Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Tuyển sinh 2015: Hoa mắt với quá nhiều khối thi

10/10/2014

Hàng loạt khối thi mới đã được hình thành trong đề án tuyển sinh riêng của các trường, có trường đưa ra... 14 phương thức tổ hợp môn thi khiến thí sinh rối bời

Ngày 15-10 tới là hạn cuối các trường phải chốt phương án tuyển sinh riêng cho kỳ tuyển sinh năm 2015. Trong đề án tuyển sinh của các trường vừa công bố, hàng loạt khối thi mới đã xuất hiện.

Một ngành có tới 6 khối thi

Đánh giá ban đầu cho thấy bên cạnh 5 khối thi truyền thống là A, B, C, D và A1, các trường ĐH sẽ dùng nhiều tổ hợp môn thi mới để xét tuyển, như: toán - hóa - Anh, toán - lý - Anh, văn - sử - Anh, toán - hóa - văn, toán - sinh - văn…

Tổ hợp môn thi mà Trường ĐH Cần Thơ đưa ra gồm 1 hoặc 2 môn bắt buộc là toán hoặc văn, kết hợp với 1 hoặc 2 môn do thí sinh tự chọn trong nhóm từ 2 đến 4 môn khác. Ví dụ, ngành sư phạm toán, ngoài môn thi bắt buộc là toán, thí sinh còn phải chọn 2 trong 4 môn lý, hóa, sinh, ngoại ngữ; ngành sư phạm ngữ văn, thí sinh thi văn và chọn 2 trong 3 môn sử, địa, ngoại ngữ; ngành sư phạm địa lý, ngoài môn bắt buộc là ngữ văn và địa, thí sinh còn phải chọn một trong 3 môn toán, ngoại ngữ, sử…

Trường ĐH Công nghiệp Việt - Hung sẽ bổ sung 2 khối thi, gồm khối A2 với các môn toán - lý - văn và khối A3 với toán - hóa - ngoại ngữ. Trường ĐH Đông Đô (Hà Nội) cũng dự kiến thêm các nhóm tổ hợp môn thi mới là toán - lý - Anh cho các ngành công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, tài chính ngân hàng, công nghệ môi trường và toán - sinh - Anh cho ngành công nghệ sinh học…

Trường ĐH Tây Đô đưa ra phương án 14 nhóm môn xét tuyển, mỗi nhóm 3 môn, trong đó có những tổ hợp mới như toán, lý, văn; toán, hóa, ngoại ngữ; toán, hóa, văn; toán, sinh, văn… Trong đó, có những ngành xét tuyển từ 4 nhóm. Ví dụ, ngành Việt Nam học sẽ xét tuyển theo các nhóm: toán, văn, ngoại ngữ; văn, sử, địa; văn, ngoại ngữ, sử; văn, ngoại ngữ, địa.

Một chuyên gia tuyển sinh cho hay ông cảm thấy bối rối trước những khối thi mà các trường đưa ra vào năm tới. “Trường ĐH Cần Thơ đã đưa ra hàng chục cách thức tổ hợp môn để xét tuyển khác nhau, mỗi ngành học có từ 3 đến 6 tổ hợp môn để xét tuyển thay vì chỉ 1-2 khối thi như các năm trước. Đọc đề án của họ mà tôi thực sự hoa mắt” - chuyên gia này nói.

Thí sinh khó thể thích nghi

PGS Lê Trọng Thắng, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, nhấn mạnh: Việc bổ sung các tổ hợp môn mới bảo đảm quyền tự chủ cho các trường, vừa giúp có nguồn tuyển rộng hơn, tuyển được thí sinh phù hợp với đặc thù đào tạo hơn vừa giúp thí sinh có nhiều cơ hội. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng việc đưa ra quá nhiều phương án sẽ khiến thí sinh rối bời.

Ông Thắng phân tích: Hầu hết thí sinh đều đã xác định khối thi từ khi bắt đầu vào bậc THPT và học lệch theo các môn trong khối này. Vì thế, nếu các trường đột ngột thay đổi thì thí sinh khó có thể thích nghi. Chưa hết, việc có quá nhiều khối thi còn cho thấy tính chuẩn mực trong tuyển sinh sẽ không được bảo đảm.

“Trước đây, thí sinh thi toán - lý - hóa tạo ra một mặt bằng chung, giờ đưa ra nhiều khối thi mới cho các ngành, tôi sợ là chuẩn mực không bảo đảm. Có lẽ khi bắt tay thực hiện, nhiều vấn đề sẽ phát sinh không lường hết được” - ông Thắng băn khoăn. Theo chuyên gia này, khâu xử lý dữ liệu có thể sẽ dẫn đến rối loạn nếu không có các phương án kỹ thuật khả thi.

Trong khi đó, PGS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí - Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết ông đã nhận được nhiều ý kiến của phụ huynh cũng như học sinh bày tỏ lo lắng về việc này. “Để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, chúng tôi đã chỉ đạo các trường khi xây dựng đề án tuyển sinh lưu ý vấn đề này.  Nếu các trường thay đổi nhiều quá sẽ không có lợi. Đưa ra nhiều khối thi mới, học sinh sẽ e ngại vì các em đã học luyện thi theo khối từng thực hiện nhiều năm qua ngay khi vào lớp 10” - ông Nghĩa nhận xét.

Phải tương ứng với khối thi đã thực hiện

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị các trường ĐH, CĐ khi xây dựng môn thi dùng để xét tuyển phải theo nguyên tắc: Tổ hợp các môn thi tương ứng với khối thi đã thực hiện những năm vừa qua. Các tổ hợp môn thi khác được xây dựng theo nguyên tắc: Với ngành năng khiếu, sử dụng kết quả thi của ít nhất một môn văn hóa kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu; các ngành còn lại sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có môn toán hoặc văn, để xét tuyển.

Yến Anh (nld.com.vn)

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang