Đào tạo trung cấp chuyên nghiệp: Nhà trường, doanh nghiệp chưa bén duyên
Làm thế nào để hệ thống đào tạo TCCC và nghề phát triển đúng hướng là chủ đề của hội thảo "Đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp" vừa được tổ chức tại TPHCM.
Trường thuê, giáo viên mượn
Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, hiện, lực lượng LĐ có tay nghề và đã qua đào tạo của VN chỉ khoảng gần 40%, riêng TPHCM là trên 50%.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó GĐ Sở GDĐT- TPHCM cho biết, hiện TP có 41 trường đào tạo hệ TCCN với đầu vào gần 50 ngàn học sinh (HS) mỗi năm. Ngoài ra còn có gần 70 cơ sở dạy nghề từ CĐ, TC và sơ cấp đào tạo trên 70 ngàn học viên mỗi năm. Các cơ sở đào tạo nghề nói chung của TP những năm gần đây được đầu tư mạnh về nội dung và phương pháp đào tạo, đầu ra cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, các trường TCCN vẫn chưa đào tạo được nguồn nhân lực có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu của DN.
Ông Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Vụ GDCN cho biết: Ông mới đến thăm Cty Sam sung VN và được biết Cty này đang cần khoảng 5 ngàn LĐ, trong đó 90% có trình độ sau THPT và 10% có trình độ CĐ, ĐH. Nhưng theo họ, rất khó tuyển đủ số LĐ có tay nghề đáp ứng yêu cầu công việc.
ThS Phan Hải Hồ cho rằng, trên địa bàn TP có nhiều trường TCCN, TC nghề đã được nâng “ép” lên thành CĐ kỹ thuật, CĐ nghề. Việc nâng cấp “mác” chỉ nhằm “đánh bóng”, quảng bá thương hiệu, trong khi đội ngũ giáo viên thì “chạy sô” nên không có điều kiện nghiên cứu, giảng dạy chuyên sâu. Một số trường, nhất là những trường ngoài công lập, cơ sở đào tạo chủ yếu đi thuê dẫn đến chất lượng đào tạo không đảm bảo, học viên khi tốt nghiệp không tìm được việc làm, hoặc tìm được thì cũng không đúng ngành học.
Phải đầu tư chiều sâu
Theo GS-TSKH Nguyễn Đức Trí, Viện Khoa học giáo dục VN, đào tạo nghề phải bắt đầu từ nhận thức. Chúng ta lâu nay chỉ tuyên truyền cho HS thi vào đại học. Trong khi các trường cho rằng, không thể đào tạo chạy theo công nghệ và đòi hỏi của DN, còn DN lại không muốn tham gia vào quá trình đào tạo dẫn đến nhà trường, DN vẫn còn nhiều khoảng cách và chưa bén duyên nhau.
Nhiều đại biểu dự hội thảo cho rằng, muốn đào tạo được thợ vững chuyên môn, giỏi tay nghề phù hợp với thực tế xã hội, các trường cần đẩy mạnh đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại theo từng chuyên ngành đặc thù và khu vực cụ thể. Điều này giúp các cơ sở đào tạo có đủ điều kiện để thực hiện đổi mới. Nó cũng sẽ giúp giáo viên có điều kiện nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy cho có hiệu quả hơn.
Đăng Hải – laodong.com.vn
28/01/2010