Chọn nhiều người học hay chất lượng? - Kỳ 3
26/04/2013
Kỳ 3: Tránh rủi ro và đảm bảo công bằng
Cuộc tranh luận giữa một kỳ thi chung hay riêng theo đặc thù của từng trường dường như vẫn chưa có kết thúc khi cả hai đều có những điểm mạnh, yếu khác nhau.
Cải tiến “3 chung”
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Phó trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: “Hình thức tuyển sinh thống nhất toàn quốc những năm qua cơ bản đã đáp ứng một phần mục tiêu lựa chọn sinh viên, tạo cơ sở cho các trường ĐH tuyển chọn được người học phù hợp với định hướng đào tạo của mình. Tuy nhiên, cách này bộc lộ những hạn chế như: Nội dung đề thi tập trung vào kiểm tra khối lượng kiến thức chứ chưa coi trọng việc đánh giá năng lực suy luận, tư duy và sáng tạo của thí sinh - điều cần thiết cho việc học ĐH. Kỳ thi chỉ với 3 môn/khối thi so với tổng số hơn 10 môn học chính ở bậc phổ thông đã tạo ra xu hướng học lệch, hạn chế sự phát triển toàn diện của học sinh”.
Từ thực tế này, tiến sĩ Chính cho rằng: “Phải mất rất nhiều thời gian và công sức (hơn 10 năm và hàng ngàn tỉ đồng) chúng ta mới có thể tổ chức được một kỳ thi chung, thống nhất cho toàn quốc nên không thể bỏ đi một cách phí phạm được. Cần phải cải tiến nội dung và cách thức của kỳ thi tuyển sinh hiện tại. Chỉ cần điều chỉnh để kỳ thi đánh giá được năng lực học ĐH đồng thời định hướng học tập đúng đắn cho thí sinh. Không coi kết quả kỳ thi này là tiêu chí duy nhất để xét tuyển, mà bổ sung các tiêu chí khác phù hợp với đặc thù của từng trường. Đặc biệt, cần giao quyền tự chủ trong xét tuyển cho các trường”.
GS-TS Vũ Minh Giang, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng nói: “Kỳ thi “3 chung” hiện nay không có lỗi, vấn đề nằm ở cách thức thi tuyển. Cách kiểm tra hiện nay chỉ đòi hỏi thí sinh phải nhớ và học thuộc lòng kiến thức nên dễ kéo theo căn bệnh học tủ và quay cóp. Người đạt điểm cao trong kỳ thi chưa chắc là người giỏi nhất, mà có khi là người “trúng tủ” nhất. Do vậy, căn bản phải thay đổi cách thức thi để thí sinh không còn thi theo kiểu học thuộc lòng. Tuy nhiên, với nhiều trường ĐH mới và non trẻ như ta hiện nay, việc tổ chức một kỳ thi chung quốc gia vẫn rất cần thiết”.
Tương tự, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nêu ý kiến: “Kỳ thi “ba chung” ngẫm cho cùng vẫn có những cái hay, nhất là khâu chung đề và chung đợt, tránh tình trạng trường tự ra đề, tự tổ chức ôn luyện thu hút thí sinh. Tuy nhiên, khâu xét tuyển những năm gần đây ngày càng phức tạp và rối rắm. Tôi nghĩ rằng, vẫn nên giữ kỳ thi “2 chung” (chung đề, chung đợt) do Bộ tổ chức nhưng không chung kết quả xét tuyển, thí sinh thi vào trường nào thì xét tuyển và học ở trường đó thôi”.
Kiểm soát chất lượng ở đầu ra
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập), lại cho rằng cách làm hiện nay của Bộ rất nửa vời, thiếu cơ sở khoa học nên rối rắm, cản trở sự phát triển của các trường. Theo tiến sĩ Phương Anh, việc kiểm soát chất lượng các trường nên ở đầu ra chứ không phải chặn đầu vào. Tuy nhiên, tiến sĩ Phương Anh cũng cho rằng: “Tôi đồng ý là đối với một số trường thì cần tuyển lựa cẩn thận ngay từ đầu vào. Đó là những trường có mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước, đào tạo ra các nhà khoa học cho những lĩnh vực quan trọng hoặc những trường có sứ mạng riêng (ví dụ các trường thuộc quân đội, y dược, âm nhạc, hội họa...). Những trường này rõ ràng là cần có một kỳ thi ĐH nghiêm nhặt, nhưng thông thường thì mỗi trường như thế sẽ có những đặc thù riêng mà một kỳ thi “3 chung” cho tất cả mọi trường sẽ không đáp ứng được”. Về việc dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH, bà Phương Anh phân tích: “Nếu cho rằng kỳ thi này quá dễ nên ai cũng có thể đậu thì vẫn có thể dùng cho việc chọn lọc khi tuyển sinh, và chỉ cần đặt mức điểm đậu riêng cho từng loại trường. Ví dụ, để xét vào trường y thì phải đạt 40/60 điểm trở lên và các môn hóa, sinh phải trên 8 điểm chẳng hạn (đây chính là sàn), còn những trường khác nếu cần hoặc nếu người học có nhu cầu thì có thể tuyển đến điểm trung bình (30/60)”.
Cùng quan điểm này, GS-TS Đặng Hữu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà, giải thích lý do trường đề xuất phương án xét tuyển riêng. Ông Hữu nói: “Lâu nay điểm sàn trong kỳ thi theo hướng “3 chung” không đánh giá hết được người học, vẫn tồn tại sự may rủi. Phương án của trường không tính đến điểm sàn nhưng thí sinh được xét tuyển vào cũng phải có phỏng vấn, làm bài và kiểm tra nữa. Năng lực thí sinh đến đâu lúc này sẽ biết ngay. Hơn nữa trong quá trình đào tạo còn sàng lọc, có cố gắng của người học - người dạy nữa vì vậy nên thả lỏng đầu vào và siết chặt đầu ra”.
Tìm một phương thức thi tuyển ĐH, CĐ hợp lý là một nhu cầu có thật nên có rất nhiều đề xuất với mong muốn tìm ra được hướng đi tốt nhất cho kỳ tuyển sinh quốc gia. Vấn đề là phương thức đó phải phù hợp với tình hình của Việt Nam, không rủi ro, đảm bảo công bằng cho người học.
Hà Ánh - Đăng Nguyên
Nguồn: thanhnien.com.vn