Bản tin » Hướng nghiệp - Chọn nghề

Hãy chọn nghề phù hợp với sở trường và xu thế thời đại

Làm thế nào để khởi nghiệp là trăn trở của nhiều người. Đa số thanh niên hiện nay đều có nguyện vọng phải vào được đại học để tiến thân. Liệu có phải cứ nhất thiết phải học đại học, cao đẳng? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội - Bộ LĐTB&XH.

 

- Là người đứng đầu cơ quan chuyên nghiên cứu về tình hình lao động tại Việt Nam, Tiến sĩ có thể đưa ra những đánh giá về chất lượng lao động  hiện nay ?

 

- Theo các khảo sát, đánh giá của Viện chúng tôi, lao động của Việt Nam đang được thế giới đánh giá cao về sự cần cù, chịu khó cũng như tính sáng tạo. Tuy nhiên, lao động của chúng ta vẫn còn những điểm yếu: 

 

Thứ nhất: Số lượng lao động qua đào tạo và đào tạo nghề ở trình độ cao còn thấp so với thế giới, mới đạt khoảng trên 10%. Trong khi đó, ở các nước công nghiệp mới (NIC), tỷ lệ này chiếm khoảng 60-70% các nước G7 là 80-90%. 

 

Thứ hai: Tính năng động, thích ứng trong kinh tế thị trường, với những đổi thay của công nghệ của nhiều lao động chưa nhanh. Thị trường lao động của chúng ta còn rất nhỏ, lực lượng lao động làm công ăn lương chiếm khoảng 26%. Do vậy, rất nhiều trong số họ bị thụ động, mất đi tính sáng tạo của mỗi cá nhân.

 

- Vậy với những đặc điểm ấy, khi tham gia thị trường nhân lực quốc tế, lao động Việt Nam sẽ gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

 

- Về thuận lợi, có ba điểm chủ yếu.

 

Một là, tranh thủ được vốn, kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật, công nghệ của nước ngoài đầu tư tạo việc làm chất lượng cao và đào tạo nhân công trình độ cao cho Việt Nam.  

 

Hai là, người lao động có cơ hội học hỏi nhiều hơn, tiếp cận với những môi trường làm việc lý tưởng và thu nhập sẽ cao hơn. 

 

Ba là, chúng ta sẽ có được sự quan tâm sâu sắc hơn của các tổ chức quốc tế về các vấn đề mang tính toàn cầu như xóa đói giảm nghèo, dịch bệnh, thiên tai...

 

Nhưng bên cạnh một số thuận lợi là những thách thức vô cùng lớn. Nếu chúng ta không thích nghi tốt, chương trình đào tạo, hệ thống bằng cấp của ta không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, rất có thể thanh niên Việt Nam không có việc làm, phải đứng nhìn lao động từ các nước vào nước ta làm việc và hưởng lương rất cao... 

 

- Với thực tế như hiện nay, theo ông con đường “lập thân” nào là thích hợp nhất đối với những thanh niên chưa biết bắt đầu từ đâu?

 

- Mỗi người phải tự định hướng cho tương lai của mình. Phải biết điểm mạnh, điểm yếu và hoàn cảnh của bản thân, gia đình,  mình phù hợp với ngành nghề nào mà thị trường lao động đang cần. Nếu không đỗ đại học thì việc học nghề là sự lựa chọn thông minh nhất. Học nghề đúng sở trường của mình, phù hợp với xu thế của thời đại sẽ có cơ hội phát triển. Sau khi đi làm, nhiều người vẫn có thể tiếp tục đi học đại học bởi có rất nhiều chương trình đào tạo mở rộng như hiện nay.

 

- Vậy, ông có thể giúp họ tìm ra những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong thời gian tới?

 

- Theo tôi, các ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn ở thời điểm này và trong tương lai gần sẽ là những ngành công nghệ cao như: kỹ sư tự động hóa, công nghệ thông tin, viễn thông chuyên gia công nghệ sinh học ứng dụng (nuôi cấy mô, vi sinh vật, nuôi trồng thủy sản) nhân lực trình độ cao về các ngành dịch vụ kinh tế như kế toán, marketing, kiểm toán, ngân hàng, thị trường chứng khoán, bảo hiểm...

 

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh là làm ngành gì cũng phải thật vững chuyên môn, thành thạo kỹ năng thực hành và đặc biệt lưu ý đến trình độ ngoại ngữ, tin học. Nó chính là một nguồn tài nguyên vô tận phục vụ cho việc phát triển tay nghề của mỗi người lao động.

 

- Xin cảm ơn ông !

 

Q.A thực hiện (Báo Hà Nội Mới)

Tin cùng chuyên mục

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]