Tuyển sinh bổ sung: Cân nhắc, thận trọng để có lựa chọn phù hợp
21/08/2018
Kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên (14/8), nhiều trường ĐH công lập tại TPHCM vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu cho mình dù mức điểm trúng tuyển đã giảm từ 1 - 3 điểm tùy theo trường. Vì thế, cơ hội trúng tuyển ĐH cho các thí sinh vẫn còn rất lớn khi các trường đang tuyển bổ sung hàng ngàn chỉ tiêu. Thận trọng và cân nhắc thật kỹ - đó là lời khuyên của các chuyên gia cho thí sinh trước khi nộp nguyện vọng xét tuyển đợt này khi thời gian “chốt” hồ sơ của các trường là từ ngày 21 - 31/8/2018.
Rộng cửa vào đại học
Với thông báo tuyển bổ sung hàng trăm chỉ tiêu của nhiều trường đại học lớn tại TPHCM như: Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Mở TPHCM, Trường ĐH Tài nguyên và Môi Trường TPHCM, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM… cơ hội bước chân vào cánh cửa đại học vẫn rất lớn cho nhiều thí sinh.
Cụ thể, ở đợt xét tuyển bổ sung này Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM tuyển bổ sung 520 chỉ tiêu theo phương thức xét điểm thi THPT quốc gia (điểm sàn từ 18) và 285 chỉ tiêu theo phương thức xét học bạ ở 15 ngành.
Tương tự, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) xét tuyển thêm 320 chỉ tiêu cho 7 ngành thuộc chương trình đào tạo do trường này cấp bằng và các ngành thuộc chương trình liên kết do trường đại học nước ngoài cấp bằng. Trong đó, 200 chỉ tiêu (điểm sàn 16 điểm) cho các chương trình liên kết quốc tế và 120 chỉ tiêu (điểm từ 16 - 17,5 điểm) cho các ngành thuộc chương trình do trường cấp bằng.
Trường ĐH Mở TPHCM năm nay cũng xét tuyển bổ sung đến 450 chỉ tiêu. PGS.TS Nguyễn Minh Hà - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hạn chót của đợt xét tuyển này là ngày 21/8, với điểm sàn xét tuyển các ngành là 15 điểm.
Trong số các trường thông báo xét tuyển bổ sung đợt này, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM là trường xét tuyển bổ sung nhiều nhất với 720 chỉ tiêu. Tại cơ sở chính ở TPHCM trường tuyển 200 chỉ tiêu nhiều ngành với mức điểm 16, riêng chương trình Chất lượng cao (160 chỉ tiêu) trường nhận mức điểm 15. 360 chỉ tiêu còn lại, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM dành tuyển bổ sung cho phân hiệu tại Quảng Ngãi cho 8 ngành theo hai phương thức: Xét tuyển bằng học bạ (18 điểm trở lên), xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia (15) điểm. Thời gian khóa hồ sơ xét tuyển đến hết ngày 25/8.
Bên cạnh các trường cần tuyển bổ sung hàng trăm chỉ tiêu trên, còn hàng loạt các trường đại học công lập khác tại TPHCM tuyển bổ sung. Đơn cử, Trường ĐH Kinh tế - Luật xét tuyển bổ sung 2 ngành Tài chính ngân hàng, Kinh tế và quản lý công (mỗi ngành 50 chỉ tiêu với điểm từ 18,5 trở lên).
Không quá thoải mái như các trường tại TPHCM, nhiều trường đại học địa phương đang cần tuyển bổ sung nguyện vọng rất nhiều với mức điểm khá thấp như: Trường ĐH Quảng Nam xét tuyển 575 chỉ tiêu với điểm nhận hồ sơ từ 12 điểm đối với hệ đại học (riêng nhóm ngành sư phạm là 17 điểm), xét theo học bạ là 15 điểm và 330 chỉ tiêu với điểm nhận hồ sơ từ 10 điểm đối với hệ cao đẳng. Thời hạn xét bổ sung đợt 1 là 31/8.
Trường ĐH Xây dựng Miền Trung tuyển bổ sung 610 chỉ tiêu bằng hai hình thức xét điểm thi THPT quốc gia (13 điểm) và xét học bạ.
Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cũng xét tuyển 300 nguyện vọng bổ sung đợt 1 hệ đại học chính quy cho phân hiệu trường này tại Gia Lai và Ninh Thuận dựa trên kết quả thi THPT quốc gia. Tại Phân hiệu Gia Lai, trường xét tuyển 140 chỉ tiêu cho các ngành với mức điểm sàn chung là 15 điểm. Tại Phân hiệu Ninh Thuận, trường xét tuyển 160 chỉ tiêu cho các ngành với mức điểm xét tuyển chung là 15 điểm.
Cần cân nhắc thật kỹ
Theo quy chế của Bộ GD&ĐT, thí sinh chưa trúng tuyển đợt một hoặc đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học, có thể đăng ký xét tuyển bổ sung.
Ở đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh phải nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tiếp tại trường hoặc gửi qua đường bưu điện. Do đó, Theo ThS Phạm Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, thí sinh phải lên website của từng trường để tìm hiểu các hướng dẫn, quy định khi làm hồ sơ đăng ký xét tuyển. Đối với thí sinh nộp qua đường bưu điện phải ghi rõ mã trường, mã ngành, tổ hợp xét tuyển.
“Ở đợt xét tuyển bổ sung này các trường đều có điều kiện khác nhau, vì vậy thí sinh cần phải hết sức cẩn thận chọn lựa, để tránh sai sót” - ThS Phạm Thái Sơn lưu ý.
Thực tế, có nhiều thí sinh dù đã được thông báo trúng tuyển NV1 vào trường đầu tiên, nhưng vì lý do này nọ đã không nhập học để tìm kiếm cơ hội học đúng sở thích ở một trường đại học khác. Những trường hợp này rất dễ đối mặt với rủi ro “lỡ chuyến tàu” vào đại học nếu không có sự tính toán hợp lý.
Tiến sĩ Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - chia sẻ: Trong đợt xét tuyển này, mỗi trường sẽ có chỉ tiêu, tiêu chí, cách thức tuyển sinh khác nhau vì thế thí sinh cần phải kỹ lưỡng để tránh phải hối hận.
“Sẽ có nhiều trường có mức điểm xét tuyển thấp, nhưng nếu không tính toán kỹ, các em vẫn có thể sai khi chọn lựa. Tôi ví dụ, thí sinh A rớt nguyện vọng 1 ngành Công nghệ sinh học vào trường X có mức điểm trúng tuyển 20 điểm. Nhưng nếu em thấy điểm xét tuyển bổ sung ngành đó của trường đại học Y có mức 18,5 điểm rồi nộp vào (khi điểm của em có 19 điểm) có thể sẽ gặp rủi ro… rớt nếu có quá nhiều thí sinh nộp vào. Trường hợp thí sinh đã trúng tuyển vào một trường nhưng không nhập học và tìm kiếm cơ hội ở trường khác khi có mức điểm quá sít sao cũng thế. Vì vậy, thí sinh cần cân nhắc thật kỹ mức điểm mình có và ngưỡng sàn xét tuyển bổ sung để có tỉ lệ đậu lớn nhất” - TS Trần Đình Lý đưa ra lời khuyên.
Anh Tú
giaoducthoidai.vn – 21/08/2018