Tăng quy mô đào tạo ngành y, dược

Quy mô đào tạo các trường ĐH, CĐ y dược không lớn, thấp hơn quy mô đào tạo một trường ĐH khối ngành khác. Khả năng đáp ứng yêu cầu mục tiêu cán bộ y tế đến năm 2015 rất khó khăn.

Mặc dù có ưu điểm về chất lượng đội ngũ giảng viên, tỉ lệ sinh viên/giảng viên thấp so với các ngành khác, tuy nhiên, việc đào tạo ngành y dược vẫn đang còn hạn chế về quy mô, chương trình... Nếu so với chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ y tế đến năm 2010, với quy mô đào tạo rất nhỏ như hiện nay, khả năng đáp ứng yêu cầu sẽ rất khó khăn.

Nhu cầu cao, đáp ứng thấp

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết tổng quy mô đào tạo của tất cả các trường ĐH, CĐ y dược bình quân 4 năm (2004-2008) là 31.907 sinh viên, thấp hơn quy mô đào tạo của một trường ĐH khối ngành khác, ví dụ ĐH Kinh tế Quốc dân là 35.845 sinh viên (năm học 2007-2008). Trong đó, quy mô đào tạo ĐH cao nhất hiện nay là ĐH Y Dược TPHCM với 6.612 sinh viên.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, nhu cầu tuyển thêm nhân lực để bù đắp số về hưu, nghỉ việc, chuyển công tác... thì số cán bộ y tế cần thêm hằng năm là 20%, tương ứng 54.230 người, riêng trình độ ĐH là 12.815 người. Trong khi đó, số liệu ước tính nhu cầu đào tạo đến năm 2015 cho thấy số cán bộ y tế bậc ĐH ra trường hằng năm vào thời điểm năm 2015 vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển của các cơ sở y tế công lập và tư nhân.

Để giải quyết tình trạng trên, trong mục tiêu phát triển nhân lực y dược đến năm 2015-2020, Bộ GD-ĐT đã đề ra các giải pháp, trong đó sẽ tăng quy mô đào tạo của hệ thống trường ĐH, CĐ y dược để đạt bình quân trên 45.000 sinh viên, học sinh/năm vào năm 2015. Đồng thời, mỗi tỉnh phấn đấu có ít nhất một trường CĐ y tế.

Sẽ có chương trình tiên tiến ngành y

Vì ngành y là ngành đặc biệt nên việc tăng quy mô phải gắn liền với các điều kiện bảo đảm chất lượng. Trong khi đó, theo ý kiến các nhà quản lý, các nhà khoa học và giảng viên, 17 chương trình khung giáo dục ĐH khối ngành khoa học sức khỏe ban hành năm 2001 đã lạc hậu, cần phải rà soát, đánh giá để điều chỉnh, cập nhật những môn học mới, kiến thức mới phù hợp tiến bộ của khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, giáo trình của các trường ĐH, CĐ y dược chưa đủ về số lượng, chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập, dẫn đến dạy chay, học chay ở một số môn học, học phần. Chưa kể cơ sở vật chất của một số trường mới tách hoặc mới thành lập đều đã xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là các phòng thí nghiệm, giảng đường, thư viện. Các trường thiếu đội ngũ giảng viên, đặc biệt trong lĩnh vực y học cơ sở.

Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết thêm, hiện Bộ GD-ĐT đang cùng với Bộ Y tế và các trường ĐH xây dựng lại các chương trình khung đã ban hành năm 2001.

Giải pháp cho vấn đề chất lượng, theo Bộ Y tế là phải tăng cường đầu tư cho các cơ sở đào tạo một cách toàn diện, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giảng viên có trình độ cao. Trong đó, phối hợp với Bộ GD-ĐT xây dựng chương trình đào tạo hội nhập với quốc tế (chương trình tiên tiến), cải tiến phương pháp dạy và học...

Bộ Y tế cũng đề nghị phát hành trái phiếu Chính phủ để xây dựng và nâng cấp một số trường ĐH y dược trọng điểm (ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược TPHCM) và một số trường ở vùng khó khăn (ĐH Y Dược Cần Thơ, Tây Nguyên).

Dược sĩ ĐH giảm ở hệ thống y tế công lập

Tuy số dược sĩ ĐH ra trường hằng năm tại các cơ sở đào tạo đều tăng đáng kể trong những năm qua nhưng do quy mô tuyển sinh hằng năm của ngành dược rất hạn chế, nên một số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp ngành dược không vào làm việc tại các cơ sở y tế công lập hoặc làm không đúng chuyên môn được đào tạo, mà đi làm cho các công ty dược nước ngoài, công ty TNHH kinh doanh dược phẩm. Đang có sự dịch chuyển nhân lực dược trình độ ĐH theo hướng tăng với hệ thống y tế tư nhân, không tăng hoặc giảm với hệ thống y tế công lập.

Cập nhật: 30/12/2008 - Hồng Minh (nld.com.vn)

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang