Kỳ thi đánh giá năng lực: Có thực sự đổi mới thi và đánh giá học sinh?
03/06/2015
ĐH Quốc gia Hà Nội vừa kết thúc kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 để lấy kết quả xét tuyển vào hệ đại học chính quy, qua 8 ca thi, số thí sinh đến dự thi vẫn đạt xấp xỉ 96%. Vậy, điều gì làm nên sự thành công này? liệu kỳ thi này có thực hiện được mục tiêu đổi mới giáo dục?
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) về vấn đề này.
Hạn chế tối đa tiêu cực
Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1, đạt xấp xỉ 96% thí sinh đến thi, đây có lẽ là con số kỷ lục của các kỳ thi vào đại học từ trước tới nay. Vậy, công tác chuẩn bị của kỳ thi như thế nào thưa ông?
Chúng tôi đã có kế hoạch chuẩn bị cho kỳ thi này từ năm 2011. Và, từ ngày 25/3/2015 đến ngày 15/4/2015, ĐHQGHN chính thức mở cổng đăng ký dự thi đánh giá năng lực. Theo thống kê, có 45.350 thí sinh đăng ký dự thi đợt 1 trong đó có 14.606 thí sinh đăng ký dự thi cả bài thi đánh giá năng lực và bài thi môn Ngoại ngữ.
Tất cả máy tính được sử dụng để phục vụ kỳ thi đều đã được lựa chọn kỹ lưỡng để đảm bảo hoạt động tốt nhất. ĐHQGHN đã sử dụng 7497 máy tính cho kỳ thi (gồm cả máy tính dự phòng).
Các khâu chuẩn bị, thẩm định và thử nghiệm bộ đề thi, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, cán bộ coi thi đã hoàn tất trước kỳ thi đúng thời hạn. Mỗi thí sinh làm một đề thi riêng do máy tính tổ hợp từ bộ cơ sở dữ liệu đề nguồn.
Đề thi bao gồm 2 phần trắc nghiệm: phần bắt buộc và phần tự chọn. Độ khó của các câu hỏi thi thuộc mỗi phần được phân định theo tỉ lệ: 20% ở cấp độ dễ, 60% ở cấp độ trung bình và 20% ở cấp độ khó. Tổng số câu hỏi thí sinh phải thực hiện là 140 câu, tổng thời gian làm bài là 195 phút.Thí sinh biết điểm ngay khi hoàn tất bài thi.
Qua 4 ngày thi (từ 30,31/5 và 1,2/6), tỷ lệ thí sinh dự thi đánh giá năng lực ổn định ở mức trên 96% qua các ca thi. Với kết quả trên cho thấy kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN theo phương thức mới đã được xã hội đồng tình ủng hộ và hưởng ứng cao. Đây cũng là tỷ lệ thí sinh đến dự thi tuyển sinh vào ĐHQGHN cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Các thí sinh đã nhập cuộc chủ động, nghiêm túc và thích ứng tốt với hình thức thi trên máy tính.
Hình thức thi mới này đã giúp hạn chế tối đa các tiêu cực trong thi cử, thí sinh không trông chờ sự hỗ trợ từ bên ngoài, cũng không có em nào cố ý gây ra những trở ngại dù là nhỏ nhất trong quá trình thi. Không còn cảnh thí sinh mang phao vào phòng thi, vứt phao bừa bãi sau khi thi.
Trong những ngày thi có sảy ra sự cố nào mà ĐH QGHN chưa lường trước được?
Trong các ngày thi, duy chỉ có 1 trường hợp thí sinh ở Nghệ An phải chuyển ca thi vì lý do sức khỏe, nhưng các cán bộ y tế phục vụ kỳ thi đã hỗ trợ thí sinh kịp thời. Các thí sinh thao tác sai trong quá trình làm bài thi hay gặp sự cố máy tính đã được chuyển sang ca thi tiếp theo.
Số thí sinh phải chuyển ca thi tập trung nhiều tại 3 cụm thi ở Hà Nộ. Tại các cụm thi ở Nghệ An, Đà Nẵng hay Thái Nguyên… số thí sinh chuyển ca thi rất ít. Điều đó chứng tỏ trình độ công nghệ thông tin không phải là trở ngại lớn với các em thí sinh ở vùng sâu vùng xa. Trong quá trình thi, có một số thí sinh bị kỷ luật, đình chỉ thi do lỗi mang điện thoại vào phòng thi. Hội đồng tuyển sinh đã yêu cầu giám thị kịp thời nhắc nhở thí sinh cần tuân thủ quy chế thi để không xảy ra tình huống tương tự.
Đa số các thí sinh dự thi đều mong muốn lấy kết quả xét tuyển vào các ngành đào tạo của ĐHQGHN. Có một phần cũng vì tò mò, muốn trải nghiệm hình thức thi mới. Trong quá trình thi, hầu hết các em rất hợp tác, nghiêm túc và tuân thủ hướng dẫn của cán bộ coi thi và Quy chế thi.
Trước khi thi, nhiều thí sinh đã tìm hiểu thông tin về kỳ thi này Các em đã có sự chuẩn bị trước về kỹ thuật, kỹ năng; được làm thử bài thi đánh giá năng lực trên mạng. Hơn nữa, quy trình, hình thức giao diện, tương tác phần mềm phù hợp với thực tế trình độ của thí sinh.
Sau khi thi, đa số thí sinh đều cho rằng hình thức thi mới tiện lợi, công bằng, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức rộng và đánh giá đúng, toàn diện năng lực của từng người.
Trong 7 địa phương, không có cụm thi nào bị sự cố về điện, máy chủ và đường truyền. Không có trường hợp nào bị dừng, chuyển cả ca thi vì lý do kỹ thuật. Tổng số 7497 máy tính được huy động sử dụng (cả chính thức và dự phòng) chỉ có một số ít máy tính phát sinh lỗi trong quá trình vận hành. Các vấn đề như an ninh, y tế, trật tự đã được đảm bảo.
Đề thi phân hóa thí sinh
Sau khi làm bài, nhiều thí sinh cho rằng đề thi tuy có phần dễ những vẫn có nhiều câu hỏi đánh đố không có trong sách giáo khoa, như vậy sẽ không có sự công bằng cho thí sinh?
Đánh giá năng lực toàn diện là phương thức tuyển sinh tiên tiến, được áp dụng ở nhiều nền giáo dục lớn trên thế giới. Đây là phương thức nhằm đảm bảo lựa chọn được những ứng viên có năng lực học tập, tư duy logic, khả năng lập luận, phân tích kiến thức tổng hợp,...
Qua phân tích kết quả tại các điểm thi có thể thấy tỷ lệ trên 70% tổng số thí sinh đạt được điểm trung bình trở lên như vậy chứng tỏ tỷ lệ các câu hỏi khó, dễ là hợp lý, khả năng phân loại thí sinh của bộ đề là tốt. Sự phân hóa thí sinh cũng khá rõ ràng, bảo đảm yêu cầu đặt ra. Thí sinh tỏ ra hào hứng với cách ra đề. Qua xem xét sơ bộ, đã có 2 thí sinh đạt 125/140 điểm.
Rút kinh nghiệm ở đợt thi này, chúng tôi tiếp tục bổ sung, điều chỉnh trong vài năm tới để kỳ thi hoàn thiện hơn ở tất cả các khâu, từ phần mềm đến các quy chế tuyển sinh, quy trình thao thác và kể bộ đề, cấu trúc đề, ma trận đề.
Hiện nay các nội dung bộ đề đề cập đến nằm trong chương trình phổ thông, chủ yếu lớp 12. Có thể, trong các năm sau, sẽ đưa nội dung câu hỏi xã hội không có trong chương trình học vào đề thi. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng giữ ổn định phương thức tuyển sinh này trong những năm tới và sẽ thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Với số lượng thí sinh dự thi đông như vậy, công tác xét tuyển được thực hiện như thế nào thưa ông?
Nguyên tắc xét tuyển của kỳ thi này là sử dụng kết quả bài thi ĐGNL đợt 1 để xét tuyển đợt 1. Ngành học nào còn chỉ tiêu sẽ sử dụng kết quả bài thi ĐGNL đợt 1 và đợt 2 để xét tuyển bổ sung.
Hội đồng tuyển sinh (HĐTS) các đơn vị đào tạo căn cứ quy định về tiêu chí và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào bài thi ĐGNL là 70 điểm trở lên để xây dựng điểm trúng tuyển vào đơn vị mình theo phương án tuyển sinh đã được phê duyệt. Điểm trúng tuyển đợt xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1.
HĐTS các đơn vị công bố điểm xét tuyển vào các ngành học của đơn vị mình trước ngày 07/6/2015 và của đợt 2 trước ngày 09/8/2015. Riêng đối với HĐTS trường ĐH Ngoại ngữ công bố điểm xét tuyển vào các ngành học của trường là điểm bài thi môn ngoại ngữ; HĐTS khoa Y Dược công bố điểm xét tuyển vào các ngành học của khoa là điểm bài thi ĐGNL bao gồm điểm phần bắt buộc và điểm khối kiến thức khoa học tự nhiên. Thời hạn kết thúc việc xét tuyển các đợt trước ngày 05/9/2015.
Theo ông, thành công của kỳ thi này có thực sự mang lại “làn gió mới” cho các kỳ thi sau, không chỉ riêng ở ĐH QGHN mà mở rộng hơn ở các trường đại học khác?
Đổi mới tuyển sinh theo phương thức Đánh giá năng lực (ĐGNL) ở ĐHQGHN là giải pháp mang tính đột phá và cần thiết cũng như thể hiện được vai trò tiên phong của ĐHQHN trong việc thực hiện Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Kỳ thi đánh giá năng lực được Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong lộ trình đổi mới thi và đánh giá học sinh.
Từ kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1, có thể khẳng định đây là thành công bước đầu của ĐHQGHN trong nỗ lực đổi mới thi cử theo hướng ngày càng khách quan, chính xác, công bằng, minh bạch, thuận tiện, đỡ tốn kém, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và cả xã hội.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Hồng Hạnh (thực hiện)
Nguồn: dantri.com.vn