Sẽ đề nghị thanh tra toàn diện ĐH Hồng Bàng
Đó là ý kiến của bà Trần Thị Hà, vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về những vụ việc liên quan đến Trường ĐH dân lập Hồng Bàng.
* Trường ĐH Hồng Bàng hiện có tới trên 60 chuyên ngành đào tạo khác nhau, trong đó có những chuyên ngành như y sinh học, thể dục thể thao, điều dưỡng... thường chỉ được đào tạo ở những trường ĐH chuyên sâu vì đòi hỏi điều kiện đặc thù về cơ sở vật chất, giảng viên. Tại sao Trường ĐH dân lập Hồng Bàng không có đủ các điều kiện đáp ứng vẫn được phép đào tạo, thưa bà?
- Bà Trần Thị Hà: Cách thức quản lý đào tạo từ nhiều năm nay là bộ chỉ xét duyệt việc xin mở ngành đào tạo, còn việc mở các chuyên ngành đào tạo chuyên sâu hơn là giao cho các trường chịu trách nhiệm xây dựng chuyên ngành theo năng lực, nhu cầu đào tạo của trường. Vì thế, dựa trên một số ngành đào tạo các trường có thể mở nhiều chuyên ngành khác nhau. Danh mục ngành đào tạo hiện nay đã có một số thay đổi, bổ sung so với trước để phù hợp với thực tế cũng như quy định về ngành nghề của Tổng cục Thống kê. Vì thế một số chuyên ngành mới có trường đã mở sẽ được bổ sung vào danh mục chung.
Hiện chúng tôi đang thực hiện rà soát ngành nghề, chương trình đào tạo của từng trường ĐH, trong đó có Trường ĐH dân lập Hồng Bàng. Qua rà soát đã phát hiện có một số ngành đào tạo của trường chưa được bộ cho phép. Còn theo kết quả thanh tra công tác đào tạo của trường do thanh tra giáo dục thực hiện năm 2008 cũng đã có kết luận một số ngành của trường không đảm bảo điều kiện đào tạo.
* Nhưng thưa bà, năm nay Trường ĐH dân lập Hồng Bàng vẫn tiếp tục được tăng chỉ tiêu tuyển mới và trong cuốn Những điều cần biết... do bộ phát hành, trường vẫn đăng ký tất cả chuyên ngành đào tạo mà không hề có sự điều chỉnh so với trước khi bị thanh tra?
- Kết quả thanh tra trường đã được thanh tra giáo dục công bố kết luận, việc xử lý như thế nào là theo đề nghị của thanh tra. Về chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của Trường ĐH dân lập Hồng Bàng cũng như các trường ĐH, CĐ khác do Vụ Kế hoạch tài chính xem xét phê duyệt dựa trên các tiêu chí thống nhất cho toàn hệ thống ĐH và đã công bố công khai. Sau khi các trường có tổng chỉ tiêu tuyển mới, kể cả chỉ tiêu tuyển sinh chi tiết theo các ngành thì sẽ chuyển cho Vụ Giáo dục ĐH để đưa vào cuốn Những điều cần biết...
Về phần chúng tôi, sau khi có kết quả rà soát các ngành và chương trình đào tạo của trường, tùy theo mức độ chúng tôi sẽ phải có biện pháp chấn chỉnh, đề xuất với lãnh đạo bộ xem xét xử lý nếu trường vi phạm các quy định hiện hành.
* Từ nhiều năm nay, dư luận cũng như ý kiến của sinh viên đã bức xúc phản ảnh nhiều vấn đề yếu kém trong hoạt động đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng của Trường ĐH dân lập Hồng Bàng, nhưng từ năm 2000 đến nay trường vẫn liên tục được tăng chỉ tiêu tuyển sinh?
- Đầu mối chịu trách nhiệm về việc xem xét phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ở Bộ GD-ĐT là Vụ Kế hoạch tài chính. Nhưng tôi cũng biết rõ là chỉ tiêu tuyển sinh không phải xác định một cách cảm tính, tăng giảm không có căn cứ. Căn cứ theo báo cáo của các trường về số lượng, năng lực đội ngũ giảng viên và số lượng tuyển mới do các trường tự đề xuất dựa trên tỉ lệ giảng viên/sinh viên, Vụ Kế hoạch tài chính sẽ xem xét phê duyệt hoặc yêu cầu trường điều chỉnh số lượng tuyển mới cho phù hợp với năng lực đào tạo.
Theo số liệu mà Trường Hồng Bàng báo cáo Bộ GD-ĐT để đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh năm 2009 thì với số chỉ tiêu tuyển mới đã được phê duyệt, trường vẫn còn thừa năng lực đào tạo. Như vậy, nếu trên thực tế điều kiện, năng lực đào tạo của trường như báo và dư luận phản ánh tức là trường đã cố tình báo cáo sai, không chính xác để đào tạo vượt quá năng lực của mình. Trường sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này.
* Là một đầu mối quản lý, trong thời gian qua Vụ Giáo dục ĐH có nắm được những thông tin phản ánh về trường và đã có biện pháp gì xử lý chưa, thưa bà?
- Trong quản lý giáo dục ĐH hiện nay đã thực hiện phân cấp mạnh, các trường ĐH có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý cũng như trước xã hội. Bộ không thể thường xuyên can thiệp sâu vào hoạt động của các trường mà chủ yếu quản lý theo phương thức “hậu kiểm”. Nhưng trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề, sai sót, vi phạm, do bộ phát hiện hay do dư luận phản ảnh, Bộ GD-ĐT đều xem xét kiểm tra, thanh tra. Đối với Trường ĐH dân lập Hồng Bàng, chúng tôi đã từng thanh tra công tác đào tạo, thanh tra về việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh...
Với những vấn đề của Hồng Bàng như hiện nay, tôi sẽ đề nghị lãnh đạo bộ cho phép thực hiện một cuộc thanh tra toàn diện trường, làm rõ những vấn đề gây bức xúc cho SV và dư luận, để chấn chỉnh lại hoạt động đào tạo của trường.
Nhiều ngành học không phép, chương trình chỉ ở mức đào tạo kỹ thuật viên...
Theo kết quả rà soát các ngành đào tạo của Trường ĐH dân lập Hồng Bàng, trường có rất nhiều ngành đào tạo chưa có quyết định cho phép mở ngành của Bộ GD-ĐT như: Úc học, New Zealand học, Hoa Kỳ học, châu Á - Trung Quốc học, châu Á - Nhật Bản học, châu Á - Hàn Quốc học, ngữ văn - truyền thông đại chúng, điện tử - viễn thông - cơ khí tự động hóa, công nghệ dệt may - thời trang, thiết kế tạo dáng công nghiệp, game show - kỹ xảo điện ảnh - hoạt hình 3D, hoạt hình Manga, quản trị lữ hành du lịch, quản lý nhà bếp và nghệ thuật nấu ăn, quản trị khách sạn, nhà hàng - resort...
Bà Nguyễn Thị Lê Hương - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, người trực tiếp phụ trách việc rà soát các ngành đào tạo - cho biết không chỉ có sai sót về mặt pháp lý khi chưa có quyết định mở ngành đã tiến hành tuyển sinh, đào tạo, nhiều chương trình đào tạo của Trường ĐH dân lập Hồng Bàng chưa xác định được mục tiêu đào tạo hoặc mục tiêu đào tạo chưa rõ ràng, hoặc các ngành hoàn toàn khác nhau nhưng có mục tiêu đào tạo... giống hệt nhau.
“Một số ngành, chuyên ngành đào tạo của trường không có trong danh mục ngành đào tạo của Bộ GD-ĐT, cũng không có cơ sở khoa học, tên gọi không phản ánh được nội dung đào tạo, không xác định được mục tiêu đào tạo. Việc xác định tên ngành học của trường tùy tiện, chưa theo quy định hướng dẫn của bộ cũng như thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Chương trình đào tạo của một số ngành đào tạo trình độ ĐH mới chỉ dừng ở mức đào tạo kỹ thuật viên, đào tạo nghề...”- bà Lê Hương nhận định.
|
Thanh Hà thực hiện
Nguồn: tuoitre.com.vn