Bản tin » Hướng nghiệp - Chọn nghề

Không nên ảo tưởng khi chọn ngành, nghề

Học sinh nên dựa vào sức học của bản thân để lựa chọn ngành, nghề chứ không nên ảo tưởng lao theo những cái "mác" đại học lớn.

 

Ông Đinh Thành Tâm - Hiệu phó trường THPT Tạ Quang Bửu (quận 8, TP Hồ Chí Minh) bộc bạch: "Nhiều học sinh trường tôi là con em dân nhập cư, hoàn cảnh gia đình khó khăn, điều kiện học hành không bằng những trường trung tâm thành phố. Chúng tôi muốn "kéo" các em về thực tế, để các em nhận ra khả năng thực sự của mình mà chọn lựa nghề nghiệp phù hợp".

 

Theo ông Tâm, việc chọn trường, hướng nghiệp của các học sinh vùng ven khá mông lung. Nhiều bạn còn ảo tưởng, bị "hớp hồn" bởi "mác đại học" trong khi khả năng của mình hạn chế. Ban giám hiệu muốn hướng các bạn trẻ này đến những trường cao đẳng, dạy nghề uy tín, đảm bảo đầu ra cho học sinh.

 

"Nếu không định hướng tương lai cho các em, cố tạo ra thành tích ảo thì không chỉ học sinh mà những người làm giáo dục cũng phải trả giá" -  ông Tâm nói.

 

Nhiều năm trực tiếp phỏng vấn sinh viên mới ra trường, anh Nguyễn Văn Sang - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Niên TP Hồ Chí Minh nhận xét: "Khi chọn trường, nhiều bạn không tìm hiểu kỹ càng. Đến khi vào đại học, các bạn học mông lung quá, không tập trung vào ngành nghề đang theo đuổi. Thế nhưng, khi tuyển dụng, doanh nghiệp rất hay xoáy vào những vấn đề cụ thể. Thế là hai bên không "gặp" nhau".

 

Theo anh Sang, thị trường đang "khát" lao động trong một số ngành nghề (như dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn...), đồng thời có những nghề đang bị "ế" nhưng sinh viên cứ nộp đơn xin việc dài dài...

 

Trường THPT An Lạc (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) gần đây cũng đã tổ chức buổi hướng nghiệp cho học sinh. Trong những phiếu gửi lên chuyên gia tư vấn, một số bạn khẳng định vào đại học mới là con đường kiếm tiền hay nhất.

 

Có bạn thắc mắc: "Em muốn thi hai khối trong cùng một trường được không?". Chuyên viên tư vấn hỏi lại: "Những ngành nghề nào em quan tâm trong hai khối đó?", thì câu trả lời là "chưa biết".

 

Mặt khác, có những bạn lại "trăn trở" về ngành nghề nào phải... "lo lót" và "thân thế" nhiều hơn khi ra trường kiếm việc.

 

Cân nhắc kỹ trước khi đặt bút

Một giáo viên tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh trăn trở: Mùa thi đã cận kề nhưng không ít trường trên địa bàn thành phố tỏ ra khá thờ ơ với việc hướng nghiệp cho học sinh. Nói đúng hơn, áp lực chương trình nặng nề khiến họ không còn thời gian để quan tâm đến "chuyện của học sinh".

 

Giáo viên này cho biết, tại trường của cô, nhiều khi ban giám hiệu phải cân nhắc giữa việc dành một buổi cho việc họp phụ huynh hay cho công tác hướng nghiệp? Cuối cùng, nhà trường đã "ưu tiên" họp phụ huynh vì có mục đích rõ ràng, yêu cầu cụ thể hơn và cấp thiết hơn...

 

Hoàng Thư, học sinh lớp 12 của một trường ở quận 3, TP Hồ Chí Minh bày tỏ: "Lẽ ra, học sinh cuối cấp như bọn mình nên có ít nhất hai buổi hướng nghiệp - một buổi đầu năm và một buổi cuối năm. Nhiều trường vội vội vàng vàng làm hướng nghiệp cuối năm mà quên mất học sinh cũng rất cần sự định hướng, phương pháp học ngay từ đầu".

 

Như Lịch (Thanh niên)

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang