Đang siết nhẹ đào tạo tại chức
Trao đổi với báo giới ngày 25/12, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, sự kiện Đà Nẵng "nói không” với bằng tại chức làm tăng thêm quyết tâm cho việc giảm chỉ tiêu hệ đào tạo này.
Hiện tại, Bộ đang chỉ đạo các vụ nghiên cứu xem xét việc các trường ở Hà Nội vào TP.HCM để đào tạo tại chức và ngược lại. Chuyện các trường miền núi mang chỉ tiêu tại chức về Hà Nội đào tạo cũng sẽ được "để mắt".
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ mùa tuyển sinh 2007, các cơ sở giáo dục ĐH và TCCN được xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Với những tiêu chí cụ thể (số sinh viên/ giảng viên, năng lực thiết bị, diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học trên 1 sinh viên...) ngoài việc xác định chỉ tiêu tuyển mới hệ chính quy, hầu hết các trường đều "xin" phình các hệ đào tạo tại chức, bằng 2, liên thông.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, nhiều trường ĐH "năng lực" năm sau so với năm trước không có biến động, nhưng việc đề nghị tăng chỉ tiêu quá lớn. Đây là lý do, năm 2010 sau khi nhiều trường đề nghị tuyển mới sinh viên học tại chức, bằng 2, liên thông cao ngất đã bị Bộ "thắt" lại.
Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đề nghị tuyển mới hệ tại chức, bằng 2 và liên thông năm 2010 là 14.500 chỉ tiêu nhưng chiếu theo "năng lực" Bộ chỉ duyệt 3.200. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đề nghị tuyển mới 10.500 nhưng chỉ tiêu tuyển mới được duyệt là 3.500. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đề nghị 10.000, được duyệt 3.300.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đề nghị 9.000 nhưng chỉ được duyệt 2.000; ĐH dân lập Lạc Hồng được Bộ duyệt 2.000 chỉ tiêu trong khi trường đề nghị tuyển mới hệ tại chức, bằng 2 và liên thông là 6.700; ĐH Công đoàn đề nghị tuyển 4.200, được tuyển 1.450 chỉ tiêu.
Hai trường có chỉ tiêu tuyển mới hệ tại chức, bằng 2 và liên thông nhiều là ĐH Công nghiệp Hà Nội 7.100, ĐH Công nghiệp TP.HCM là 7.300.
Theo thống kê của Bộ thì hầu hết các trường ĐH đề nghị tuyển mới hệ tại chức, bằng 2 và liên thông đều được duyệt, trường ít chỉ tiêu thì vài trăm, trường nhiều là vài ngàn. Trong khi đó, số học sinh vừa tốt nghiệp THPT mấy năm gần đây đi học tại chức, liên thông ngày một tăng - một cán bộ của Bộ cho hay.
Vậy, tính sơ sơ mỗi năm, số tốt nghiệp từ hệ tại chức cũng khoảng vài trăm ngàn. Với chương trình đào tạo không khác chính quy, giảng viên từ chính quy sang đào tạo nhưng sản phẩm "ra lò" từ học tại chức, liên thông lại không được nhà tuyển dụng "để mắt".
Kiều Oanh (vietnamnet.vn – 26/12/2010)