Hoang mang chọn nguyện vọng lớp 10 cho con
04/05/2013
Cha mẹ bỏ một đống tiền thuê giáo viên, con cái dốc sức học ngày học đêm, nhưng chuyện thi được vào lớp 10 ở Hà Nội vẫn chứa đầy rủi ro. Vì thế, chuyện chọn nguyện vọng nào để vừa ăn chắc nhưng không… “hớ” cũng khiến các bậc phụ huynh mất ăn mất ngủ.
Học càng giỏi, càng khó chọn trường
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có hướng dẫn về việc tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2013 - 2014. Theo đó, mỗi học sinh có thể được đăng ký tới 4 nguyện vọng, trong đó 2 nguyện vọng trường chuyên và 2 nguyện vọng vào trường thường. Thế nhưng, quyết định chọn trường nào lại là điều không dễ dàng gì đối với các bậc phụ huynh.
Theo tâm lý, ai cũng muốn con mình vào được một trường trung học phổ thông công lập có tiếng một chút ở Hà Nội. Cũng chẳng phải họ muốn chạy đua vì bệnh thành tích hay sự hãnh diện hão huyền, mà bởi ngày nay môi trường xã hội, trong đó có cả môi trường giáo dục khá phức tạp, nếu không cẩn thận, con cái họ có thể “hỏng” chỉ vì không được học hành trong một môi trường tốt.
“Cái tuổi 15-16 là tuổi có tâm lý hết sức phức tạp. Lúc này, chúng chưa phải là người lớn, nhưng lại không còn tự coi mình là trẻ con nữa. Chúng cũng rất dễ bị bạn bè xấu lôi kéo. Nhiều đứa trẻ học cấp II rất ngoan, nhưng lên đến lớp 10 là bắt đầu thay đổi. Vì vậy, việc chọn cho con vào một trường tốt là cực kỳ quan trọng” - chị Phương, một phụ huynh có con chuẩn bị thi vào lớp 10 chia sẻ.
Tuy biết vậy, nhưng với những học sinh có học lực vào dạng “thường thường” thì việc quyết định lựa chọn trường có lẽ không quá khó, bởi ngay từ đầu họ đã chấp nhận tìm một trường phù hợp với năng lực của con mình. Nhưng với những học sinh khá giỏi thì lại không hề đơn giản. Với tâm lý lo lắng cho con như của chị Phương, nhiều bậc phụ huynh đã cố hướng con mình vào một số trường “top” của Hà Nội.
Hướng đầu tiên mà họ chọn là các trường chuyên như Chu Văn An, Amsterdam, Nguyễn Huệ, chuyên Sư phạm, chuyên ngữ, Tổng hợp... Tuy nhiên, trường thì có hạn, mà học sinh thì đông, nên tỷ lệ “chọi” của những trường này rất cao. Nhiều học sinh dù là học vào loại giỏi, thậm chí có giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quận và Thành phố nhưng vẫn bị “trượt vỏ chuối” như thường.
Điều đáng lo với các bậc phụ huynh là với những học sinh này, thường thì nguyện vọng 1 trường công là những trường rất cao, như Chu Văn An, Phan Đình Phùng, Kim Liên… Theo như thống kê những năm gần đây thì trường Chu Văn An có điểm chuẩn là 56, trừ đi 4 năm học sinh giỏi (được cộng thêm 20 điểm) và 1,5 điểm thi nghề đoạt lại giỏi, như vậy, tổng điểm hai môn văn và toán ít nhất phải đạt 17,75 điểm (toán 9,5 và văn phải được 8,25 điểm). Còn với trường Phan Đình Phùng, Kim Liên, Thăng Long, Yên Hòa... có số điểm đầu vào là khoảng 54 thì toán và văn, một môn phải được 8,5 và môn kia phải được khoảng 8 điểm. Đây là những số điểm không phải lúc nào cũng an toàn với ngay cả những học sinh giỏi, nhất là môn văn.
Nguyện vọng 2 thường được chọn ở những trường thuộc top thấp hơn, nhưng do quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, khi xét nguyện vọng 2 phải cộng thêm 1,5 điểm so với điểm chuẩn nên nhiều trường hợp khi trượt trường chuyên thì cũng trượt luôn trường công. Đây chính là điểm khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Và thời điểm này là lúc mà các bậc phụ huynh căng thẳng nhất trong việc quyết định chọn trường cho con. Lên mạng, hỏi kinh nghiệm bạn bè, trao đổi với thầy cô giáo hay trực tiếp đến các trường trung học phổ thông để tìm hiểu là cách mà các bậc phụ huynh đang làm.
Làm thế nào để “an toàn”?
Theo những người có kinh nghiệm chia sẻ, với những học sinh có học lực giỏi, nên chọn mục tiêu số 1 là các trường chuyên và để an toàn, nguyện vọng 1 trường công nên chọn trường thuộc top 2 (có điểm chuẩn vào khoảng 50 điểm như Phạm Hồng Thái, Đoàn Kết...). Tuy nhiên, nếu chọn như vậy, nhiều người lại cảm thấy quá phí công sức đèn sách của trẻ trong suốt 4 năm trời và “nhỡ” thi được điểm cao thì lại... tiếc.
Trong khi đó, một yếu tố khác cũng rất đáng quan tâm, đó là khoảng cách từ nhà đến trường. Một số phụ huynh đã có con tốt nghiệp trung học phổ thông chia sẻ, nếu không vào được các trường chuyên thì tốt nhất là nên chọn trường gần nhà.
“3 năm học cấp 3 mà phải đi xa là điều rất mệt mỏi và “nguy hiểm”. Các con đi học thêm nhiều, lại không có bán trú. Buổi trưa ăn uống vật vạ thì không đảm bảo sức khỏe. Hơn nữa, có rất nhiều cạm bẫy đối với bọn trẻ ở tuổi này nên tốt nhất là chọn trường gần nhà. Các con có thể về nhà ăn trưa, nghỉ ngơi để lấy sức chiều đi học tiếp” - chị Minh (Trung Hòa, Nhân Chính) chia sẻ.
Với băn khoăn của những phụ huynh có con học giỏi, có một điều “an ủi” là ở các trường dù là không có tiếng tăm thì vẫn có những lớp chọn. Đây cũng là một mục tiêu nhắm tới của nhiều phụ huynh. Nếu chọn nguyện vọng một ở những trường này, những học sinh có học lực tốt sẽ rất an toàn và đặc biệt, các cô cậu có cơ hội trở thành “mì chính cánh”, thành “hạt giống” của trường.
“Với cơ chế giáo dục như hiện nay, dù có học trường nào thì các con cũng phải chạy sô học thêm khắp nơi. Vì vậy, đừng quá quan trọng chọn trường nào mà điều cần nhất là sự quan tâm sát sao của phụ huynh. Ở những trường nổi tiếng vẫn có học sinh hư và trượt đại học, còn ở những vùng nông thôn vẫn có nhiều học sinh xuất sắc, đỗ thủ khoa đại học. Vì vậy, đừng cố tạo áp lực cho con cái về mục tiêu chọn trường khi thi vào lớp 10” - một giáo viên trường chuyên Armsterdam đưa ra lời khuyên.
Tuệ Khanh
Nguồn: VnMedia.vn