Bản tin » Hướng nghiệp - Chọn nghề

Thi trượt không phải là thảm họa

TS tâm lý học Đinh Phương Duy (chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM) là một trong những người gắn bó với công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Ông đã tư vấn cho không ít các thí sinh về những vấn đề tâm lý trước, trong và sau kỳ thi tuyển sinh ĐH.

 

Trước vấn đề "Vì sao áp lực vào ĐH ngày càng gia tăng", TS Đinh Phương Duy chia sẻ:

 

- Việc các bậc cha mẹ mong muốn con mình thi đậu ĐH đúng là chuyện quá cũ nhưng vẫn sẽ cứ... mới khi mùa thi trở lại.

 

Điều này sẽ có ý nghĩa tích cực khi ước mong của gia đình trở thành một mục tiêu lâu dài để có kế hoạch đạt tới bằng nhiều phương pháp khác nhau, nhằm tạo điều kiện để phát huy tiềm năng của con em mình. Tuy nhiên nếu mong muốn ấy trở thành một "lời nguyền" thì sẽ làm các bạn trẻ gánh chịu nhiều áp lực, do vậy sẽ ảnh hưởng không ít đến việc học, thậm chí có thể tạo nên những giá trị ảo trong nhận thức của các bạn.

 

* Tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ đã tồn tại quá lâu và dai dẳng, hầu như ai cũng muốn con cái mình tốt nghiệp ĐH, có một chỗ trong biên chế và sau này về hưu thì có lương hưu phần nào đã triệt tiêu đi ý nghĩ tự học, học thêm để nâng cao năng lực… vì cứ có bằng ĐH là thỏa mãn rồi? Làm sao để triệt tiêu được tâm lý đó?

 

- Tâm lý thích làm thầy có mặt tích cực của nó vì muốn làm thầy phải học giỏi, nhưng vấn đề ở đây là người ta muốn làm thầy vì nghĩ người lao động không có bằng ĐH sẽ bị người khác… sai khiến và do đó không được danh giá lắm. Trong thực tế rất nhiều người đi làm với một nghề nghiệp vững chãi đã rất thành đạt và từ xuất phát điểm chưa có bằng ĐH, họ đã tốt nghiệp ĐH một cách đàng hoàng và tấm bằng ấy rất chắc chắn và hữu dụng cho chính họ, cho cả cơ sở nơi họ công tác. Quan trọng hơn, họ tìm được hạnh phúc từ sự chắc chắn ấy.

 

Một khi xã hội trân trọng người tài, xem xét, đánh giá và sử dụng nguồn nhân lực trên cơ sở tài năng thật sự sẽ triệt tiêu được tâm lý có bằng ĐH là thỏa mãn rồi.

 

* Trong xã hội hiện nay có rất nhiều ngành đang thiếu công nhân lao động trình độ cao. Những ngành nghề này có thể nói học xong là có việc làm, thế nhưng tại sao vẫn không thu hút được người học? Phải chăng bằng cấp là sự đánh giá địa vị xã hội của một người và gia đình nên mọi người đều chọn con đường ĐH?

 

- Có rất nhiều loại hình lao động chưa cần đến bằng ĐH tức thời mà vẫn rộng đường… thu nhập ổn định, có khi thu nhập còn khá hơn nhiều so với nhiều người đã tốt nghiệp đại học.

 

Tuy nhiên nhiều người vẫn mơ bằng ĐH một phần vì họ thiếu thông tin cụ thể và cũng có cả ảnh hưởng của yếu tố xã hội khi hiện nay, bằng cấp vẫn là tiêu chí cụ thể, rõ ràng (thậm chí an toàn nhất) để đánh giá năng lực, địa vị của con người. Do đó bằng ĐH vẫn là một "ma lực" hấp dẫn mọi người (nhiều học sinh cứ nhắm mắt ghi tên vào bất kỳ trường ĐH nào mà không cần biết rồi sẽ học ra sao, ra trường sẽ làm gì, miễn "ta đã là sinh viên trên giảng đường ĐH").

 

Đời thay đổi khi chúng ta chịu thay đổi

Thi trượt không phải là thảm họa, cũng không phải do mình… dốt. Việc thi trượt nếu được phân tích theo nghĩa tích cực sẽ là một kinh nghiệm vào đời rất bổ ích để chúng ta nhận lại chân giá trị của mình, để tìm cách "bày keo khác" trên cơ sở "thua keo này". Thi trượt có thể làm mình buồn nhưng đó lại là một thử thách bản lĩnh, ý chí của mỗi người chúng ta.

 

Chúng ta sẽ bị tổn thương hơn nữa nếu nhận thức quá nặng nề, quá cay đắng về chuyện không được vào ĐH để rồi mặc cảm và mất hết tự tin cho việc tìm kiếm nghề nghiệp hoặc một lần… thi lại. Hãy cố gắng học để làm nghề nào đó, có khi bạn sẽ thấy thích và lại thành đạt trong tương lai. Đời thay đổi khi chúng ta chịu thay đổi!

 

Nguồn: Báo Tuổi trẻ

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang