"Cần thay đổi nhận thức về học nghề"
“Tài sản lớn nhất, quý nhất của nước ta là nguồn lao động trẻ, dồi dào nhưng chúng ta chưa khai thác được”. Đó là tâm sự của Nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, bà Nguyễn Thị Hằng. Hiện nay, bà là Trưởng ban vận động thành lập Hội Dạy nghề Việt Nam.
Thưa bà, VN được coi là quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào, trẻ, cần cù… nhưng tại sao doanh nghiệp nào cũng kêu thiếu lao động (LĐ)?
- Ở đây có nhiều nguyên nhân. Các cơ sở đào tạo của nước ta chưa chú ý công tác dự báo nhu cầu của thị trường và vì thế việc chuẩn bị nguồn nhân lực có nghề cho các nhà tuyển dụng, cho các khu công nghiệp chưa tốt.
Bên cạnh đó, hệ thống các cơ sở dạy nghề của chúng ta chỉ mới phát triển trong những năm gần đây và chất lượng đào tạo còn thấp. Ngay đối với LĐ phổ thông, LĐ giản đơn, các doanh nghiệp cũng không tuyển được.
Theo tôi, trong đó có nguyên nhân là vùng có đông LĐ lại không nối được vùng có nhu cầu. Những điều kiện xã hội để NLĐ đến sống ổn định lâu dài lại chưa được chuẩn bị. Hơn nữa, mức lương của NLĐ vẫn còn thấp. Cho nên, cái cần giải quyết ở đây là nghề nghiệp, chế độ, bảo hiểm, điều kiện ăn ở và tâm lý xã hội.
Tôi cho rằng, đầu tư tốt cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực sẽ là nhân tố quyết định để đất nước mình cất cánh.
Nhưng tâm lý “trọng thầy, khinh thợ” rõ ràng đã ăn sâu vào trí óc của nhiều người. Và để thay đổi tâm lý này không phải là điều đơn giản?
- Cuộc sống và khách quan sẽ bắt chúng ta phải thay đổi. Khoa học - kỹ thuật trên thế giới đang phát triển như vũ bão và đó chính là yếu tố quyết định đến sự lựa chọn nghề nghiệp của mỗi người. Vì có nghề thì sống, không có nghề thì chết.
Thanh niên phải biết nghề. Hiện nay chúng ta đang “bắt” thế hệ trẻ đi một con đường, đó là vào đại học. Xã hội ca ngợi những gia đình có 2,3 con đi học đại học, điều này là đúng nhưng chẳng ai ca ngợi những gia đình có 2,3 con đi làm công nhân. Theo tôi, cần phải thay đổi nhận thức về học nghề, dạy nghề, làm sao để mọi người hiểu được giá trị chân chính của việc học nghề. Tôi cho rằng: “Học nghề để lập nghiệp là yêu nước”.
Tôi đồng ý đại học là một mục đích, nhưng không nhất thiết phải vào đại học năm 18, 20 tuổi… mà có thể đạt được mục đích đó khi chúng ta có điều kiện.
Mục tiêu của việc thành lập Hội dạy nghề VN là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước, trong đó góp phần đạt mục tiêu 50% lao động nước ta qua đào tạo vào năm 2010. Thế nhưng với cách đào tạo thiên về lý thuyết trong thời gian qua, thì chúng ta sẽ lấy giáo viên dạy nghề thực hành từ những nguồn nào?
- Nguồn giáo viên hiện nay đúng là thiếu khi chúng ta phát triển hệ thống dạy nghề. Theo tôi, nên khắc phục bằng cách tăng số lượng các trường đào tạo sư phạm kỹ thuật, và 1 số trường cao đẳng nghề nên mở khoa sư phạm để đào tạo giáo viên.
Ngoài ra, phải có chính sách thu hút những người được đào tạo nghề chính quy đã có thời gian làm nghề để họ làm giáo viên hướng dẫn thực hành. Và vấn đề quan trọng nhất là đào tạo thực hành phải gắn với doanh nghiệp.
Toàn cầu hoá đã trở thành hiện thực và sự dịch chuyển LĐ giữa các quốc gia đang diễn ra rất sôi động. Theo bà làm sao để LĐ nước ta có thể cạnh tranh và hội nhập được vào thị trường LĐ quốc tế?
- Công nghệ, kỹ thuật không có hàng rào, ai có khả năng cũng có thể tiếp cận được. Cho nên, chúng ta phải có bộ phận tiếp cận, tìm hiểu những thông tin mới từ bên ngoài, từ đó định hướng cho việc đào tạo.
Với một số nghề, một số chương trình, chúng ta có thể tiếp cận thẳng với những trường đào tạo có chất lượng cao để liên kết, học hỏi.
Bà dự đoán những nghề nào sẽ có nhu cầu lớn trong thời gian tới?
- Thứ nhất, các lĩnh vực công nghiệp chế tạo hoá chất, điện, điện tử, thông tin… đang có xu hướng phát triển. Thứ hai, Việt Nam có nền nông nghiệp đa dạng, khả năng phát triển còn lớn, đặc biệt là khả năng xuất khẩu hàng hoá, nên những nghề liên quan đến lĩnh vực đó cũng có thể phát triển. Và thứ 3 là các nghề trong lĩnh vực dịch vụ.
Hiện nay, chúng ta đào tạo mà chưa có điều tra kỹ lưỡng, cũng như công tác dự báo nhu cầu của thị trường chưa được chú trọng.
Chúng tôi được biết, ở tuổi 22, bà vẫn chưa hề học qua trường đại học, cao đẳng nào mà chọn con đường vào bộ đội. Vậy bà có lời khuyên gì với các bạn trẻ hiện nay?
- Tôi nghĩ, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay rất rộng mở và đang đà hội nhập. Người Việt Nam mình đã đi học và đi làm việc ở mấy chục quốc gia trên thế giới, cho nên các cháu có thể đạt được trình độ trí tuệ cao nhất nhưng không phải là ngay một lúc. Có thể là ban đầu vì điều kiện khách quan, trình độ… những cháu không vào được đại học thì phải có một nghề để từ đấy mà phát triển, vươn lên.
Bản thân tôi và bạn bè đã bắt đầu sự nghiệp của mình không phải bằng con đường vào đại học. Tôi vào quân đội năm 22 tuổi, sau đó tham gia các lớp đào tạo nghề trong quân đội. Tôi cho rằng, học nghề là một con đường để các bạn có thể lập thân.
Xin cám ơn bà
Quỳnh Anh thực hiện (VietnamNetjobs)