Kỳ thi đại học - cao đẳng 2015: Đủ kiểu tuyển sinh riêng
14/10/2014
Bên cạnh các trường đã công bố đề án tuyển sinh riêng, nhiều trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) khác cũng đang “chạy nước rút” trong việc soạn dự thảo và lấy ý kiến cán bộ, giảng viên trong nhà trường trước khi trình Bộ GD&ĐT và công bố.
Giữ ổn định, tránh xáo trộn là mục tiêu của trường ĐH Nông lâm TPHCM trong việc đưa ra phương án tuyển sinh riêng. Theo TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, đây là năm đầu tiên đổi mới về phương thức tuyển sinh, nhà trường cố gắng giữ sự ổn định cao nhất cho thí sinh và phụ huynh nên tiếp tục giữ các môn thi tích hợp thành 4 khối thi truyền thống (A, A1, B, D1) cho bốn nhóm ngành của trường.
Theo đề án, đối với các ngành đầu vào là khối A, ngoài 3 môn chính Toán - Văn - Anh văn, nhà trường sẽ dựa trên môn thi còn lại của thí sinh, cụ thể, chọn những thí sinh thi môn Lý hoặc Hóa. Đối với khối B, trường chọn thí sinh chọn Sinh học là môn thi thứ tư. Riêng với khối D, trường sử dụng hoàn toàn kết quả từ ba môn thi chính.
Trường ĐH Y dược TPHCM cũng đưa ra dự thảo đề án với tiêu chí tránh xáo trộn cho thí sinh. Ông Lê Quan Nghiệm, phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường hoàn toàn không có bất kỳ thay đổi gì lớn làm phức tạp thêm vấn đề thi cử mà tạo điều kiện tối đa cho học sinh.
Theo ông Nghiệm, đề án tuyển sinh riêng của trường là hoàn toàn dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và theo khối thi như mọi năm, xét tuyển ba môn khối B là Toán, Hóa và Sinh học (không nhân hệ số). Trường ưu tiên những học sinh tốt nghiệp THPT loại khá, giỏi.
Học sinh tốt nghiệp loại giỏi sẽ được cộng 1 điểm, loại khá cộng nửa điểm. Đối với học sinh đoạt giải quốc gia, giải nhất sẽ được cộng 2 điểm; giải nhì cộng 1,5 điểm; giải ba được cộng 1 điểm.
Mỗi trường một cách tính
Trường ĐH Luật TPHCM đưa ra ba tiêu chí tuyển sinh, kết hợp giữa xét tuyển và kiểm tra năng lực, khả năng tư duy, kiến thức chính trị - xã hội của thí sinh. Theo ông Trần Hoàng Hải - phó hiệu trưởng, dự thảo đề án này đã được trường đã gửi tới Bộ GD&ĐT vào đầu tháng 10.
Theo dự thảo đề án, trường đề ra Tiêu chí 1 (chiếm tỉ trọng 20% điểm trúng tuyển) bằng cách xét tổng điểm trung bình của 3 môn thuộc khối xét tuyển ở 6 học kỳ trung học phổ thông. Tiêu chí 2 (chiếm tỉ trọng 60% điểm trúng tuyển) bằng cách xét tổng điểm trung bình của 3 môn thi của kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Ở tiêu chí 2, mỗi một khối thi, trường chọn một môn thi chính nhân hệ số 2. Cụ thể, khối A và A1, môn Toán là môn chính; khối C, môn Lịch sử là môn chính; khối D1 là tiếng Anh; D3: tiếng Pháp và D6 tiếng Nhật.
Tiêu chí 3 (chiếm tỉ trọng 20% điểm trúng tuyển), dự kiến các thí sinh sẽ thực hiện một bài viết kiểm tra năng lực, khả năng tư duy, kiến thức chính trị - xã hội của thí sinh.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết, trong dự thảo đề án tuyển sinh riêng của trường, ngoài việc dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét học bạ, trường còn có phần phỏng vấn dành cho những thí sinh sau khi vào trường muốn có nguyện vọng vào ngành sư phạm.
Theo dự thảo, điểm trung bình các môn học theo học bạ được tính bằng điểm trung bình cộng các môn của 5 học kỳ, ba năm học 10, 11, 12 theo học bạ THPT, không tính học kỳ 2 năm lớp 12.
Điểm theo kỳ thi quốc gia và điểm theo học bạ được tính theo tổng ba môn khối dự tuyển, trong đó điểm môn thi chính được nhân hệ số 2. Cách tính điểm để xét tuyển được tính bằng 80% điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia và 20% điểm trung bình học bạ các môn theo từng khối đăng ký dự tuyển, làm tròn đến một số thập phân...
Đối với các chương trình đào tạo sư phạm kỹ thuật, trường phỏng vấn sau khi thí sinh trúng tuyển có nguyện vọng đăng ký học.
Nguyễn Dũng (tienphong.vn)