Bản tin » Hướng nghiệp - Chọn nghề

“Hãy tự cứu mình!”

Người phương Tây duy lý, người phương Đông duy tình. Người phương Tây thực tế, người phương Đông trọng danh... Những đặc thù ăn sâu trở thành bản chất, thành thuộc tính riêng biệt của hai nền văn hóa, đã chi phối đến nhận thức của con người, từ đó tác động đến hành động của họ.

 

Trong khi đại học đang là con đường tối ưu để mở cánh cửa cuộc đời cho những người trẻ (ở các nước áp dụng thi tuyển đại học, trong đó có Việt Nam), việc thế hệ trẻ lựa chọn nó là một tất yếu. Lật ngược vấn đề, nếu như xã hội có sự định hướng tốt để thay đổi tư duy ấy, chúng ta sẽ không phải lấn bấn mãi trong việc tìm ra các giải pháp để hạn chế tiêu cực thi cử, không phải tranh cãi về việc cải tổ nền giáo dục, không phải khó khăn trong việc sắp xếp lại nguồn nhân lực và bố trí việc làm… như suốt cả một thời gian dài qua. Cần có một cuộc cách mạng trong nhận thức, để khắc phục và cải thiện vấn đề đó từ tận gốc…

 

Trong lúc các cơ quan hữu quan còn chưa đưa ra được quyết định: thời gian nào sẽ cải cách nền giáo dục nói chung thời gian nào các trường đại học Việt Nam thực sự đào tạo được những nhân lực có kiến thức, có trình độ chuyên môn, có kỹ năng nghề nghiệp… và sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu của công việc, giá trị của tấm bằng đại học trong nước được thừa nhận ở bên ngoài lãnh thổ…, thì mỗi cá nhân, trước tiên là các thí sinh, những người đã đủ khả năng nhận thức và chịu trách nhiệm được về hành vi, về sự lựa chọn con đường vào đời của mình, cần phải thay đổi nhận thức. Quan trọng nhất, họ phải biết khả năng của mình đến đâu để chọn ngành, chọn nghề phù hợp. Họ cần có kế hoạch cuộc đời của mình! Họ cần phải tự mình cứu mình!

 

Hãy cho tôi điểm tựa!

Greig Craff là một người Mỹ đến Việt Nam từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX. Ông là người sáng lập ra Quỹ phòng chống thương vong Châu Á và là người trực tiếp điều hành chương trình này ở Việt Nam. Ông cũng là cha đẻ của chiếc mũ bảo hiểm Protect – một vật dụng góp phần quan trọng bảo đảm an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông. Khi Craff đến Việt Nam, chúng ta đang ở những năm đầu của công cuộc đổi mới nền kinh tế (1986). Tính đến năm 2007, Greig Craff đã định cư tại Việt Nam gần 20 năm. Như thế, Craff đồng thời cũng là người chứng kiến sự đổi thay từng ngày của đất nước Việt Nam.

 

Craff tâm sự: trong 20 năm qua, thế hệ trẻ Việt Nam đã có sự thay đổi lớn trong tư duy nhận thức, trong cách nghĩ cách làm. Thời kỳ những năm thập niên 90, đa số thanh niên Việt Nam chọn các nước Đông Âu, Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa… để tu nghiệp, học tập mô hình phát triển kinh tế về áp dụng ở đất nước mình. Thế hệ ấy, hiệu quả mang lại không nhiều. Đó là nguyên nhân mang tính chất chính trị và là xu thế của thời kỳ trước. Từ năm 1995 trở đi, “dòng chảy” này đã đổi hướng. Họ đã sang học tập, áp dụng các kỹ năng, kinh nghiệm, mô hình của các nước phương Tây. Sự thay đổi trong tư duy ấy được thể hiện ở hiệu quả trong công việc. Craff nhận xét: sự vận động trong thay đổi tư duy của thế hệ trẻ ngày nay đã khác với thế hệ trước họ. Họ tự tin, bản lĩnh, và làm được việc. Đó là một tín hiệu tốt của sự phát triển nguyên khí quốc gia.

 

Đó là nhận xét khách quan của một người nước ngoài về thế hệ trẻ Việt Nam. Thực tế, thế hệ trẻ Việt Nam thế kỷ XXI có sự chuyển biến lớn theo hướng tích cực.

 

Vậy, lý do nào họ không dám chọn một con đường đi cho riêng mình?

Bên cạnh hệ thống các trường đại học, cao đẳng, chúng ta có một hệ thống không nhỏ các trường trung cấp, trung học dạy nghề… trên khắp cả nước, phân bố rộng khắp ở các tỉnh, trung tâm dân cư. Đó là chiếc nôi đào tạo những người thợ lành nghề - những người trực tiếp tham gia lao động sản xuất, làm những công việc chân tay. Quan trọng nhất, đó là những mắt xích không thể thiếu để một guồng máy được vận hành. Tuy nhiên, những cơ sở đào tạo nghề đó chưa thực sự hấp dẫn thế hệ trẻ!

 

Dễ dàng chỉ ra được nguyên nhân của nó: chất lượng đào tạo của các trung tâm dạy nghề, phần lớn chưa đạt được chất lượng như mong muốn. Song, nguyên nhân chính, đó là tư duy “sính đại học” đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam. Họ nghĩ rằng, chiếc ghế trên giảng đường “oai” hơn chiếc ghế của một học viên trường nghề. Tấm bằng đại học sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm những công việc tốt hơn, nhàn hạ hơn và thu nhập cao hơn. Các bậc cha mẹ cũng mong muốn con cái mình được học trong những ngôi trường danh giá. Và sự thật, nhiều gia đình đã “nhịn ăn, nhịn mặc” cho con theo học đại học! Kết quả là, họ lại luẩn quẩn trong một vòng quay: thi đầu vào – vật lộn 4 năm học – vật lộn tìm kiếm công việc. Trong khi đó, trên bản đồ nguồn nhân lực, những vùng thiếu nhân lực trầm trọng đối nghịch hoàn toàn với những vùng thừa nhân lực!

 

Thử phân tích về nguồn thí sinh tham dự kỳ thi tuyển các trường đại học. Hàng năm, sau mỗi mùa tuyển sinh, các hội đồng tuyển sinh đều “nhặt” được những bài thi “không giống ai” và đăng tải lên một vài tờ báo, biến nó thành một câu chuyện cười. Đó là sự nhầm lẫn về kiến thức của thí sinh (một cách trầm trọng, đặc biệt là môn thi Sử của các ngành khối C!). Hiện trạng này chỉ ra một sự thực chua xót: những thí sinh này chưa đủ khả năng để tham dự chương trình đào tạo của bậc học đại học. Nhiều thí sinh quan niệm: thi đại học là quyền lợi, tham dự một lần cho biết! Họ là người nắm rõ nhất cơ hội trúng tuyển của mình. Nếu như, thay vì tham dự kỳ thi tuyển đại học, họ tham dự khóa học của một trường dạy nghề, họ sẽ không phải tốn kém về những chi phí cho mùa thi ấy. Theo đó, những vấn đề xã hội phát sinh trong mùa thi sẽ được giảm thiểu. Quan trọng nhất, đó là họ tìm được con đường vừa với sức mình!

 

Theo nhận định, mùa thi năm 2007, chất lượng đầu vào sẽ tăng do chất lượng thí sinh được sàng lọc từ kỳ thi tốt nghiệp bậc Trung học Phổ thông. Đó là năm Bộ Giáo dục - Đào tạo thực hiện quyết tâm “nói KHÔNG với tiêu cực”. Quả thực, hiệu quả xã hội của việc làm này là rất lớn. Chúng ta thẳng thắn nhìn vào sự thật: trình độ thực tế của học sinh chúng ta là như thế. Gần 40% học sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp Trung học Phổ thông sẽ làm giảm tình trạng những sinh viên ngồi nhầm giảng đường. Tuy nhiên, điều này không phải là giải pháp để có thể giải quyết vấ đề lao động – việc làm và thất nghiệp!

 

Nhà văn Lỗ Tấn (Trung Quốc) trong tác phẩm “Cố hương” có một câu nói nổi tiếng: “Trên đời này làm gì có đường. Người ta đi nhiều mà thành đường đấy thôi!”. Vậy, tại sao thế hệ trẻ Việt Nam không dám chọn con đường cho riêng mình, con đường vừa với sức mình để có thể tiếp cận gần hơn với cơ hội của mình? Nếu như họ chưa có kế hoạch cuộc đời của mình, xã hội cần thiết có sự định hướng cho họ. Nên chăng, trong tiêu chí tuyển sinh của các trường đại học, cần đưa vào tiêu chí về học lực tham dự của các thí sinh! Tất nhiên, tiêu chí về học lực này cần có sự chính xác. Sự chính xác này chỉ có thể có được nếu như chúng ta trung thực từ các bậc đào tạo dưới đại học (Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông). Như thế, vấn đề là một sự xâu chuỗi liên quan một cách mật thiết với nhau!

 

Nhìn vào tấm gương Bill Gates!

Cả thế giới đang thần tượng Bill Gates – một người dám rẽ ngang con đường học vấn để tìm cho mình một con đường khác với mọi người. Tất nhiên, đó là một cá biệt. Sự thành công của Bill Gates ngày hôm nay, trước khi nói đến tài năng, yếu tố bản lĩnh chiếm tỷ lệ lớn trong thành công của ông.

 

Chúng tôi không đưa ra một lời khuyên với các bạn trẻ, rằng hãy từ bỏ con đường đại học như Bill Gates để chọn một con đường đi khác, bởi vì những con đường mới, không ai nhìn thấy được lối ra. Nó tiềm ẩn nhiều ẩn họa và sự rủi ro. Nó ngược với xu thế chung của xã hội. Nó ngược với cả tâm lý chung của xã hội. Điều mà chúng tôi mong muốn các bạn trẻ nhận ra từ những bài viết này, đó là cần có một kế hoạch cuộc đời của mình. Cần có sự thực tế trước khi quyết định lựa chọn hướng đi nào cho tương lai của mình. Đôi khi, sự lựa chọn ấy cần thực dụng. Ví như, sức học của bạn, khả năng tài chính của bạn phù hợp với một trường đào tạo nghề hơn là một trường đại học, tại sao các bạn không chọn con đường đi ấy. Sẽ không ai dám nhìn bạn bằng con mắt dưới, bởi bạn sẽ là một lao động chính góp phần vận hành guồng máy. Và hơn hết, lao động là vinh quang, dẫu câu nói ấy, nhiều bạn trẻ vẫn nghĩ, đó là một lời “hô khẩu hiệu”!

 

Dưới đây là những trích đoạn trong bài viết của Bill Gates – thần tượng của giới trẻ trên thế giới, biểu tượng của sự thành công – về những quan điểm giáo dục của ông ngày 11/4/1998. Những suy nghĩ của Bill Gates, rất thực tế, và đôi khi có cả sự thực dụng. Nhưng nó là những lời khuyên hữu ích cho các bạn trẻ khi các bạn chưa lập được “kế hoạch cuộc đời” của mình:

 

“Hàng năm, có hàng trăm học sinh gửi email cho tôi để hỏi xin lời khuyên về việc học hành. Các bạn trẻ muốn biết nên học gì, hoặc liệu có nên nghỉ ngang đại học như tôi đã làm không.

 

Cũng có nhiều phụ huynh gửi thư chân thành đề nghị tôi hướng dẫn cách chỉ bảo con em mình. Họ hỏi: “làm thế nào chúng tôi có thể hướng dẫn con em mình đến thành công?”.

 

Lời khuyên quan trọng nhất của tôi rất đơn giản và chân thành: hãy đạt đến trình độ học vấn cao nhất mà bạn có thể. Hãy tận dụng thời gian trung học và đại học. Hãy học cách học!

 

…Trường đại học không phải là nơi duy nhất có thông tin. Bạn có thể học trong một thư viện. Nhưng ai đó trao cho bạn một quyển sách cũng chưa phải đã tạo nên điều kiện thuận lợi cho việc học tập. bạn cần học cùng với những người khác, đặt câu hỏi, thử nghiệm ý tưởng và tìm cách kiểm tra năng lực của mình. Việc này đòi hỏi nhiều hơn là chỉ một quyển sách.

 

…Tôi nghĩ rằng, các bạn trẻ đôi khi lại tự bẫy mình vào một phạm vi chật hẹp. Tôi hình dung rằng bạn vừa quyết định: “Được rồi, tôi sẽ là một chuyên gia về kế toán”. Một người bạn hỏi: “Này, cậu đang đọc gì vậy?”. “À, tôi đang đọc về kế toán”. Đây chỉ là cách các bạn tự khẳng định, và cũng là điều tốt. Nhưng thật không may nếu để có được điều này bạn lại phải hy sinh kiến thức về thế giới rộng lớn hơn hay khả năng làm việc tập thể.

 

…Trường đại học là nơi thích hợp để cân nhắc về một chuyên môn. Lựa chọn một chuyên ngành theo đúng lĩnh vực mình yêu thích có thể giúp bạn thành công – trừ khi chuyên ngành này rút cuộc lại đi vào ngõ cụt, hoặc bạn thật sự không đủ khả năng. Học tập đại học là một cách đạt được những kiến thức chuyên môn, tuy rằng xét theo khía cạnh kinh tế thuần túy thì việc học đại học và trên đại học không phải là một sự đầu tư tốt!”.

 

Lối vào cuộc sống có nhiều con đường. Nhiều khi, vì một quyết định sai lầm do không cân nhắc, không có kế hoạch cuộc đời cụ thể của mình, chúng ta đã “tự bẫy mình vào một phạm vi chật hẹp”.

 

Mỗi người, do đó, theo năng lực, hoàn cảnh, theo xuất phát điểm của cá nhân, cần tìm cho mình một con đường phù hợp nhất. Con đường ấy sẽ giúp bạn tiệm tiến đến những cơ hội của mình.

 

Sẽ có những con đường khác, những lối đi khác, không phải chỉ có con đường độc đạo là gõ cửa các trường đại học. Chúng ta cần một cái đầu duy lý khi cầm bút đánh dấu vào hồ sơ cuộc đời của chính mình!

 

Di Linh (VieTimes)

 

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang