Vất vả tìm phương án tuyển sinh đại học - cao đẳng
01/05/2013
Cho đến thời điểm này, tuyển sinh ĐH-CĐ theo phương thức “3 chung” là chung đợt thi - chung đề thi - chung kết quả thi vẫn đang là phương án tối ưu được Bộ GD-ĐT lựa chọn để áp dụng chung cho các trường. Trong 3 năm vừa qua, Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích các trường ĐH trọng điểm lên phương án tuyển sinh riêng, nhất là sau khi Luật Giáo dục đại học có hiệu lực, tuy nhiên cho đến nay chưa có bất cứ trường nào mặn mà. Trong khi đó, hiện có 4 trường ĐH ngoài công lập lên phương án tuyển sinh riêng, nhưng lại đang vấp phải những ý kiến không đồng thuận.
Tuyển sinh dựa trên xét tuyển…
Từ trước đến nay, tại các diễn đàn tham gia đóng góp ý kiến về tuyển sinh ĐH-CĐ chính quy, hầu hết các ý kiến đều cho rằng kỳ thi “3 chung” với điểm sàn quy định có nhiều ưu việt, phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta hiện nay. Trong một vài năm tới khó có phương án nào khả thi hơn để có thể thay thế kỳ thi này. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho việc đổi mới tuyển sinh trong giai đoạn sắp tới, từ hơn 3 năm nay, Bộ GD-ĐT đã đề nghị một số trường ĐH trọng điểm, một số trường khối văn hóa – nghệ thuật thí điểm xây dựng phương án tuyển sinh riêng. Trong kỳ tuyển sinh 2013 này, bộ đã phê duyệt đề án tuyển sinh riêng của 10 trường thuộc khối trường văn hóa nghệ thuật. Hiện nay bộ đã nhận được đề án xét tuyển riêng của 4 trường ngoài công lập là Trường ĐH Quang Trung, ĐH Phan Chu Trinh, ĐH Yersin và ĐH Trưng Vương.
Điểm chung của các phương án tuyển sinh riêng trình lên bộ là các trường này đều không tổ chức thi, chỉ xét tuyển dựa vào kết quả học tập 3 năm THPT và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Có nghĩa, thay vì lấy điểm sàn kỳ thi 3 chung làm ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu đầu vào, các trường đưa ra các tiêu chí dựa trên kết quả thí sinh đạt được ở bậc phổ thông như là điều kiện cần để tham gia xét tuyển. Vì xét tuyển dựa trên kết quả học tập và thi tốt nghiệp TPHT là chính nên những phương án tuyển sinh riêng mà các trường ĐH ngoài công lập trình lên bộ đang vấp phải sự lo lắng của dư luận.
Chất lượng đầu vào sẽ thấp?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết các phương án trình lên chưa có phương án nào hoàn thiện. Yêu cầu đặt ra, phương án tuyển sinh phải bảo đảm được sự chấp nhận của xã hội về ngưỡng chất lượng tối thiểu vào ĐH. Các trường ngoài công lập thiên về chủ trương bỏ điểm sàn, chỉ xét tuyển nhưng thực tế là chưa ổn. Điều này thể hiện rất rõ qua 2 “phép thử” vừa qua. Phép thử thứ nhất, khi bộ cho phép 10 trường khối năng khiếu nghệ thuật được tuyển sinh riêng, trong đó môn Văn chỉ xét tuyển thì xã hội đã lo lắng môn Văn mà không thi, chỉ xét tuyển có ổn không? Phép thử thứ 2, vừa qua Bộ GD-ĐT dự kiến có 2 điểm sàn (trong đó điểm sàn dưới cộng với xét điểm thi tốt nghiệp) xã hội đã phản đối mạnh khiến bộ phải khẳng định sẽ chỉ có 1 điểm sàn. “Như vậy, chắc chắn xã hội sẽ không chấp nhận cơ chế xét tuyển, bỏ điểm sàn. Nên hiện tại phương án tuyển sinh của các trường ngoài công lập (đều theo hướng bỏ điểm sàn mà xét tuyển vào ĐH-CĐ dựa trên kết quả học THPT, thi tốt nghiệp THPT, điểm thi ĐH-CĐ) tôi cho là chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay, khi xã hội còn nhiều lo lắng như vậy”, ông Ga nhận xét.
PGS Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, cho rằng, nếu vì mục tiêu chất lượng thì với cách xét tuyển dựa trên kết quả THPT, các trường sẽ tự làm khó mình. Nếu chỉ quan tâm đến việc tuyển đủ chỉ tiêu, phương án này có thể giúp trường cải thiện số lượng đầu vào. Nhưng nếu quan tâm đến yếu tố chất lượng, chính cách làm này lại làm khó cho trường. Vì chắc chắn hầu hết các thí sinh mong muốn được vào ĐH-CĐ sau khi tốt nghiệp THPT sẽ tham gia thi ĐH theo kỳ thi 3 chung. Những em này nếu đạt điểm sàn trở lên sẽ có cơ hội để vào một trường ĐH-CĐ nào đó. Chỉ khi không còn sự lựa chọn nào khác, mới tính đến đăng ký vào những trường nói trên. “Như vậy, những trường này chỉ có thể chọn được những thí sinh dưới sàn. Có nghĩa khi lựa chọn phương án nói trên, các trường này phải chấp nhận chất lượng đầu vào thấp”, ông Lập phân tích.
GS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, để hợp lý, phương án của các trường nên có sự gắn kết với kỳ thi 3 chung. Cụ thể, điểm trung bình học phổ thông và điểm thi tốt nghiệp cho vào một nhóm – lấy trọng số 50%; còn lại kết quả thi ĐH theo kỳ thi 3 chung lấy 50%. Từ đó làm căn cứ để xét tuyển.
3 chung đã thực hiện trên 10 năm, cũng đã đến lúc cần xem xét lại để làm thế nào đạt kết quả tuyển sinh tốt nhất. Nhưng trong khi các trường công lập không hề mặn mà với phương án tuyển sinh riêng thì phương án của các trường ngoài công lập cũng không khả quan. Đa số ý kiến đều cho rằng, nếu coi kết quả học tập của học sinh ở trường THPT và kỳ thi tốt nghiệp là thực chất, phản ánh được năng lực của học sinh thì việc xét tuyển là chấp nhận được. Tuy nhiên hiện nay, đây chỉ là giả thiết lạc quan. Như vậy, phương án tuyển sinh nào phù hợp vẫn là cả một con đường dài.
PHAN THẢO
Nguồn: sggp.org.vn