Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Bằng điểm 'sàn', nộp hồ sơ có trúng tuyển?

23/07/2018


Nhiều trường ĐH các năm trước dù điểm chuẩn tính ra thí sinh phải đạt được 7 - 8 điểm/môn nhưng năm nay vẫn thông báo điểm nhận hồ sơ ở mức trung bình.

Năm nay có những trường ĐH chỉ công bố “sàn” chung cho tất cả các ngành ở mức điểm trung bình. Nếu so với điểm trúng tuyển của các trường này vài năm trước đó đều thấy giảm rất nhiều.

Điểm chuẩn các trường đều sẽ giảm

Chẳng hạn, Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM công bố nhận hồ sơ tất cả các ngành từ 15 điểm trở lên. Trong khi đó, điểm chuẩn năm 2017 ngành thấp nhất là 18 (hệ thống thông tin chương trình tiên tiến). So với ngành có điểm chuẩn cao nhất năm ngoái là công nghệ phần mềm (27 điểm) thì mức chênh lệch lên tới 12 điểm. PGS-TS Vũ Đức Lung, Phó hiệu trưởng trường này, cho biết theo dự báo với phổ điểm thấp năm nay điểm chuẩn các ngành có thể giảm 2 - 3 điểm so với năm ngoái. Như vậy ngành thấp nhất có thể 15 - 16 điểm và ngành cao nhất có thể ở mức 24 - 25 điểm.

Ban đầu, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM dự kiến không công bố điểm “sàn”. Tuy nhiên đến ngày 16.7, trường thông báo điểm nhận hồ sơ tất cả các ngành từ 17 trở lên. Theo đại diện nhà trường, mức điểm này không có tác dụng nhiều, bởi năm ngoái dù nhận hồ sơ theo mức sàn quy định của Bộ (15,5 điểm) nhưng điểm chuẩn ngành thấp nhất của trường vẫn 20 điểm. Dự báo tình hình năm nay, theo đại diện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, các ngành “nóng” như khoa học máy tính, ô tô, điện, xây dựng điểm chuẩn có thể giảm 3 điểm (năm ngoái điểm chuẩn từ 25 trở lên). Các ngành năm ngoái dưới 25 điểm thì năm nay có thể giảm bớt 2 điểm.

Tương tự, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng thông báo nhận hồ sơ tất cả các ngành từ 15 điểm. Tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết: “15 điểm là điều kiện để nhận hồ sơ, việc trúng tuyển còn phụ thuộc vào số lượng thí sinh (TS) đăng ký thực tế. Năm ngoái điểm chuẩn thấp nhất là 20,25 thì với phổ điểm thấp như năm nay ở mức 15 điểm cũng chưa thể khẳng định không có khả năng trúng tuyển. Chủ trương các trường đều mong tuyển đủ ngay đợt đầu tiên vì ở đợt bổ sung số lượng TS điểm cao không còn nhiều”, ông Minh nói.

Tham khảo điểm chuẩn vài năm trước

Đại diện nhiều trường ĐH đều thừa nhận, điểm “sàn” gần như không có giá trị nếu trường công bố không sát với điểm trúng tuyển.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, khẳng định: “Trong hầu hết trường hợp, điểm “sàn” chỉ là điểm nhận hồ sơ, không phải điểm trúng tuyển. Đặc biệt với các trường, ngành nhiều TS lựa chọn thì mức lệch càng cao”. Phân tích nhận định này, ông Hạ nói, khả năng các ngành của trường điểm chuẩn sẽ cao hơn điểm “sàn” công bố. Ngay cả những ngành điểm nhận hồ sơ khá cao (19 điểm), TS có điểm từ 21 - 22 điểm trở lên mới nên nộp hồ sơ. Theo ông Hạ, TS cần tham khảo điểm trúng tuyển vào từng ngành các trường trong vòng 3 năm qua để có thông tin chính xác hơn.

PGS-TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng nói điểm trúng tuyển chỉ có khả năng bằng “sàn” với những ngành không nhiều TS đăng ký, như các ngành đi biển. Nhưng sẽ có những ngành điểm chuẩn cao hơn 4 - 5 điểm. Do vậy, điểm “sàn” gần như không có giá trị nhiều nếu điểm chuẩn lệch cả chục điểm. “Trong trường hợp này, việc TS chủ động tìm hiểu thông tin từng ngành mình muốn đăng ký vào là việc làm cần thiết”, ông Hướng khuyên.

Về xác định ngưỡng điểm “sàn” chung các ngành 15, PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, nói: “Thống kê các tổ hợp môn thấy điểm trung bình từ 14 - 16 điểm, trên cơ sở đó trường quy định điểm sàn chung cho tất cả các ngành là 15 điểm. TS lưu ý đây là mức đủ điều kiện nộp hồ sơ, còn điểm trúng tuyển phụ thuộc tình hình thực tế hồ sơ từng ngành”. Theo ông Hà, khối ngành kinh tế năm ngoái điểm chuẩn 20 - 23,5 điểm, năm nay dự báo có thể giảm từ 1 - 3 điểm tùy ngành.

Hà Ánh
Nguồn: thanhnien.vn – 23/07/2018

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang