Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Liên thông, vừa làm vừa học ngày càng thưa vắng

11/06/2021

Chỉ tiêu ĐH ngày càng nhiều nên phần lớn học sinh sau khi tốt nghiệp THPT chọn học ĐH; số người học CĐ, trung cấp không nhiều nên nguồn tuyển liên thông, vừa làm vừa học cạn kiệt

Tại Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, chỉ tiêu hệ liên thông mỗi năm khoảng 2.000 nhưng nhiều năm nay trường chỉ tuyển được trên dưới 500 người vào học và có xu hướng giảm. Ở hệ ĐH vừa làm vừa học, trường đã ngưng tuyển sinh nhiều năm nay vì số người học quá ít. Tại nhiều trường ĐH khác, tình trạng cũng tương tự.

Có ngành không tuyển đủ 1 lớp

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết khoảng 10 năm trở về trước, kết quả tuyển sinh hệ liên thông, ĐH vừa làm vừa học rất tốt, mỗi năm tuyển được 2.000-3.000 người vào học nhưng càng về sau số người vào học ngày càng giảm dù lịch học được trường sắp xếp ngày càng linh hoạt, tạo thuận lợi cho người học.

Tại Trường ĐH Tài chính - Marketing, lượng người theo học hệ ĐH liên thông, vừa làm vừa học cũng không nhiều. TS Lê Trung Đạo, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết chừng 8 năm trở về trước, tuyển sinh hệ liên thông, ĐH vừa làm vừa học rất tốt nhưng giảm dần về sau này. Mỗi năm trường có trên 1.200 chỉ tiêu liên thông, ĐH vừa làm vừa học nhưng vài ba năm qua chỉ một số ngành như kế toán, tài chính - ngân hàng, marketing, quản trị kinh doanh… mỗi ngành chỉ tuyển được 1-2 lớp với khoảng 50 sinh viên/năm. Với ngành ngôn ngữ Anh hệ ĐH bằng 2, mỗi năm trường cũng tuyển được khoảng 50 người vào học.

Tại Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, nhiều năm qua rất khó khăn trong tuyển sinh liên thông, vừa làm vừa học. Nguồn tin từ trường cho biết năm 2020, chỉ có ngành Nông học tuyển được 50 chỉ tiêu hệ vừa làm vừa học, các ngành khác không có hồ sơ dự tuyển hoặc rất ít nên không thể tổ chức lớp học.

Thạc sĩ Trần Ký, Phó trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết tuyển sinh liên thông, ĐH vừa làm vừa học rất khó khăn. Những năm qua, trường chỉ tuyển được khoảng trên 300 cho cả hệ ĐH vừa làm vừa học (hệ 4 năm) và cả hệ liên thông với số sinh viên mỗi lớp khoảng 20 em.

"Bao giờ trở lại ngày xưa?"

Tuyển sinh ĐH vừa làm vừa học, liên thông ngày càng khó khăn được các trường cho là nhiều năm qua chỉ tiêu ĐH chính quy ngày càng tăng, học ĐH dễ dàng hơn nên phần lớn học sinh sau khi tốt nghiệp THPT vào học ĐH, số học CĐ, trung cấp ngày càng giảm.

Thạc sĩ Trần Ký cho rằng ngay cả hệ tuyển sinh ĐH chính quy, nhiều trường ĐH còn tuyển không đủ chỉ tiêu, học sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là có thể vào học thẳng vào ĐH nên số lựa chọn học CĐ sau đó học liên thông ngày càng ít làm giảm nguồn tuyển.

TS Lê Trung Đạo cũng cho rằng nhiều năm qua, việc trúng tuyển vào ĐH không còn khó khăn như trước kia khi chỉ tiêu tuyển sinh ngày càng tăng, việc học cũng dễ dàng hơn nên học sinh có xu hướng chọn học ĐH thay vì học CĐ, trung cấp. Khoảng gần 10 năm trở về trước hệ liên thông, vừa làm vừa học tuyển sinh tốt vì có số lượng lớn thí sinh đã học xong CĐ, trung cấp muốn học nâng cao lấy bằng ĐH vì trước đó không trúng tuyển ĐH, nay số đó không còn nhiều nên nguồn tuyển cạn.

TS Nguyễn Trung Nhân cho biết số thí sinh chọn học CĐ, trung cấp trong nhiều năm qua là không nhiều nên nguồn tuyển liên thông bị hạn chế. Ngoài ra, cũng có một bộ phận những người đã tốt nghiệp CĐ, trung cấp không có nhu cầu học lên cao để lấy bằng ĐH vì thị trường lao động hiện nay, đặc biệt là lĩnh vực ngoài nhà nước, không đặt nặng nhu cầu bằng cấp mà sử dụng những lao động có năng lực, trả lương theo năng lực… 

Đa dạng hóa loại hình đào tạo

Đại diện nhiều trường ĐH cho rằng đa dạng hóa loại hình đào tạo nhằm tạo điều kiện cho người dân có cơ hội học tập. Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay thì có thể trong vài năm tới, số lượng trường có tổ chức tuyển sinh, đào tạo ĐH vừa làm vừa học, liên thông sẽ không còn nhiều bởi các trường sẽ tập trung để đào tạo hệ chính quy.

Huy Lân
nld.com.vn – 11/06/2021

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]