Điểm chuẩn trường đại học công - tư gần nhau
09/08/2018
Lần đầu tiên, nhiều trường ĐH ngoài công lập có lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đông đảo và có điểm chuẩn cao hơn cả một số trường ĐH công lập.
Lựa chọn nhiều, điểm chuẩn cao
Ngay từ đầu tháng 5, sau khi các trường ĐH biết số lượng TS đăng ký trước khi tham gia thi THPT quốc gia, đã có sự đột biến về hồ sơ đăng ký vào các trường ĐH ngoài công lập. Chẳng hạn, thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Văn Hiến năm nay bằng kết quả kỳ thi đã tăng đến hơn 109%. Trong đó, số lượng TS xét tuyển nguyện vọng (NV) 1 trực tiếp vào trường tăng hơn 102%.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng có số lượng TS đăng ký tăng lên khá cao. Có tổng số khoảng 51.000 NV đăng ký vào trường theo phương thức xét điểm thi, tăng khoảng 24% so với năm ngoái. Tính riêng số lượng NV1 vào trường, tăng đến 33% so với năm trước (năm ngoái 8.300, năm nay 11.000).
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM có số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển theo phương thức điểm thi khoảng 25.000, tăng gần 70% so với năm 2017. Trong đó, số lượng TS chọn NV1 tăng gần 20%...
Có số lượng TS lựa chọn tăng nhiều như vậy nên những ngày gần đây, điểm chuẩn tại các trường ĐH ngoài công lập khá cao là dễ hiểu.
Điểm chuẩn cao nhất trong các trường ĐH ngoài công lập ở phía nam trước hết phải kể đến Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM. Nếu không tính điểm chuẩn các môn nhân hệ số 2, điểm chuẩn các ngành còn lại dao động từ 15,5 - 21,5 điểm. Trong đó, chỉ có 3 ngành dao động điểm chuẩn từ 15,5 - 16,25. Các ngành còn lại đều dao động từ 18,25 - 21,5 điểm. Kế đến là Trường ĐH Hoa Sen, hàng loạt ngành nằm ở mức điểm từ 18 - 20. Mức điểm trúng tuyển theo phương thức xét tuyển kết quả thi của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM đều dao động từ 16 - 20 điểm. Ngành y khoa tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành lấy 20 điểm.
Sự lựa chọn của TS còn chưa tính đến phương thức xét tuyển học bạ tại các trường ngoài công lập. Cá biệt như tại Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, có ngành lấy điểm chuẩn đến 24,5; nghĩa là TS phải có điểm trung bình mỗi môn học trong tổ hợp hơn 8. Có đến 9 ngành tại Trường ĐH Hoa Sen, TS phải có điểm trung bình mỗi môn học trong tổ hợp từ 7 trở lên.
Một điều khá đặc biệt năm nay là, đại diện một số trường ngoài công lập cho biết có thể sẽ không tiếp tục xét tuyển đợt 2 vì đã đủ chỉ tiêu. Đây là sự kiện lần đầu tiên diễn ra qua các năm tuyển sinh.
Trong khi đó, nhiều ngành học ở các trường ĐH công lập chỉ lấy mức điểm chuẩn 14 - 15 điểm. Số lượng trường sẽ xét tuyển NV bổ sung nhiều hơn các năm trước.
Bình đẳng hơn trong lựa chọn
Theo tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, đề thi khó, quy định xác định chỉ tiêu... là tác động chung đến bức tranh tuyển sinh năm 2018. Đề thi khó, các trường công giữ chỉ tiêu như các năm thì điểm chuẩn thấp xuống. Các trường công hạn chế mặt chỉ tiêu, khiến điểm chuẩn giữa công - tư gần nhau hơn.
Tuy nhiên, một trong những tác động lớn là sự băn khoăn của phụ huynh, TS về chất lượng giáo dục ĐH nói chung, nhất là việc thất nghiệp sau khi tốt nghiệp. Nói chung trường tư năng động, cố gắng trong việc tạo việc làm, gắn kết doanh nghiệp, hợp tác quốc tế. Vừa chạy theo nhu cầu thị trường, vừa bám chuẩn quốc tế, lại đầu tư nhiều, xây dựng cơ sở vật chất tốt. Trường tư bứt phá tạo được hình ảnh chung, thu hẹp khoảng cách lại”, tiến sĩ Tùng cho biết.
Cũng theo tiến sĩ Tùng, việc bứt phá của trường ĐH ngoài công lập là điều tốt vì sẽ kéo theo các trường công lập phải năng động hơn. Chẳng hạn, cách đây mười năm, trường công không lo tư vấn, chỉ chờ TS nộp hồ sơ. Hiện nay trường nào cũng phải quan tâm việc đi tư vấn tuyển sinh khắp nơi. Ở VN, xét trên mặt bằng đại trà, trường phổ thông tư đã mạnh hơn trường phổ thông công lập, học phí cao nhưng chất lượng tốt hơn. Trường ĐH rồi cũng sẽ theo trào lưu đó.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng những năm vừa qua, sự nhìn nhận về trường mầm non, tiểu học, phổ thông tư thục đã thay đổi hoàn toàn. Rất nhiều phụ huynh chuyển hướng cho con học trường tư. Lý do chính yếu là vì cơ sở vật chất tốt hơn, chương trình học năng động, dạy nhiều kỹ năng hơn… Cách nhìn nhận này bắt đầu lan đến giáo dục ĐH. Chính các trường tư cũng đã tốt hơn rất nhiều. Rất nhiều trường đã xây dựng cơ sở vật chất lớn, hiện đại và chương trình học năng động, kết nối doanh nghiệp tốt. Trong khoảng 4 - 5 năm tới, sự lựa chọn này sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa trong giáo dục ĐH.
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, trước kia đa số TS chọn trường công lập ngay ở NV1 thì hiện nay TS đã dịch chuyển sự lựa chọn qua trường ngoài công lập. Một lý do nữa cho sự lựa chọn này là hiện có nhiều trường ĐH công lập tự chủ tài chính với mức học phí khá cao. Chẳng hạn, tại Đà Nẵng, có trường công lập tự chủ tài chính mức học phí cao hơn cả Trường ĐH Duy Tân. Vì thế, nếu trước đây, nhiều TS chọn trường công vì học phí thấp hơn trường tư thì nay không phải lúc nào cũng vậy nên TS chọn thẳng vào trường tư nếu thấy phù hợp.
Đăng Nguyên
thanhnien.vn – 09/08/2018