Bản tin » Hướng nghiệp - Chọn nghề

Hướng nghiệp trước, hướng trường sau

Hiện nhiều thành phần xã hội đang tích cực tổ chức và hỗ trợ cho hoạt động tư vấn mùa thi, nhằm góp phần hướng nghiệp cho thí sinh, giúp bản thân các em, phụ huynh, nhà trường và xã hội tránh bị thiệt hại bởi những sự chọn lựa, định hướng sai lầm.

 

Trong một lần phỏng vấn nhanh, 50% sinh viên năm thứ 3 của một lớp đại học (ĐH) đã tỏ ra chưa hiểu gì, thậm chí không mặn mà gì về ngành mình đang học và “muốn chuyển ngành học khác phù hợp hơn”…

 

Tôi thấy buồn khi nghĩ đến cha mẹ các em đang ngày đêm lo toan cho con ăn học với biết bao chi phí buồn vì sự lãng phí của nhà trường và xã hội cho công tác tuyển sinh và đào tạo.

 

Vài năm trước, một cuộc khảo sát cho biết có khoảng 60% sinh viên tốt nghiệp ĐH được đào tạo lại hoặc bổ sung kiến thức! Tại sao lại có nghịch lý này? Do các em lựa chọn nghề nghiệp không đúng với khả năng của mình hoặc chọn nhầm ngành không đúng với nhu cầu xã hội? Có địa phương có được vài người đi học ĐH, tưởng những ông cử “quý hiếm” này sẽ về làng giúp ích cho quê hương, nhưng khi học xong phần lớn đã ở lại thành phố sinh sống với những công việc không “ăn nhằm” gì với 4 - 5 năm ĐH. Ở góc độ xã hội, đây là một thiệt hại lớn!

 

Hướng nghiệp là vấn đề lớn và đi trước một bước khi chọn ngành nghề. Là người làm trong ngành giáo dục và đào tạo, tôi nghĩ rằng hướng nghiệp và tuyển sinh, tuy hai mà là một.

 

Thi vào ngành nghề nào, trường nào, ở đâu thì có nhiều tiêu thức lựa chọn. Nhưng điều quan trọng và cốt lõi phải là sở thích - sở trường - năng khiếu của thí sinh, tiếp theo là cần cân nhắc nhu cầu việc làm của ngành mình chọn.

 

Điều này quan trọng và có ý nghĩa lâu dài hơn là việc tìm trường nào, ngành nào dễ… đậu. Vì dù có đậu, các em cũng không tâm huyết với ngành nghề đó và sẽ khó phát huy hết năng lực, sở trường để đóng góp cho gia đình và xã hội.

 

Một vấn đề đáng quan tâm là hiện còn tình trạng nhiều thí sinh còn thiếu thông tin. Có những ngành có nhu cầu tuyển sinh rất cao nhưng số thí sinh thi vào lại quá thấp. Ví dụ, ngành chế biến lâm sản đang thiếu trầm trọng đội ngũ khoa học kỹ thuật.

 

Có công ty tìm không ra kỹ sư chế biến lâm sản, dù mức lương rất cao. Họ đặt các trường đại học đào tạo theo địa chỉ chỉ vài chục kỹ sư với chi phí cao hơn các lớp bình thường rất nhiều, mà nhiều thí sinh không được biết...

 

Thạc sĩ Trần Đình Lý (ĐH Nông Lâm TPHCM)

 

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]