Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Ai muốn học cái gì, trường bán cái đó

Không chỉ riêng lẻ một vài trường, năm 2010 không ít trường đã buộc phải đóng cửa nhiều ngành đào tạo bởi không có thí sinh. Những ngành mở được lại mất cân đối nghiêm trọng về số lượng sinh viên.

Có trường gần 2.100 sinh viên tốt nghiệp nhưng có đến hơn 1.200 sinh viên ngành quản trị kinh doanh, kế toán - tài chính ngân hàng. Ở một trường khác, trong tổng số hơn 500 sinh viên tốt nghiệp năm nay có đến hơn 50% theo học ngành quản trị kinh doanh. Những con số này không chỉ cho thấy sự mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu ngành nghề đào tạo của trường mà còn phản ánh sự thiếu - thừa lao động cung cấp cho xã hội xét trong phạm vi một cơ sở đào tạo.

 

Không thể phân chỉ tiêu theo ngành ngay từ đầu vào, Trường ĐH Hùng Vương đã tổ chức định hướng nghề nghiệp cho thí sinh vừa trúng tuyển. Do mất cân đối quá lớn giữa các ngành nên trường đã định hướng để sinh viên ngành tài chính ngân hàng chuyển qua các ngành khác nhưng không một sinh viên nào chịu chuyển.

 

TS Vũ Thị Phương Anh - Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQG TP.HCM) - cho rằng sự mất cân đối ngành nghề hiện nay có nhiều nguyên nhân sâu xa. Không chỉ các trường tư thục, các trường công cũng phải hoạt động dựa vào học phí, kinh phí cấp theo đầu sinh viên. Do đó, ngành nào thu hút người học thì họ cứ mở để lấy kinh phí hoạt động. Ai muốn học cái gì, trường bán cái đó. Bên cạnh đó, không ai định hướng cho học sinh cần học cái gì dẫn đến việc học theo số đông.

 

TS Phương Anh nhấn mạnh: ở đây vai trò của Nhà nước là chủ yếu. Việc cấp kinh phí đổ đồng, không ưu tiên ngành nào, chú trọng lĩnh vực nào khiến những ngành xã hội cần nhưng khó tuyển vẫn mãi không tuyển được sinh viên. Đúng ra Nhà nước cần định hướng lâu dài. Ngành nào dự kiến xã hội có nhu cầu và thiết yếu cho sự phát triển phải được đầu tư như miễn giảm học phí, cấp học bổng để thu hút người học.

 

Ở các trường ĐH nước ngoài không có tình trạng như ở VN. Họ sẽ thu tiền những ngành “hot” khá cao để nuôi những ngành dự báo sẽ có nhu cầu trong tương lai nhưng hiện tại chưa thu hút người học. Việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm dường như là sự tăng tự nhiên, không dựa trên một cơ sở thực tế nào.

 

Trường nào, ngành nào cũng tăng như nhau và kinh phí được cấp cào bằng như nhau mà chưa có một khảo sát thực tế ngành nào đang, sẽ bão hòa, ngành nào sẽ có nhu cầu lớn, ngành nào ưu tiên cấp kinh phí cao hơn... để có sự tăng giảm đảm bảo hợp lý, đảm bảo cơ cấu ngành nghề và lao động cung ứng cho xã hội. 

MINH GIẢNG (tuoitre.vn – 26/12/2010)

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang