Thả nổi liên kết đào tạo đại học!
Hơn một tháng qua, Thanh tra giáo dục Bộ GD-ĐT đã tiến hành một đợt kiểm tra đối với hoạt động liên kết đào tạo trên quy mô toàn quốc. Kết quả của đợt kiểm tra hàng loạt các trường ĐH, CĐ có chương trình liên kết đào tạo và các đối tác của các trường tại địa phương cho thấy hoạt động liên kết đào tạo mới chỉ được quan tâm đến như một nguồn thu, còn chất lượng đào tạo thì thả nổi.
Tay không cũng liên kết
Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh Hải Dương hiện liên kết đến 14 trường ĐH, CĐ đào tạo với hơn 3.000 SV. Nhưng cả trung tâm chỉ có 50 cán bộ, giáo viên để làm tất cả công việc, trong đó có phần quản lý hoạt động liên kết đào tạo với 46 lớp học. Trong tổng số diện tích phòng học hơn 10.000m2, trung tâm chỉ có khoảng 33%, phần còn lại là đi thuê bên ngoài. Nhưng tình cảnh ở đây xem ra còn khá hơn nhiều nếu so với hàng loạt trung tâm GDTX mà các tỉnh đang ồ ạt thực hiện liên kết đào tạo. “Hầu hết các đối tác chỉ đủ điều kiện về mặt danh nghĩa để ký kết hợp đồng liên kết đào tạo. Còn cơ sở vật chất lại rất có hạn - ông Phạm Ngọc Trúc, phó chánh Thanh tra giáo dục, cho biết - Vì thế, phần lớn các cơ sở này cứ ký kết rồi đi thuê địa điểm, đặt lớp ở những nơi khác. Nhiều địa điểm thuê mướn không đảm bảo điều kiện phục vụ cho đào tạo ĐH, CĐ”.
Trung tâm GDTX tỉnh An Giang hiện có gần 5.000 SV theo học 12 chương trình liên kết đào tạo khác nhau, nhưng phần lớn diện tích lớp học phải đi thuê mướn bên ngoài. Trung tâm GDTX tỉnh Kontum có tới 17 chương trình liên kết, nhưng bản thân trung tâm chỉ có thể đáp ứng 8% diện tích lớp học cần có. Kỷ lục phải thuộc về Trung tâm GDTX tỉnh Tiền Giang với vỏn vẹn ba cán bộ, nhân viên để quản lý 43 lớp học liên kết với gần 3.000 SV. Tương tự, nhiều trung tâm GDTX khác như Long An, Lạng Sơn, Lai Châu, Bắc Ninh... hiện có trên dưới mười chương trình liên kết với hàng ngàn SV nhưng chỉ có chưa đến mười cán bộ, giáo viên làm công tác quản lý mấy chục lớp đào tạo ĐH, CĐ.
Theo quy định đáng lẽ chỉ được mở liên kết đào tạo tại các trung tâm GDTX của tỉnh, nhưng rất nhiều lớp liên kết được tổ chức đến tận các huyện, thậm chí tỏa đến tận xã để vừa giải quyết khó khăn về địa điểm học, vừa tìm kiếm thêm nguồn học viên tại chỗ. Khi các đoàn thanh tra “sờ” đến hệ thống sổ sách quản lý quy trình dạy và học mới càng thấy việc quản lý các chương trình liên kết đào tạo lỏng lẻo. Với nhiều chương trình liên kết khác nhau, quy mô lên tới hàng ngàn SV nhưng phần lớn các cơ sở liên kết không có hệ thống sổ sách quản lý sinh viên, quản lý chương trình đào tạo, giảng viên và giờ dạy...
Theo ông Trúc, các chương trình liên kết đào tạo đang có xu hướng đua nhau dễ dãi để thu hút người học, đánh vào tâm lý những người học muốn có được tấm bằng một cách nhẹ nhàng nhất.
Quá tải vẫn chưa xài hết chỉ tiêu
Qua kiểm tra, Thanh tra giáo dục phát hiện khá phổ biến tình trạng các trường ĐH, CĐ liên kết đào tạo sai đối tượng như liên kết với các hội nghề nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước, các công ty... là những đơn vị không có chức năng hoặc không được phép tổ chức đào tạo, cấp bằng ĐH. Ví như Trường ĐH Công đoàn đã liên kết với một số liên đoàn lao động các tỉnh. Nhiều trường ĐH lớn khác như ĐH Luật Hà Nội, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Văn hóa... cũng liên kết với các phòng GD -ĐT, sở nội vụ, các trung tâm thuộc hội khuyến học để mở lớp. Đi đôi với việc không có hoặc không đúng chức năng, các đối tác này sẽ thiếu mọi yếu tố để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Ông Trúc cho biết khi thanh tra, nhiều trường ĐH thừa nhận luôn đứng trước áp lực muốn duy trì, thậm chí phải tăng nguồn thu từ liên kết đào tạo. Trong khi đó, nhu cầu học theo phương thức vừa học vừa làm ở các thành phố lớn - nơi các trường đóng trụ sở - đã bão hòa. Vì thế nhiều trường phải linh hoạt mở rộng các đối tác để tổ chức đào tạo ngoài trường, mở lớp ở các địa phương nơi vẫn còn nguồn học viên! Việc bắt tay liên kết này còn được đơn giản hóa đến mức có trường và đối tác chỉ cần ký hợp đồng một năm, những năm sau cứ tự động thực hiện liên kết.
