Đề thi THPT quốc gia có câu hỏi từ dễ đến khó
27/05/2015
Hôm qua 26.5, trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Đề thi chính thức kỳ thi THPT quốc gia sẽ không trộn lẫn câu hỏi khó, dễ mà phân định rõ ràng từ dễ đến khó, từ cơ bản đến nâng cao mặc dù tỷ lệ giữa 2 nhóm câu hỏi này không thay đổi”.
Cụ thể, tỷ lệ điểm dành cho mức độ cơ bản chiếm khoảng 60% tổng số điểm, nâng cao chiếm khoảng 40% để đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh (TS). “Tuy nhiên, đề thi cũng không phân định rõ phần câu hỏi nào dành để tốt nghiệp THPT, phần nào để tuyển sinh ĐH, CĐ như một số ý kiến vẫn băn khoăn”, Thứ trưởng Ga khẳng định.
Có sự thay đổi này, theo ông Ga, là do sau khi đề thi minh họa đưa lên mạng, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ đã phân công một bộ phận phân tích chi tiết cụ thể những ý kiến góp ý. Việc phân định rõ câu hỏi trong đề thi từ dễ đến khó nhằm giúp TS dễ hình dung, không bị bối rối khi đọc đề và làm bài. Tùy vào khả năng của mình, TS sẽ lựa chọn những câu hỏi phù hợp nhất để làm trước.
Trước đó, trong đề thi minh họa và trả lời báo chí, lãnh đạo Bộ luôn khẳng định không phân định câu hỏi dễ và khó trong đề thi mà tất cả các câu hỏi khó dễ đều được trộn lẫn cũng như nằm rải rác trong đề.
Liên quan đến việc Bộ bổ sung hướng dẫn cho phép TS được đổi nguyện vọng về môn thi tự chọn (ngoài 3 môn bắt buộc), ghi nhận của Thanh Niên tại Hà Nội, học sinh có vẻ khá hờ hững với quy định này. Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết đến ngày 26.5 vẫn chưa có trường hợp nào báo cáo lên Sở về việc xin đổi nguyện vọng chọn môn thi, chỉ có một số ít xin thay đổi cụm thi nhưng điều này không được phép.
Bà Nguyễn Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội cho hay sở dĩ không có học sinh nào đổi môn thi vì ngoài 3 môn bắt buộc không thể đổi (toán, văn, ngoại ngữ) thì môn tự chọn mà các em đã đăng ký đều là những môn ứng với khối thi ĐH truyền thống học sinh đã chọn và ôn tập từ rất lâu rồi.
Tình hình tương tự tại TP.HCM. Theo bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1), trường tổ chức bộ phận tiếp nhận hồ sơ chỉnh sửa của TS. Tuy nhiên, bà Minh Tâm cho hay không thấy học sinh của trường có nhu cầu chỉnh sửa hay thay đổi môn thi. Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), ông Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng, thông tin: “Trường chưa nhận được phiếu chỉnh sửa hồ sơ của học sinh và TS tự do”.
Tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, trong những ngày qua có khoảng 20 TS đề nghị chỉnh sửa thông tin. Ban đầu, vì chưa nắm rõ thông tin, một TS đến đề nghị chỉnh sửa hồ sơ bị từ chối. Tuy nhiên, sau đó TS này đã được hướng dẫn đến tận đơn vị phụ trách cụm thi (Trường ĐH Sài Gòn) để chỉnh sửa. Theo thống kê, đa số TS đến đây đề nghị bổ sung môn thi. Tất cả những TS này đều hướng dẫn đến các trường phụ trách cụm thi để chỉnh sửa. Đặc biệt có đến 5 trường hợp đã đăng ký đến 8 môn thi và đề nghị... bỏ bớt môn thi. Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng, trong hai ngày qua chưa đến 10 TS đến chỉnh sửa hồ sơ. Trường ĐH Sài Gòn cũng mới chỉ tiếp nhận một TS đề nghị chỉnh sửa do dữ liệu sai so với CMND.
Trường ĐH Cần Thơ cũng chỉ nhận được vài yêu cầu chỉnh sửa hồ sơ. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM nhận được 4 yêu cầu chỉnh sửa thông tin cá nhân. Trường ĐH Y Dược TP.HCM chỉ nhận được vài đề nghị chỉnh sửa.
Còn Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM nhận được 13 đề nghị chỉnh sửa hồ sơ. ĐH Quốc gia TP.HCM thì chưa nhận được bất kỳ yêu cầu chỉnh sửa nào.
T.Nguyễn - Đ.Nguyên - B.Thanh
(thanhnien.com.vn)