Đăng ký dự thi ĐH, CĐ: Kinh tế giảm, sư phạm tăng
23/04/2013
Chiều qua 22.4, các trường ĐH, CĐ chính thức kết thúc thời gian nhận hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh. Theo thống kê sơ bộ, số lượng hồ sơ giảm nhẹ, thí sinh không còn đổ dồn vào khối ngành kinh tế như trước đây.
Giảm gần một nửa
Năm nay hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) thí sinh nộp về các sở GD-ĐT có giảm so với năm ngoái. Bà Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước, cho biết: “Năm nay Sở chỉ nhận được khoảng 16.000, giảm trên 1.000 hồ sơ so với năm 2012”. Tại Sở GD-ĐT Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Từ, quyền Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp, nói: “Hồ sơ năm nay Sở nhận được giảm gần 1.000, còn 21.305 bộ”. Tổng hồ sơ nộp tại Sở GD-ĐT Cà Mau là 10.441 bộ (tương đương năm ngoái).
Đặc biệt, năm nay số thí sinh vào nhóm ngành kinh tế giảm mạnh so với năm trước. Ông Lê Quang Hảo, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau, nhận định: “Qua thống kê sơ bộ có thể thấy, năm nay thí sinh của tỉnh nộp hồ sơ vào khối ngành kinh tế giảm. Chẳng hạn, chỉ có 34 hồ sơ vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (trong khi năm 2012 trên 100), Trường ĐH Tài chính - Marketing là 107 (năm 2012 trên 200), Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có 9 (năm 2012 trên 50)...”.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Thời, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, nhận định: “Hồ sơ vào các trường kinh tế sụt giảm mạnh nhưng tăng lên ở các trường sư phạm”. Ông Thời dẫn chứng: “Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM năm ngoái nhận được 155 bộ, nay chỉ nhận được 23; Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chỉ được 179 bộ (so với 287 vào năm ngoái)… Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhận được 321 bộ, tăng hơn 100 so với năm 2012; Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tăng từ 33 bộ (năm 2012) lên 94 bộ năm nay…”.
Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết: “Điểm thu của trường nhận được trên 1.200 bộ, giảm khoảng 300 so với năm ngoái”. Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng cho hay: “Trường chỉ nhận được khoảng 600 hồ sơ trực tiếp tại trường, giảm gần một nửa so với năm 2012”.
Quay trở lại thi tuyển sau 3 năm xét tuyển, Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM đã nhận được khoảng 900 hồ sơ ĐKDT nộp trực tiếp. Theo đại diện nhà trường, thí sinh chọn các ngành tài chính, quản trị chỉ chiếm khoảng 30 - 40%.
Sẽ chọn được người giỏi vào sư phạm?
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, hiện tại đã có khoảng 22.000 hồ sơ ĐKDT nộp vào nơi này. Các trường có số lượng hồ sơ nhiều nhất là ĐH Sài Gòn, ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Tài chính - Marketing… Số thí sinh đăng ký vào các trường khối ngành sư phạm tăng đáng kể so với các năm trước.
Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Tuy chưa có số liệu tổng hợp chi tiết nhưng tính sơ trường đã nhận được hơn 2.000 hồ sơ ĐKDT nộp trực tiếp. Vào thời điểm này năm ngoái, trường chỉ mới nhận được khoảng 1.200”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm gần đây hồ sơ nộp trực tiếp vào trường này mỗi năm mỗi tăng.
Thạc sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, thông tin: “Đến cuối ngày 22.4, có khoảng 2.700 hồ sơ, tăng so với năm ngoái. Năm 2012, trường này nhận được khoảng 2.000 hồ sơ nộp trực tiếp. Đáng chú ý, đến 2/3 số thí sinh ĐKDT các ngành sư phạm”. Ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho biết trường đã nhận được 2.450 hồ sơ ĐKDT tại trường, tăng hơn năm ngoái 45%. Số lượng thí sinh dự thi vào khối sư phạm tăng nhiều. “Thí sinh lựa chọn khối ngành sư phạm nhiều hơn là dấu hiệu đáng mừng. Nhiều thí sinh dự thi mới có điều kiện lựa chọn người giỏi, qua đó đào tạo ra những thầy cô giỏi, nâng cao chất lượng giảng dạy”, ông Đức vui mừng nói.
Học sinh giỏi vẫn chọn thi kinh tế
Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng (Hà Nội), cho biết số hồ sơ thí sinh nộp trực tiếp tại Học viện Ngân hàng khoảng hơn 500 bộ, ít hơn năm trước gần 500. Phân tích số liệu hồ sơ tuyển sinh của Trường THPT Việt Đức cũng cho thấy, số hồ sơ của học sinh nộp vào các ngành ngân hàng, tài chính năm nay giảm hẳn. Nếu như mọi năm, hồ sơ thi khối kinh tế chiếm khoảng 50% thì năm nay ước chừng chỉ khoảng 20%. Tương tự, tại Trường THPT Trần Nhân Tông, số hồ sơ dự thi vào ngành kinh tế giảm khoảng 30% so với năm 2012.
Lãnh đạo Phòng Đào tạo Trường ĐH Hà Nội cũng xác nhận số lượng thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại trường đông hơn năm ngoái. Đến nay, trường nhận được 1.000 bộ, cao hơn cùng thời điểm năm trước.
Học sinh lựa chọn khối ngành sư phạm có xu hướng tăng lên. Ví dụ, Trường THPT Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, nếu năm trước, cả trường chỉ có 10 hồ sơ đăng ký vào sư phạm thì năm nay số hồ sơ đã tăng lên vài chục bộ. Tuy nhiên, những trường phổ thông có đông học sinh đăng ký dự thi vào ngành sư phạm là những trường có chất lượng đầu vào không cao. Ông Lê Hữu Lập, Phó giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông, cho hay trung bình mỗi ngày trường nhận khoảng hơn 300 hồ sơ, phần lớn thí sinh chọn khối ngành kỹ thuật, khối ngành kinh tế, quản trị đã giảm. “Đó là sự dịch chuyển đáng mừng, thể hiện được hiệu quả của việc tư vấn tuyển sinh ở cơ sở cũng như định hướng ngành nghề của Bộ GD-ĐT”, ông Lập cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó hiệu trưởng ĐH FPT, thông tin: “Kết quả khảo sát 30.000 học sinh các trường THPT khu vực phía bắc mà trường này tiến hành cho thấy, tỷ lệ học sinh lựa chọn ngành tài chính - ngân hàng vẫn thuộc tốp đầu nhưng đã giảm so với năm 2012. Tỷ lệ lựa chọn dự thi khối ngành này chiếm khoảng 17-18% trong tổng số các ngành nghề. Trong khi đó, so với năm 2010, số thí sinh đăng ký theo học ngành này chiếm tới 2/3 chỉ tiêu”.
Theo lãnh đạo một số trường THPT danh tiếng ở Hà Nội, học sinh tuy không rầm rộ thi vào các ngành kinh tế như các năm trước, nhưng đa số vẫn chọn những trường như: ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Bách khoa... Nghĩa là, tuy có thể giảm về lượng nhưng về chất thì xu hướng chủ đạo học sinh giỏi vẫn vào kinh tế.
T.Nguyễn
|
Hà Ánh - Đăng Nguyên
Nguồn: thanhnien.com.vn