Trên cùng một địa bàn, hiện có sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các trường ĐH để tìm đối tác và mở rộng quy mô liên kết. Nhưng đó là một sự cạnh tranh tiêu cực, thiếu lành mạnh vì càng muốn có thêm đối tác, trường càng phải dễ dãi, buông lỏng hơn trong quản lý liên kết đào tạo!
Kết quả kiểm tra thực tế của thanh tra giáo dục cho thấy phần lớn các chương trình liên kết đào tạo ở địa phương đều thực hiện giảng dạy theo hình thức “cuốn chiếu” để tiết kiệm chi phí và dễ bố trí giảng viên. Mỗi giảng viên về địa phương sẽ dạy một mạch vài ngày hết một môn rồi tổ chức thi hết môn ngay sau đó. “Dạy liên tục với cường độ cao 8-10 tiết/ngày, lại chỉ học một môn, khả năng truyền đạt của thầy và khả năng tiếp thu của người học đều sẽ bị hạn chế rất nhiều. Học liên tục 5-6 ngày để hết môn, người học làm sao có thể tiếp thu được kiến thức” - ông Trúc nhận xét. Vì thế chuyện thi hết môn ngay sau đó, rồi đề thi, chấm điểm... cũng phần nhiều mang tính hình thức.
Đáng giật mình nhất là rất nhiều trường ĐH, CĐ còn chưa sử dụng hết chỉ tiêu đào tạo vừa học vừa làm được giao. Liên kết đào tạo rộng rãi và dễ dãi đến vậy mà chưa xài hết chỉ tiêu? Có lẽ trách nhiệm trả lời câu hỏi này không chỉ là các trường ĐH, CĐ.
Ông Phạm Ngọc Trúc - Phó Chánh thanh tra giáo dục: Sẽ dừng đào tạo nếu sai phạm
Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh hoạt động liên kết đào tạo và những vấn đề mà Thanh tra giáo dục đã phát hiện qua đợt kiểm tra này, ông Phạm Ngọc Trúc (ảnh) cho biết:
- Theo đánh giá của chúng tôi, một nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng vi phạm trong liên kết đào tạo là do học phí ĐH, CĐ thấp và không thay đổi từ năm 1998 (mức học phí 180.000 đồng/tháng hiện nay chỉ còn 54% giá trị so với năm 1998).
Trong khi đó lương cơ bản của đội ngũ nhà giáo liên tục tăng đã tạo áp lực rất lớn khiến các trường phải tăng quy mô đào tạo, trong đó có liên kết đào tạo, để nguồn thu đảm bảo chi phí hoạt động của nhà trường. Tăng quy mô liên kết để dẫn đến việc phải mở rộng đối tác liên kết, trong đó có cả những đối tác không phải là đối tượng được tham gia liên kết đào tạo. Một nguyên nhân quan trọng nữa là tại nhiều địa phương, thanh tra sở GD-ĐT chưa thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên kết đào tạo diễn ra trên địa bàn được giao quản lý.
* Sau khi thanh tra, đối với những chương trình liên kết đào tạo phát hiện có thiếu sót, sai phạm sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?
- Đối với các sai phạm đã phát hiện qua đợt thanh tra này, thanh tra giáo dục sẽ có công văn thông báo cho các cơ quan quản lý để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Đối với các cơ sở không bảo đảm các qui định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ quản lý cần dừng việc tiếp tục liên kết đào tạo để củng cố. Các chương trình liên kết với đối tác không phải là đối tượng được tham gia liên kết đào tạo cần được điều chỉnh bằng cách chấm dứt hợp đồng, chọn đối tác mới đúng đối tượng để tiếp tục hoàn chỉnh khóa học.
Về lâu dài, chúng tôi kiến nghị các địa phương thực hiện nghiêm quy định của Bộ GD-ĐT giao các sở GD-ĐT làm đầu mối giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch liên kết đào tạo hằng năm, thẩm định và trình phê duyệt các chương trình liên kết, hằng năm tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên kết trên địa bàn quản lý để kịp thời xử lý sai phạm. Sắp tới các trường ĐH, CĐ sau khi được điều chỉnh học phí, có thêm nguồn kinh phí chi cho các hoạt động của nhà trường, nên cắt giảm chỉ tiêu liên kết đào tạo, quản lý chặt chẽ hơn các chương trình liên kết.
|
29/05/2009 - Thanh Hà (tuoitre.com.vn)