Các trường cao đẳng sư phạm “mòn mỏi” chờ câu trả lời chính thức từ Bộ Giáo dục
23/10/2021
Đến thời điểm này, Bộ Giáo dục cần có câu trả lời dứt khoát về định hướng của các trường cao đẳng sư phạm, chấm dứt sứ mệnh hay đưa ra hướng phát triển mới?
Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương năm 2013 nêu rõ “Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm”.
Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ra đời, hiện thực hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW đã có những thay đổi về yêu cầu trình độ đội ngũ giáo viên, cụ thể, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở phải đạt chuẩn trình độ đào tạo từ đại học trở lên. Với quy định mới, các trường cao đẳng sư phạm rơi vào tình thế khó khăn khi bị thu hẹp hoạt động đào tạo.
Điều đáng nói là, mặc dù có chủ trương từ năm 2013, luật mới ban hành từ năm 2019, tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, “số phận” của các trường cao đẳng sư phạm vẫn là một dấu hỏi lớn chưa có câu trả lời.
Không thể bỏ rơi các trường cao đẳng sư phạm
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về những khó khăn của các trường cao đẳng sư phạm hiện nay, Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ đô Hà Nội nói rằng, cần phải ghi nhận những đóng góp của hệ thống các trường cao đẳng sư phạm, các trường đã thực hiện, hoàn thành rất tốt sứ mạng của mình, đào tạo nên đội ngũ giáo viên cho ngành giáo dục trong suốt 60 năm qua.
Chính vì vậy, không thể xóa sổ hay “bỏ rơi” các trường cao đẳng sư phạm, lẽ ra phải tính đến bài toán về hướng phát triển mới cho các trường khi luật mới được ban hành và đi vào thực tiễn.
Theo thầy Cường, cần sớm triển khai một số giải pháp để vừa giúp các trường vượt khó, vừa đưa các trường phát triển đi lên.
Hiện nay có nhiều giải pháp được đưa ra cho các trường cao đẳng sư phạm, các trường cần được hỗ trợ, tạo điều kiện để chuyển đổi mô hình. Ví dụ như xây dựng mô hình trường thực hành liên cấp chất lượng cao, đội ngũ giáo viên của các trường đủ mạnh, giàu kinh nghiệm hoàn toàn có thể triển khai tốt mô hình này.
Bên cạnh đó, có thể tiến hành sáp nhập trường cao đẳng sư phạm vào các trường đại học địa phương. Hiện nay, thành phố Hà Nội cũng đang có đề án sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây vào Trường đại học Thủ đô Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên, thầy Trương Đình Thăng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị bày tỏ: “Các trường cao đẳng sư phạm đang rất chờ mong một câu trả lời chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Quyết định chấm dứt sứ mệnh hay có những phương hướng phát triển mới, Bộ Giáo dục cần thông tin đến các trường, các địa phương để các đơn vị sớm triển khai, vì đã một thời gian dài các trường ở trong tâm thế lo lắng chưa biết đi đâu về đâu. Tình trạng này kéo dài khiến các trường không thể ‘giữ chân’ nhân tài, ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ”.
Theo thầy Thăng, từ khi Luật Giáo dục 2019 đi vào thực tiễn, các trường cao đẳng sư phạm chỉ có thể tuyển sinh, đào tạo mỗi ngành giáo dục mầm non. Không có một cơ sở giáo dục nào có thể tồn tại chỉ với một ngành đào tạo duy nhất.
Không chỉ phải thu hẹp đào tạo, nhiều nội dung bồi dưỡng giáo viên và các loại hình bồi dưỡng và cấp chứng chỉ khác (như chứng chỉ công nghệ thông tin cơ bản, chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc), trường cao đẳng sư phạm cũng không được tham gia. Ví dụ, một nghịch lý thấy rất rõ, các trường cao đẳng sư phạm được phép đào tạo ngành cao đẳng công nghệ thông tin chính quy nhưng lại không được bồi dưỡng và tổ chức cấp chứng chỉ công nghệ thông tin cơ bản theo nhu cầu xã hội.
