Đào tạo liên thông: Chất lượng chưa ổn
Từ tháng 2-2008, Bộ GD-ĐT đã quyết định mở rộng cửa đào tạo liên thông cho tất cả các trường CĐ, ĐH trong cả nước. Tuy nhiên, chất lượng đầu ra của hệ đào tạo này vẫn còn bỏ ngỏ.
“Liên thông từ CĐ lên ĐH mà thời gian đào tạo chỉ từ 1 năm rưỡi đến 2 năm, tôi rất lo lắng cho đầu ra của sinh viên (SV) hệ đào tạo liên thông, bởi thực trạng nhiều SV ĐH hệ chính quy học 4 -5 năm nhưng khi ra trường chỉ chuyên sâu một lĩnh vực, thiếu hẳn sự nhanh nhạy, không đáp ứng yêu cầu của xã hội”. PGS-TS Nguyễn Mộng Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, nói về sự bất cập trong đào tạo liên thông hiện nay tại hội thảo “Đào tạo liên thông trong các trường TCCN, CĐ, ĐH ở VN, thực trạng và bài học kinh nghiệm” do Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức sáng 5-12.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Tâm, Trưởng Phòng Đào tạo Trường CĐ Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, thừa nhận điểm của thí sinh thi vào hệ đào tạo liên thông rất thấp, điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng cũng như thời gian đào tạo. Còn TS Nguyễn Hoàng Việt, Trưởng Ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, bức xúc: “Cùng một chương trình, một ngành nhưng chất lượng SV ở trường này lại lệch với trường kia rất nhiều, đặc biệt là giữa trường công lập và dân lập. Do vậy, chúng tôi đã quyết định không cho các trường dân lập liên thông lên ĐH Đà Nẵng để chất lượng đào tạo được bảo đảm”. Dù nhận được phản ứng khá gay gắt của các đại diện đến từ các trường CĐ, ĐH dân lập có đào tạo liên thông nhưng TS Nguyễn Hoàng Việt vẫn kiên quyết: “Các trường muốn liên thông phải tự khẳng định mình bằng chất lượng đào tạo”.
Còn theo PGS-TS Phạm Xuân Hậu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, hiện nay chưa có quy chế chuẩn mực và thống nhất trong đào tạo liên thông nên nhiều trường mềm hóa những quy định này để giữ số lượng SV cho trường mình.
Các đại biểu cũng cho rằng chương trình đào tạo liên thông hiện nay còn nhiều bất cập. PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nói việc thiết kế chương trình học ở bậc ĐH không đơn giản và không đơn thuần chỉ thêm các môn học mà bậc CĐ hay TCCN chưa có. “Cái khó chính là ở những môn học trùng tên đã được học ở bậc dưới sẽ được tái cấu trúc như thế nào ở bậc trên chứ không phải đơn thuần chỉ là cộng thêm số tiết như hiện nay”- PGS-TS Nguyễn Kim Hồng nhìn nhận. Trong khi đó, đại diện của ĐH Bình Dương cho rằng nên xem lại cơ chế liên thông vượt cấp từ TCCN lên ĐH như hiện nay. Theo đại biểu này, những thí sinh không đậu ĐH, CĐ mới học TCCN, nay lại bước một bước dài lên ĐH sẽ không tránh khỏi sự hụt hẫng. “Không nên duy trì liên thông vượt cấp, bởi CĐ chính là một nấc thang để các thí sinh tốt nghiệp TCCN làm quen trước khi bước vào ĐH để tránh trượt chân, ngã đau”- đại biểu này ví von.
“Theo tôi, chỉ cần tốt nghiệp TCCN là có thể học liên thông. Quan trọng là đề thi và công tác chấm thi phải chuẩn thì chất lượng đào tạo sẽ được nâng lên”- ông Nguyễn Thạc Sang, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp II, đề nghị. Để giải quyết bất cập khi liên thông giữa trường này với trường khác, một số đại biểu cho rằng trước khi liên kết đào tạo, cần phải xem trường nào có khung chương trình tương đối phù hợp với chương trình đào tạo của trường mình, rồi ngồi lại cùng trao đổi để đưa ra một chương trình thống nhất.
Cập nhật: 06/12/2008 (nld.com.vn)