Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Tuyển sinh 2013 vẫn chọn ngành theo cảm tính

19/04/2013

 

Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc thời gian nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ năm 2013 trong đó, nộp theo tuyến Sở GD-ĐT đã kết thúc từ 11-4; tại các trường ĐH-CĐ sẽ kết thúc vào 22-4. Tuy chưa có thống kê chính thức nhưng qua ghi nhận tại một số trường THPT, trường ĐH-CĐ có thể thấy, việc chọn ngành, chọn nghề của thí sinh đã có sự cẩn trọng hơn, lượng sức mình hơn.

 

Ngành kinh tế đã giảm nhiệt

 

Ghi nhận chung tại Hà Nội cho thấy, năm nay thí sinh khá thận trọng trong việc chọn ngành chọn nghề. Phòng GD-ĐT Ba Đình thu nhận khoảng 400 hồ sơ của thí sinh tự do, phần lớn đăng ký vào các trường tốp trung, điểm đầu vào vừa phải như ĐH Điện lực, ĐH Nội vụ, ĐH Tài nguyên môi trường, ĐH Công đoàn, ĐH Thương mại… Tương tự, tại điểm nhận hồ sơ Phòng GD-ĐT Hai Bà Trưng, số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào những trường tốp đầu rất ít. Đặc biệt, học sinh tốt nghiệp từ trường THPT dân lập thì ưu tiên lựa chọn trường ĐH ngoài công lập.


Không chỉ tại các điểm thu hồ sơ của thí sinh tự do, theo thông tin từ nhiều trường THPT, năm nay, học sinh tỉnh táo hơn khi chọn trường, học sinh học lực trung bình, trung bình khá đã ít chọn trường tốp đầu. Bản thân các em và gia đình đã chăm chú lắng nghe, tiếp thu thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng để biết tự lượng sức, lựa chọn trường phù hợp với năng lực hơn.

Một điều thấy rõ, và đáng mừng, là năm nay số hồ sơ đăng ký dự thi vào khối ngành kinh tế có xu hướng giảm. Ông Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông, cho biết, trong 3 ngày thu nhận hồ sơ tại trường, trung bình mỗi ngày trường nhận hơn 300 hồ sơ đăng ký. Phần lớn các em lựa chọn khối ngành kỹ thuật, khối ngành kinh tế, quản trị ít hơn. Đó là sự dịch chuyển rất đáng mừng, thể hiện được hiệu quả của việc tư vấn tuyển sinh ở cơ sở nói riêng, định hướng ngành nghề của ngành giáo dục nói chung”.


Sự giảm nhiệt của khối ngành kinh tế thể hiện khá rõ ở việc đăng ký dự thi tại các trường THPT. Ở Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) nếu như mọi năm, các em thi khối kinh tế chiếm khoảng 50% thì năm nay ước chừng chỉ khoảng 20%. Ngược lại, số hồ sơ thi chọn ngành ngoại ngữ của học sinh trong trường tăng mạnh. Tương tự, tại Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội), số hồ sơ dự thi vào ngành kinh tế giảm khoảng 30% so với năm 2012, nếu như mọi năm khoảng 200 em chọn thi Học viện Ngân hàng thì năm nay chỉ khoảng 30 em.

 

Y dược, an ninh: Lựa chọn của học sinh giỏi?

 

Trong khi ngành kinh tế có dấu hiệu giảm nhiệt thì ở nhiều trường THPT, việc đăng ký mạnh trở lại vào khối ngành y dược, sư phạm cũng là một chuyển biến khá rõ ở mùa tuyển sinh năm nay. Nhiều cán bộ tuyển sinh nhận định, có thể do định hướng của giáo viên nên đa số học sinh của Trường THPT dân lập Mai Hắc Đế (Hà Nội) năm nay chọn thi vào Trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội; học sinh tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Hai Bà Trưng thì chủ yếu chọn Cao đẳng sư phạm mẫu giáo Trung ương.

 

Tại Trường THPT Quỳnh Lưu 2 (Nghệ An). 70% - 80% lựa chọn thi khối A với sự đánh dấu trở lại của nhiều ngành được học sinh cho là nóng như an ninh, y dược, bách khoa; còn khối ngành kinh tế được dè chừng vì tâm lý sợ ra trường không xin được việc làm.


Tương tự nhiều kỳ tuyển sinh trước, về lựa chọn các khối thi, năm nay tình hình cũng không thay đổi nhiều. Thí sinh vẫn chủ yếu chọn thi khối A, A1 và khối D, rất ít em chọn khối C. Đơn cử, trong khoảng 400 hồ sơ thống kê đến chiều 10-4 tại phòng GD-ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) chỉ có 23 hồ sơ thi khối C, còn lại chủ yếu là khối A, A1, D1. Nếu thí sinh chọn khối chính là D1 thường sẽ đăng ký thi thêm khối A1 vì hai khối ngày chung nhau 2 môn là Toán và Ngoại ngữ. Tương tự, thí sinh thi khối A thường thi thêm khối B và ngược lại vì hai khối này chung nhau Toán và Hóa.


Theo đánh giá của một số chuyên gia tuyển sinh, hiệu quả tư vấn tuyển sinh rõ ràng là có tác động đến nhận thức, tâm lý chọn ngành chọn nghề của thí sinh. Năm nay, sự cảnh báo mạnh mẽ từ Bộ GD-ĐT và các cơ quan truyền thông về sự bão hòa của nhóm ngành kinh tế (Bộ GD-ĐT kiên quyết không cho lập mới các ngành, các trường đào tạo chuyên về kinh tế) đã có tác động đến thí sinh.


Tuy nhiên, có một thực tế vẫn nhìn thấy rõ đó là không nhiều thí sinh thật sự chọn lựa ngành nghề phù hợp năng lực cũng như xu thế phát triển của xã hội trong tương lai. Đa phần các em vẫn chọn theo cảm tính, theo xu thế trước mắt mà không tính tới lâu dài. Nhiều giáo viên THPT cho rằng, may ra có khoảng 20% - 30% học sinh thật sự tìm hiểu về xu thế phát triển của ngành nghề để lựa chọn phù hợp, và đó cũng chỉ là những học sinh có năng lực khá giỏi, còn lại các em vẫn đang lựa chọn theo xu thế đám đông, tức là xã hội cảnh báo ngành nào dễ tìm việc thì các em chọn ngành đó. 

 

LÂM NGUYÊN

Nguồn: sggp.org.vn

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang