Chọn trường nghề
Diễn đàn thanh niên thủ đô với nghề nghiệp do Thành Đoàn Hà Nội tổ chức ngày 16.3 đã đưa ra những định hướng giúp mỗi học sinh nhìn lại khả năng, thực lực của mình để chọn ngành học phù hợp.
Băn khoăn học làm thợ
Chọn trường nghề chỉ là giải pháp tình thế khi thi trượt ĐH, đó là lý do khiến trường nghề không phải là sự lựa chọn của số đông học sinh. Ngay tại diễn đàn, rất nhiều học sinh đặt câu hỏi, thắc mắc về trường ĐH, ngành học đang “hot” hiện nay như: tài chính, ngân hàng, kinh tế... trong khi hiếm có câu hỏi nào quan tâm đến các trường nghề.
Theo thạc sĩ Phạm Mạnh Hà, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội), sở dĩ nhiều học sinh quan tâm đến ngành kinh tế bởi các em thường thấy hình ảnh doanh nhân thành đạt, giàu có, đi xe hơi, ăn mặc sang trọng... Tuy nhiên, không phải ai cũng có tố chất làm thủ lĩnh. Ông Hà tư vấn: “Các bạn thanh niên nên chọn nghề theo sở thích vì trong sự nghiệp, nếu có sự đam mê sẽ dẫn tới thành công. Mỗi bạn hãy trở thành những người chuyên nghiệp trong lĩnh vực mình lựa chọn, không nên chạy theo số đông”.
Nhìn nhận khả năng của mình có hạn, song bạn Đào Viết Minh, trường THPT Đặng Tiến Đông vẫn e dè không dám chọn trường nghề. “Ai cũng nói nước ta thừa thầy, thiếu thợ, nhưng khi xin việc, các nhà tuyển dụng luôn chú trọng bằng cấp. Liệu quan niệm trọng bằng cấp có thay đổi trong tương lai?” - Minh băn khoăn. Ông Nguyễn Công Cường, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội thừa nhận, rất nhiều ngành nghề ở Việt Nam đang thiếu thợ chuyên nghiệp phải thuê thợ từ nước ngoài. Do nhận thức xã hội chưa thay đổi nên một số người dù có yêu thích nghề mộc, nghề hàn, nấu ăn cũng không dám bộc lộ vì sợ nói ra không được tôn trọng. Ông Cường khẳng định: “Chỉ 5-10 năm nữa, quan niệm đó sẽ phải thay đổi”.
Đừng để lãng phí thời gian
Nhằm đem đến các bạn học sinh thông tin toàn diện hơn về định hướng nghề nghiệp ở nước ngoài, chị Bắc Hà, Trưởng phòng Xúc tiến giáo dục - Cơ quan Giáo dục quốc tế Úc tại Việt Nam cho biết: học sinh Úc được định hướng nghề nghiệp từ khi năm học cuối cấp 2. Từ lớp 9, học sinh có thể học chứng chỉ nghề từ bậc 1 - bậc 5. Việc học nghề và thi vào các trường cao đẳng nghề là chuyện bình thường”.
Ông Mai Thanh Long, Giám đốc Trung tâm FPT Arena cho hay, có những bạn học đến năm thứ 2, 3 ĐH vẫn bỏ học để đi học nghề. Tuy nhiên, không phải ai cũng dũng cảm, dám từ bỏ giấc mơ ĐH để học nghề. Ông Long chia sẻ: “Không có gì phải xấu hổ khi chọn học nghề. Khởi đầu như thế nào không quan trọng bằng việc đến đích như thế nào”.
Với các học sinh ở ngoại thành Hà Nội, đến với ngày hội nghề nghiệp đã tác động đến quyết định lựa chọn nghề trong tương lai. Bạn Phùng Xuân Hùng, trường THPT Vạn Xuân (huyện Hoài Đức) bộc bạch: “Mình đang phân vân không biết nên đăng ký thi vào Học viện Kỹ thuật quân sự theo lời khuyên của gia đình hay thi ĐH Kinh tế quốc dân giống các bạn trong lớp. Bọn mình ở nông thôn, chưa bao giờ được tư vấn về nghề nghiệp, chủ yếu do bố mẹ hoặc thi theo chúng bạn. Sau khi tham gia vào diễn đàn thanh niên với nghề nghiệp, mình sẽ thay đổi quyết định, mình học không khá lắm nên có lẽ thi vào trường nghề. Mình sẽ chọn nghề điện vì ở quê mình gần các khu công nghiệp, cơ hội xin việc chắc sẽ dễ dàng hơn”.
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hà Nội đưa ra lời khuyên: “Các bạn thanh niên ở nông thôn, nhất là các làng nghề nên lựa chọn những ngành nghề phù hợp có thể áp dụng khoa học kỹ thuật để phát huy ngành nghề truyền thống cha ông, làm giàu cho chính mình, phát triển làng nghề”.
Thu Hằng (thanhnien.com.vn)