Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Tuyển sinh sư phạm: Cần nhiều giải pháp

20/08/2018


Nếu như mùa tuyển sinh năm 2017, điểm chuẩn đầu vào sư phạm quá thấp- như giọt nước tràn ly khiến Bộ GDĐT phải siết lại việc tuyển sinh sư phạm, thì năm 2018 việc một số trường nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh lại đang trở thành mối quan tâm đặc biệt. Đây cũng được coi là câu chuyện chưa có tiền lệ.

Chật vật tuyển sinh 

Cụ thể là câu chuyện của Trường CĐSP Gia Lai, đặt điểm chuẩn “ảo” để đánh trượt thí sinh 6/8 ngành đào tạo. Trong số các ngành đào tạo của trường, nổi bật nhất là ngành Sư phạm Ngữ văn có điểm trúng tuyển cao nhất lên đến 23. Các ngành Sư phạm Hóa và Sư phạm Lịch sử có điểm chuẩn 20, Sư phạm tiếng Anh điểm chuẩn 19, Sư phạm Toán và Vật lý điểm chuẩn 18 điểm. 2 ngành Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học có điểm chuẩn 15.

Sau khi Trường CĐ Sư phạm Gia Lai công bố, nhiều ý kiến không khỏi bất ngờ khi một trường CĐ sư phạm ở Tây Nguyên lại có điểm chuẩn cao như vậy. Thậm chí, giữa vô số trường ĐH có điểm chuẩn 13, 14 thì việc Trường CĐ Sư phạm Gia Lai có điểm chuẩn cao là một tín hiệu đáng mừng. Thế nhưng, điểm chuẩn này lại có nguyên nhân “đặc biệt”. Xuất phát từ việc  có quá ít thí sinh đăng ký vào những ngành trên, nên trường phải nâng điểm để đánh trượt thí sinh. Cụ thể như ngành Sư phạm Ngữ văn chỉ có 1 thí sinh đăng ký và được 22,5 điểm, nhà trường không thể đào tạo ngành chỉ có 1 thí sinh nên đã nâng điểm chuẩn lên 23 để thí sinh này trượt và xét tuyển vào trường khác (theo quy định, thí sinh trúng tuyển NV1 thì sẽ không được trúng NV2). Ngoài ra, các ngành khác cũng chỉ lác đác 1-2 thí sinh và trường không thể mở lớp nên đành làm tương tự.

Và trên thực tế, đã không có thí sinh nào đạt mức điểm này vào trường. Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng Trường CĐSP Gia Lai đã thừa nhận “rất đau lòng” mới buộc phải sử dụng cách thức này. Trường làm như vậy là do số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển quá thấp, không đủ để mở lớp. Tăng điểm chuẩn là cách nhân văn nhất để bảo vệ quyền lợi cho thí sinh.

Cùng với đó, mùa tuyển sinh 2018 tại Trường CĐ Sư phạm Nghệ An, 3 trong 6 ngành có điểm chuẩn 20 nhưng không có thí sinh nào trúng tuyển. Ông Trần Anh Tư- Phó hiệu trưởng nhà trường cũng phải thừa nhận, các trường CĐSP đang gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh. 3 ngành sư phạm về  Toán học, Ngữ văn, Sinh học mỗi ngành chỉ có vài thí sinh đăng ký nhưng không đủ điểm sàn. Theo ông Tư, sở dĩ các trường CĐ đang gặp vấn đề này là do điểm chuẩn trường ĐH không cao, đã hút hết thí sinh. Số thí sinh có nguyện vọng học ở trường CĐ rất ít; chưa kể đầu ra của các ngành sư phạm đào tạo giáo viên THCS khó khăn, sinh viên ra trường không kiếm được việc làm.

Còn ông  Trần Xuân Hòa- Trưởng phòng đào tạo Trường CĐSP Trung ương cho hay: Trong số 9 ngành của trường, chỉ có ngành Sư phạm Mầm non là chủ chốt và hiện tại trường đã tuyển được gần đủ. Đối với các ngành khác còn lại như Sư phạm Mỹ thuật, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Giáo dục công dân, Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp... dù được giao 20 chỉ tiêu mỗi ngành, nhưng đến nay vẫn chưa đủ thí sinh. Cụ thể, ngành Sư phạm Tin học tuyển được 4 thí sinh, Sư phạm Âm nhạc được 7 thí sinh, Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp được 2 thí sinh…

Chỉ là cá biệt?

Theo thống kê của Bộ GDĐT, tổng chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm năm 2018 là 37.298 thí sinh. Trong đó chỉ tiêu ĐH là 18.589; CĐ là 13.415 thí sinh và hệ TC là 5.304. Năm 2018, cũng là năm đầu tiên Bộ GDĐT đã quy định mức điểm sàn riêng cho các trường sư phạm. Theo đó, thí sinh đăng ký vào các trường ĐH sư phạm phải đạt từ 17 điểm, CĐ sư phạm từ 15 điểm trở lên. Tuy nhiên, với mức điểm sàn này, nhiều trường sư phạm đã không tuyển được thí sinh. Và câu chuyện nâng điểm ảo để “đóng cửa” đào tạo những ngành quá ít thí sinh như nói tới ở trên đã trở thành tâm điểm chú ý. Kết thúc tuyển sinh đợt 1 vừa rồi, nhiều trường sư phạm đã phải công bố xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Xung quanh những bất cập trong việc tuyển sinh vào các ngành sư phạm 2018,  bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) đã chia sẻ: Với những trường sư phạm nâng điểm chuẩn để “đánh trượt” thí sinh, nếu như nói về vi phạm một điều luật cụ thể nào thì trường không vi phạm vì nhà trường có quyền xác định điểm trúng tuyển. Tuy nhiên, điểm trúng tuyển này có phụ thuộc vào nhu cầu tuyển sinh hay không vì rõ ràng là không.

Trong tình thế chỉ có một vài thí sinh trúng tuyển, nhà trường không thể tổ chức mở lớp hoặc không muốn thí sinh phải đợi chờ đến khi nào đủ số lượng thì mới mở lớp thì nhà trường phải có giải pháp. Giải quyết tình thế này chỉ thực hiện ở một số trường cá biệt, chứ không phải là giải pháp giải quyết cho cả hệ thống các trường sư phạm.

Đánh giá về tuyển sinh khối ngành sư phạm 2018, bà Phụng nhận định: Việc tuyển sinh vào các ngành sư phạm vẫn được Bộ GDĐT thực hiện giao chỉ tiêu và quy định điểm sàn. Việc làm này là để xác định rõ quyết tâm của toàn ngành cũng như của các trường ĐH là phải nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo theo đúng nhu cầu xã hội sử dụng. Ngưỡng điểm sàn ngành sư phạm đã được đưa ra chủ yếu là dựa trên các đề xuất, ý kiến từ đại diện các trường sư phạm ở các trình độ ĐH, CĐ, Trung cấp ở các vùng miền. Nhìn chung, các trường đều mong muốn ngành sư phạm có mức điểm sàn ở mức tương đối cao so với các ngành khác. 

Hiện ngành sư phạm cũng như toàn bộ hệ thống giáo dục ĐH đang chuyển đổi từ năng lực của các trường hay là đào tạo theo số lượng phụ thuộc vào năng lực của các trường sang đào tạo theo chất lượng và nhu cầu của xã hội. Và  ở giai đoạn chuyển đổi, chúng ta phải chấp nhận ở mức độ nhất định có những hiện tượng trường sư phạm tuyển sinh không bình thường. Hiện nay, Bộ GDĐT đang cho thống kê số lượng những trường hợp như thế này để có những giải pháp phù hợp đối với toàn hệ thống. Tuy nhiên, Bộ cũng mong muốn các trường sư phạm cũng như dư luận xã hội nên bình tĩnh trước quá trình chuyển đổi vì trong quá trình này sẽ phải có giai đoạn xáo trộn. Nếu không có xáo trộn thì chúng ta không thể đổi mới được.

Theo bà Phụng, trên thực tế, những trường sư phạm “top” trên vẫn đang tuyển sinh tốt, có lượng thí sinh đạt điểm cao vào trường. Còn ở những trường sư phạm top dưới gặp khó khăn nên các trường phải tự thay đổi chức năng, cơ cấu để thích ứng tốt hơn so với nhu cầu của xã hội. Để thu hút nhiều thí sinh đăng ký vào các ngành sư phạm thì cần nhiều giải pháp đồng bộ như vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, biên chế, tiền lương, chính sách đãi ngộ cho giáo viên; vị trí của ngành sư phạm so với những ngành nghề khác... Những vấn đề này cần được giải quyết ở nhiều góc độ và sự vào cuộc từ địa phương và nhiều Bộ, ngành.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, để xảy ra tình trạng bất cập trong tuyển sinh sư phạm kéo dài, thực chất là do thiếu sự quản lí ở cấp vĩ mô. Do đó, cần sớm quy hoạch lại các trường ĐH nói chung và khối trường sư phạm nói riêng theo hướng ưu tiên đảm bảo chất lượng và đào tạo theo đúng nhu cầu địa phương. Quyết liệt quy hoạch, sẽ giảm bớt khó khăn cho người học và tránh lãng phí cho xã hội.    

Dung Hòa
Nguồn:daidoanket.vn – 20/08/2018

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]