Trong khi đó, suốt 60 năm qua, 23 trường cao đẳng sư phạm trên cả nước đã đào tạo, cung cấp số lượng lớn đội ngũ cho ngành giáo dục từ bậc mầm non đến trung học cơ sở.
Cần giải pháp "đường dài" cho các trường cao đẳng sư phạm
Theo quan điểm của thầy Trương Đình Thăng, vấn đề đặt ra hiện nay là trong những năm tới, khi các trường cao đẳng sư phạm chỉ được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non, liệu rằng các trường sư phạm trọng điểm có đảm bảo đào tạo, cung cấp, bổ sung đủ nhân lực, đội ngũ cho ngành giáo dục không?
Cần có một khảo sát thực tế để làm rõ nội dung trên, đó cũng là cơ sở để quyết định con đường phát triển trong tương lai của hệ thống trường cao đẳng sư phạm.
Thầy Thăng cũng gợi ý: “Với chuẩn trình độ mới của giáo viên theo Luật Giáo dục 2019, nếu trường nào đảm bảo về cơ sở vật chất; năng lực đội ngũ; chương trình đào tạo thì Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần có chính sách quy hoạch để chuyển đổi trường cao đẳng sư phạm thành trường đại học sư phạm địa phương, cùng các trường đại học sư phạm trọng điểm thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; hoặc là cần có giải pháp chuyển đổi các trường cao đẳng sư phạm thành các mô hình giáo dục khác chứ không thể giữ nguyên như tình trạng hiện nay.
Các trường không thể tồn tại với một chuyên ngành đào tạo. Ngay cả mô hình trường phổ thông liên cấp hiện nay mà một vài trường cao đẳng sư phạm đang thực hiện thực cũng chỉ là một giải pháp tình thế để tận dụng thế mạnh về đội ngũ và cơ sở vật chất chứ không giải quyết được gốc của vấn đề.
Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, sứ mệnh của các trường cao đẳng sư phạm đã hết, cũng cần có công bố chính thức, đưa ra chiến lược sắp xếp lại các trường hoặc sớm thực hiện chuyển đổi mô hình”.
Chia sẻ về thực tiễn hoạt động của trường trong giai đoạn hiện nay, cô Nguyễn Thị Thúy – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây cho biết, nhà trường đang thực hiện một số giải pháp để vượt qua khó khăn khi hoạt động đào tạo bị thu hẹp theo quy định mới của Luật Giáo dục 2019. Tuy nhiên, giải pháp hiện nay vẫn chỉ mang tính chất tình thế, và vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt cần được tháo gỡ.
Cụ thể, từ năm 2019, nhà trường đã mở trường thực hành liên cấp. Song, mô hình trường thực hành cũng rất khó khăn để vận hành và phát triển trước yêu cầu tự chủ tài chính.
Thêm một trong những giải pháp cho hệ thống trường cao đẳng sư phạm được nhắc đến là mở ngành đào tạo ngoài sư phạm.
Theo cô Thúy, câu chuyện này lại đặt ra bài toán tuyển nhân sự, kinh phí đầu tư mở ngành cho các trường, đó là chưa nói đến những khó khăn trong tuyển sinh, khi các trường nghề trên địa bàn cũng đang gặp phải khó khăn này.
Cho đến nay, trước mắt, các trường vẫn chỉ có những giải pháp tình thế, giải quyết công ăn việc làm cho cán bộ, giảng viên. Tuy nhiên, muốn bàn về con đường phát triển lâu dài cho các trường cao đẳng sư phạm, cần có chính sách, cơ chế mở hơn và tiến tới có những giải pháp thiết thực, quyết liệt, đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước.
Linh Trang
Nguồn: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cac-truong-cao-dang-su-pham-mon-moi-cho-cau-tra-loi-chinh-thuc-tu-bo-giao-duc-post221872.gd