kỳ đơn giản, bạn có thể mang tài liệu vô tư, nếu không mang tài liệu thì có thể chép bài của bạn ngồi gần, hoặc gọi về nhà, người nhà lên mạng “search” rồi đọc cho mà viết”!
Ng.M.H - SV khoa Thương mại - Du lịch ĐH Kinh tế Đà Nẵng - cũng thừa nhận: “Chất lượng giáo dục tại chức chưa tương xứng với những gì em kỳ vọng, so với mức học phí quá cao và thời gian em phải bỏ ra học tập, thì kiến thức thu lại quá ít ỏi. Lớp Thương mại - Du lịch của em năm đầu tiên đến 60-70 SV, do quá chán trước kiểu thích thì dạy, không thì nghỉ nên đến năm 4 chỉ còn hơn 30 SV”.
Liên kết đào tạo tràn lan
Theo kết quả kiểm tra của Bộ GD-ĐT năm học 2007-2008, có nhiều trường ĐH đã liên kết với rất nhiều địa phương để đào tạo hệ tại chức không đảm bảo chất lượng. Do liên kết tràn lan nên quá trình đào tạo không gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực. Việc thực hiện liên kết đào tạo mang tính lợi nhuận là chính. Vì vậy mới có tình trạng như trường CĐSP Hải Dương mở liên kết đào tạo ở các địa phương như Hà Nam, Hà Nội, Thái Nguyên, Thanh Hóa; còn CĐSP Hà Nam thì đi mở các lớp liên kết đào tạo tại Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An. Tương tự, CĐSP Thái Nguyên đi mở các lớp liên kết đào tạo tại Thanh Hóa, Hà Nội, Quảng Ninh. Còn CĐSP Quảng Ngãi thì mở liên kết đào tạo tại Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng… Việc liên kết cứ loanh quanh dẫn đến chất lượng đào tạo thấp.
Tại Cần Thơ, trường Trung học Giao thông vận tải miền Nam thời gian qua đã liên kết với nhiều trường ĐH để đào tạo không chính quy nhiều ngành bậc ĐH. Tuy là trường trung cấp nhưng lại có đơn vị trực thuộc “Trung tâm ĐH tại chức”. Ngày 27.2.2009, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ Nguyễn Quý Đôn trong báo cáo gửi Bộ GD-ĐT cùng cơ quan chức năng tại TP Cần Thơ đã nhấn mạnh rằng: “Đối với hoạt động liên kết đào tạo, một số cơ sở giáo dục thiếu các loại hồ sơ. Cụ thể, trường Trung học Giao thông vận tải miền Nam thiếu văn bản chấp thuận của cấp trên về việc mở 2 lớp cao học”. Trao đổi với PV Thanh Niên vào thời điểm đó, Phó chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Cần Thơ Trần Ngọc Sáu cho biết: “Một trường trung cấp mà liên kết đào tạo cả cao học thì quả là hết ý kiến. Trường trung cấp sao lại có đơn vị bên dưới là Trung tâm ĐH tại chức”?
Tính đến tháng 4.2008, trường ĐH Bình Dương đã liên kết với 20 đơn vị (từ Hưng Yên đến Bạc Liêu) để đào tạo ĐH từ xa ngành QTKD. Ngày 25.5.2008, quân nhân Nguyễn Công Thành và những SV khóa 1, 2, 3 tại Cần Thơ, Sóc Trăng đã có đơn gửi Thanh tra Bộ GD-ĐT phản ánh Trung tâm đào tạo từ xa của trường về nhiều vấn đề như thi 4 môn trong 1 ngày, thu học phí bằng biên lai bán lẻ không có con dấu của trường…
Nhóm PV Giáo Dục
Thanhnien.com.vn
10/12/2010