Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Kiểm định chất lượng giáo dục: Gánh nặng của các nhà trường

Là một nội dung mới trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam, kiểm định chất lượng đang là vấn đề "nóng" của các trường khi Bộ GD-ĐT gắn việc đạt chuẩn với nhiều quyền lợi trong đào tạo, tuyển sinh. Tuy nhiên, với nhiều trường, công tác kiểm định vẫn còn là một gánh nặng thay vì trở thành một phần sống còn của hoạt động nhà trường.

Hoàn thành nhưng chưa công bố

 

Theo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD), đến tháng 11-2010, có 100 trường ĐH đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá chất lượng, trong đó có 40 trường đã thực hiện đánh giá ngoài. Tuy nhiên, đến nay danh sách 40 trường nói trên vẫn chưa được công bố rộng rãi. Điều này đã gây thắc mắc cho nhiều trường. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ yêu cầu bộ nêu rõ lý do và cho biết, Trường ĐH Cần Thơ là một trong 10 trường đầu tiên của cả nước nộp báo cáo về đánh giá chất lượng nhưng hiện bộ vẫn chưa công bố thông tin gì. Đại diện Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Thái Bình đề nghị bộ công khai kết quả kiểm định chất lượng của các trường để xã hội biết, để thí sinh lấy làm cơ sở quyết định lựa chọn trường học tập.

 

Nhiều đại diện từ các trường khác cũng bày tỏ băn khoăn: Khi cơ chế, chính sách của cấp quản lý chưa rõ ràng, các trường vẫn phải thực hiện đủ các yêu cầu, mục tiêu để tiến hành đánh giá. Thế nhưng, sau khi đã hoàn thành đánh giá, việc bộ giữ kín thông tin như vậy chẳng khác gì đánh đồng các trường đã được đánh giá và các trường chưa được đánh giá.

 

Mắc ở số liệu SV sau tốt nghiệp

 

Về phía Bộ GD-ĐT, lãnh đạo Cục KTKĐCLGD cho biết, hiện mới chỉ có hơn 100 trường gửi về bộ bản tự đánh giá cho điểm thi đua. Trong số đó, có 11 trường có kết quả chấm bằng bộ chấm; 27 trường kết quả chấm thấp hơn bộ chấm, trường chênh cao nhất tới 3,5 điểm; 69 trường có kết quả chấm cao hơn bộ chấm, trường chênh cao nhất tới 5,5 điểm. Lãnh đạo cục giải thích, nguyên nhân của sự chênh lệch này là do các trường này chưa hiểu rõ nội hàm từng tiêu chuẩn, tiêu chí hoặc tự đánh giá chưa chính xác, cho điểm tối đa đối với cả những việc trường chưa làm hoặc làm chưa tốt, ví dụ có trường website không hoạt động vẫn tự chấm điểm tối đa…

 

Bên cạnh đó, theo ông Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục KTKĐCLGD, các trường đã bỏ qua khá nhiều nội dung khi đánh giá. Nội dung rõ nhất là các trường CĐ, ĐH đều được yêu cầu công bố công khai số liệu SV sau tốt nghiệp có việc làm nhưng đến nay rất ít trường làm được vì thiếu đội ngũ, hệ thống theo dõi. Trong khi đó, các số liệu này là căn cứ để xác định chất lượng đào tạo của các ngành, các khoa.

 

Quá trình kiểm định bộc lộ một thực tế đáng chú ý khác, đó là các tiêu chí về cơ sở vật chất, ký túc xá của trường, đặc biệt là các trường CĐ còn thiếu rất nhiều.

 

Chi thế này, làm sao lọt top 200?

 

Hiện nay, theo ông Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục KTKĐCLGD, khó khăn lớn nhất của công tác kiểm định là chưa có văn bản quy định về mức chi cho công tác này. Phó Hiệu trưởng Đỗ Văn Xê của Trường ĐH Cần Thơ cho rằng, hiện các trường vẫn chi theo kiểu lấy túi này nhét túi kia và thắc mắc: Kinh phí cho việc kiểm định các trường ĐH -TCCN gần 99 tỷ đồng nhưng bộ lại dành cho hoạt động đánh giá ngoài tới hơn 84 tỷ, vậy thì các trường lấy đâu ra tiền khi tự đánh giá. Bà Nguyễn Phương Nga, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) thì khẳng định: Nếu các trường không có ngân sách cho kiểm định chất lượng, mà coi chi phí đó là một phần của chi thường xuyên thì Việt Nam sẽ không thể có trường lọt vào top 200 của thế giới vào năm 2020 như mục tiêu ngành giáo dục đã đề ra.

 

Cũng theo ông Phạm Xuân Thanh, cơ chế, chính sách khuyến khích các hoạt động bảo đảm chất lượng còn nghèo nàn. Bộ GD-ĐT mới chủ trương khuyến khích hoạt động đăng ký chất lượng bằng cách tính điểm thi đua và xem xét tăng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm. Nhưng đối với nhiều trường, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa hoặc trường dân lập, tư thục, biện pháp này chưa hấp dẫn do trường còn chưa tuyển sinh hết số chỉ tiêu được phân bổ. Bộ cũng cho biết thêm, hiện chỉ mới có khối các trường ĐH được triển khai đánh giá ngoài bởi khối các trường ĐH còn đang chờ thành lập tổ chức KĐCLGD, đồng thời Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính đang phối hợp để đưa ra hướng dẫn về mức chi và nguồn kinh phí cho hoạt động kiểm định trong các trường.


Quỳnh Phạm 

Nguồn: hanoimoi.com.vn

09/12/2010

 

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]