Nhiều trường ĐH chưa sẵn sàng phương án tuyển sinh khác
28/09/2018
Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo các trường ĐH phía bắc cho biết vẫn chưa sẵn sàng cho phương án tuyển sinh hoàn toàn không dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, ít nhất cho đến năm 2020.
Chỉ chuẩn bị đổi mới từ sau năm 2020
PGS-TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết vì tin tưởng vào lộ trình đổi mới thi của Bộ GD-ĐT mà trường cũng chỉ chuẩn bị cho đổi mới tuyển sinh từ sau năm 2020 theo đúng tiến độ.
“Có thể xem kết quả kỳ thi THPT quốc gia mới chỉ là điều kiện ban đầu. Sau đó có thể nhà trường sẽ tổ chức một kỳ thi gọn nhẹ nữa để phân hóa mà chọn những em ở tốp trên. Ví dụ chỉ tiêu của Bách khoa là 6.000 thì có thể lấy 8.000 - 9.000, sau đó tổ chức gọn nhẹ trong 1 ngày để phân loại tiếp, nhưng đó mới là ý tưởng chứ phương án cụ thể chưa có. Nhưng vào thời điểm này nhà trường chưa sẵn sàng cho bất kỳ phương án nào”.
Ông Tớp đề xuất: “Sau phát biểu trên của Bộ trưởng, Bộ GD-ĐT cần họp với các trường ĐH để cùng bàn xem thi thế nào, xét tuyển ra sao. Nếu quả thực mục đích chính là tốt nghiệp THPT quốc gia nhưng kết quả vẫn có thể phân hóa được thì các trường vẫn có thể sử dụng để xét tuyển. Ngược lại, nếu đề năm tới có cấu trúc chỉ để cho mục tiêu xét tốt nghiệp như cách đây 5 năm (năm 2014) thì các trường cần có thời gian chuẩn bị”.
Vẫn tuyển sinh như năm rồi
Theo PGS Lê Thị Thu Thủy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, đến thời điểm này, do Bộ chưa có bất kỳ văn bản nào nói về phương án thi và tuyển sinh sang năm, nên các trường cũng chưa có cơ sở để bàn bạc cho phương án tuyển sinh. “Hiện nay có nhiều luồng thông tin quá nên các trường rất cần được Bộ chốt là đề thi sang năm để phục vụ cho thi tốt nghiệp hay sẽ có phần để đánh giá ở cấp độ cao hơn”, bà Thủy nêu ý kiến.
Bà Thủy cũng cho biết từ vài năm nay Trường ĐH Ngoại thương không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả thi THPT quốc gia mà vừa sử dụng kết quả, vừa sử dụng các phương thức xét tuyển kết hợp hoặc tuyển thẳng. Tuy nhiên, kết quả thi THPT quốc gia vẫn là một thông số “cứng” ngay cả với các phương thức xét tuyển kết hợp. “Tôi nghĩ hiện nay dư luận xã hội chỉ mới thảo luận về những thay đổi cho sau này. Còn từ năm ngoái Bộ đã có thông báo là sẽ ổn định kỳ thi đến tận năm 2020, vì thế không có lý do gì để phải thay đổi đột ngột, khiến các trường phải lo”, PGS Thủy nói.
PGS Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng thực ra từ trước đến nay tên và mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vẫn là để xét tốt nghiệp, vì thế bây giờ Bộ trưởng khẳng định lại thì cũng không có gì khác so với trước đây. Dù kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng cũng đánh giá năng lực thí sinh, quá trình đánh giá cũng có tính chất phân loại chứ không chỉ là câu hỏi đơn giản để đánh giá thí sinh qua hay không qua. Vì vậy, các trường vẫn có thể sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển. Hơn nữa, trong những năm qua, Bộ đã giao quyền chủ động lựa chọn phương án tuyển sinh cho các trường, nên lựa chọn sử dụng kết quả thi là cũng do các trường chủ động. Qua 2 năm sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển của các trường ĐH thành viên ĐH Quốc gia Hà Nội cho thấy việc xét tuyển vào ĐH rất tốt. “Tôi nghĩ các trường ĐH thành viên vẫn sử dụng kết quả kỳ thi làm một trong những căn cứ để tuyển sinh vào trường”.
PGS Bùi Quốc Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết trường đã có một đề án tự chủ tuyển sinh, công bố từ hồi đầu năm, nên giờ cứ theo lộ trình của đề án mà thực hiện. Trường sẽ áp dụng các phương thức một cách hài hòa. Nếu thấy kỳ thi THPT quốc gia mà độ tin cậy đảm bảo thì chủ yếu vẫn dựa vào đó.
“Khi nói kỳ thi phục vụ cho mục đích tốt nghiệp thì đó chỉ là một cách nói. Còn đây là kỳ thi THPT quốc gia chứ không phải là kỳ thi tốt nghiệp THPT, do đó mục đích vẫn là 2 trong 1. Còn giờ đây Bộ trưởng nói rằng nó phục vụ cho mục đích thi tốt nghiệp, tôi thấy cũng phù hợp nhưng không có nghĩa không dùng để xét ĐH được”.
Qúy Hiên
(thanhnien.vn – 28/09/2018)