Chưa giảm áp lực ôn luyện thi cử
01/06/2015
Chỉ còn đúng 1 tháng nữa, hơn 1 triệu thí sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia quan trọng. Bộ GD-ĐT mong muốn kỳ thi đổi mới này sẽ góp phần giảm áp lực thi cử cho thí sinh, trường học và đỡ tốn kém cho xã hội.
Thế nhưng, khảo sát nhanh cho thấy áp lực học thêm và tình trạng tăng tốc ôn luyện, nhồi nhét kiến thức vẫn chưa thực sự giảm nhiệt.
Sao dám để học sinh của mình thi rớt?
So với thời điểm “nóng” - chuẩn bị các kỳ thi ĐH, CĐ trước đây thì năm nay các “lò luyện thi” cấp tốc ở TPHCM đã hạ nhiệt, không còn khuếch trương rầm rộ. Nguyên do là nguồn thí sinh từ các tỉnh không còn đổ về nườm nượp như trước và thí sinh tự do cũng không nhiều. Hơn nữa, kỳ thi THPT quốc gia năm nay có nhiều đổi mới nên các trường cũng giữ học sinh của mình để ôn luyện cho sát yêu cầu. Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố quy chế kỳ thi hai chung và ban hành mẫu cấu trúc đề thi của 8 môn thi, các trường THPT đều tăng tốc ôn luyện cho học sinh, tập trung cao độ vào giữa tháng 4 và hết tháng 5. Trong tháng 6 - chuẩn bị giai đoạn nước rút, nhiều trường THPT ở TPHCM vẫn tiếp tục có kế hoạch ôn luyện nhưng cho học sinh đăng ký trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc. Tuy nhiên, trước kết quả thi thử kỳ thi THPT quốc gia do TPHCM tổ chức mới đây có nhiều học sinh bị điểm liệt, thậm chí có cả điểm 0, nhiều trường càng chú trọng ôn tập cho đối tượng thí sinh có vấn đề đáng lo này.
Tuy lĩnh hội tinh thần đổi mới thi cử, không tạo áp lực cho thí sinh nhưng trên thực tế, lãnh đạo trường THPT nào cũng lo lắng và giáo viên bộ môn nào cũng phập phồng, tâm lý bất an. Bởi lẽ, nỗi lo chung là học sinh của mình có thích ứng với yêu cầu đổi mới, ra đề mở, đòi hỏi khả năng sáng tạo, vận dụng kiến thức linh hoạt, tích hợp vào bài làm hay không? Hiệu trưởng một trường THPT ở TPHCM bộc bạch: “Lãnh đạo Bộ GD-ĐT tuyên bố kỳ thi này sẽ giảm áp lực, nhưng thực chất lo nhiều hơn, áp lực lớn hơn vì không biết đề thi phân hóa trình độ và mức độ liên thông từ dễ đến khó như thế nào?
Để ứng phó với thi cử, nhiều trường vẫn áp dụng chiêu cũ, ôn luyện theo kiểu nhồi nhét, bắt giải đề mẫu, đề nâng cao càng nhiều càng tốt. Thậm chí có trường THPT bắt thí sinh kiểm tra kiến thức liên tục và ai đạt từ 6 điểm trở xuống thì tiếp tục học thêm ca 2, thậm chí là ca 3 nếu bài kiểm tra chưa đạt yêu cầu. Một hiệu trưởng thừa nhận: “Ai dám để học trò của mình thi rớt, nhất là tốt nghiệp THPT? Để các em thích ứng với kỳ thi có nhiều điểm đổi mới, yêu cầu của đề thi vào ĐH đòi hỏi cao hơn thì không thể không ôn luyện, giải đề nhiều hơn…”. Như thế, dù vì thành tích lớn hay nhỏ, các trường THPT đều cảm thấy áp lực vẫn căng chứ không hề giảm.
Học thêm, ôn luyện tốn bao nhiêu?
Về phía học sinh lớp 12, khảo sát ở các điểm học thêm từ nhà thầy cô đến trung tâm luyện thi cho thấy đa phần đều có tâm lý lo ngại, kể cả thiếu tự tin vì lần đầu thử sức với kỳ thi hai trong một có nhiều điểm mới. Vì thế, hầu hết sĩ tử đều phải tăng tốc học thêm, ôn luyện nhiều hơn. Không chỉ học tại trường, nhiều em đăng ký học thêm ở các trung tâm luyện thi có uy tín hoặc tầm sư ở những chuyên gia giỏi, thầy cô chuyên luyện thi ĐH. Theo học Trung tâm bồi dưỡng văn hóa của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong từ năm lớp 11 đến nay, một học sinh lớp 12 Trường THPT Trưng Vương cho biết: “Học ở trường em không hiểu sâu kiến thức và không thể giải bài tập các môn Toán, Lý, Hóa nên phải đăng ký học thêm ở trung tâm này. Lớp 12 của em đa phần các bạn đều học thêm các môn theo khối thi ĐH…”.
Theo nhiều học sinh ở các trường THPT ở TPHCM, nếu không học thêm những môn thi theo khối thi truyền thống thì không thể làm bài tập nâng cao, có độ khó như cấu trúc đề thi mẫu năm nay. Nếu học ở trung tâm văn hóa ngoài giờ thì mỗi môn học có học phí bình quân khoảng 500.000 đồng/tháng đến 700.000 đồng/tháng; còn học theo nhóm nhỏ hoặc một thầy kèm một trò thì giá cả dao động từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/môn/tháng. Tính chung, mỗi học sinh phải tốn từ vài triệu đến trên dưới 10 triệu đồng cho 3 - 4 môn học thêm.
Nhìn tổng quan, tâm lý khoa bảng, bệnh thành tích và giấc mơ có được tấm vé vào ĐH vẫn phủ sóng từ nhà trường đến từng gia đình và toàn xã hội. Thử hỏi có bao nhiêu phụ huynh, học sinh thay đổi tư duy chọn nghề nghiệp tương lai theo năng lực, sở trường? Thử hỏi có bao nhiêu trường học dám tự tin với kết quả kỳ thi THPT quốc gia đo đúng năng lực, thực lực chất lượng sản phẩm do mình đào tạo? Đừng vì chạy theo thành tích học sinh của mình phải đỗ tốt nghiệp THPT 100% hoặc đậu ĐH, CĐ cao nên bắt các sĩ tử phải ôn luyện, nhồi nhét kiến thức quá nhiều. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, vì học thêm, ôn luyện quá nhiều và không tự học nên dù đậu ĐH với điểm số cao nhưng nhiều sinh viên không theo kịp chương trình đào tạo, học thụ động, thiếu sáng tạo, thậm chí bỏ học vì ngành nghề lựa chọn không phù hợp. Như thế hệ lụy của căn bệnh học thêm, nhồi nhét kiến thức sẽ đẩy học sinh đến đâu và chúng ta có cần một thế hệ trẻ chỉ giỏi kiến thức nhưng thiếu kỹ năng sống linh hoạt, khả năng sáng tạo ở thế kỷ 21 hay không?
KHÁNH BÌNH
(sggp.org.vn)