Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Xét tuyển NV2: Trường ngoài công lập khóc ròng

07/09/2015

Hôm nay, 7-9, ngày cuối đợt 1 xét tuyển nguyện vọng bổ sung theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường ĐH, CĐ vẫn chưa có đủ số thí sinh đăng ký xét tuyển so với chỉ tiêu

Đến cuối ngày 6-9, nhiều trường ngoài công lập vẫn còn trống hàng ngàn chỉ tiêu. Trong đợt 1 xét tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP HCM) còn 3.800 chỉ tiêu xét tuyển ở tất cả các ngành nghề đào tạo. Thông tin từ nhà trường cho biết tính đến hết ngày 6-9 mới có 1.700 thí sinh (TS) nộp hồ sơ xét tuyển. Đợt 2, trường còn hơn 2.000 chỉ tiêu.

ĐH tư ảm đạm

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết khối ngành y dược ở trường tuyển sinh rất tốt nhưng các ngành khác tuyển sinh lại rất chậm. “Là một trường đào tạo đa ngành, chúng tôi không chỉ quan tâm đến ngành y dược mà còn quan tâm đến chất lượng đào tạo của nhiều ngành nghề khác nhưng không hiểu sao những ngành nghề khác lại khó tuyển đến như vậy” - ông Hùng trăn trở và cho biết lượng TS ảo rất nhiều đối với hình thức xét tuyển bằng học bạ THPT. Từ đầu đợt xét tuyển, lượng TS đăng ký xét bằng học bạ khá nhiều nhưng làm thủ tục chỉ khoảng 20%.

Tại Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương, đợt xét tuyển NV bổ sung, trường còn 35% chỉ tiêu, tức khoảng hơn 500, cả ĐH và CĐ. Tiến sĩ Trần Thanh Vũ, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết đợt xét tuyển NV bổ sung, trường đón nhận những TS có điểm khá cao so với đợt xét tuyển NV1. Chủ yếu điểm của TS nộp xét tuyển đợt này tập trung từ 17 đến 20 điểm.

Tại Hà Nội, nhiều trường cũng rơi vào cảnh ảm đạm. Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tuyển đến hơn 4.600 chỉ tiêu nhưng đến ngày 4-9 mới nhận được hơn 1.500 hồ sơ. Tương tự, Trường ĐH Phương Đông tuyển trên 1.400 chỉ tiêu nhưng đến nay mới có hơn 300 hồ sơ nộp vào…

“Thí sinh đang ở đâu?”

Trong khi phần lớn các trường CĐ công lập đã yên tâm với kết quả xét tuyển NV1 thì nhiều trường ngoài công lập lại đang khóc ròng khi kết quả tuyển sinh đến giờ này quá khiêm tốn.

Trống vắng nhất có thể kể đến là Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn khi giờ này, trường mới tuyển được hơn 100 TS trong tổng chỉ tiêu bậc CĐ là 1.500. ThS Lê Lâm, hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm ngoái giờ này, trường còn tuyển được hơn 200 chỉ tiêu nhưng nay quá khó khăn.

Tại Trường CĐ Bách Việt (TP HCM), kết quả xét tuyển NV1, trường mới tuyển được chừng 1.000 chỉ tiêu. Ông Trần Mạnh Thành, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường còn 1.400 chỉ tiêu xét tuyển NV bổ sung nhưng đến cuối tuần vừa qua mới có khoảng 300 hồ sơ xét tuyển. Với tình hình này, trường chắc chắn phải xét tuyển bổ sung đợt 2.

Ông Thành cho biết những năm trước, tình hình tuyển sinh của trường khá hơn do tự tổ chức thi nên chắc chắn một lượng TS đăng ký, đợt 2 chỉ xét tuyển bổ sung là đủ. Nay không còn tổ chức thi, trường không biết TS đang ở đâu?

Ở nhiều trường CĐ khác, tình hình tuyển sinh cũng hết sức khó khăn khi kết quả tuyển sinh NV1 chưa đạt tới 50% chỉ tiêu và lượng hồ sơ xét tuyển NV bổ sung quá ít ỏi. Đại diện các trường cho biết chắc chắn phải xét tuyển bổ sung đợt 2 nhưng không có gì lạc quan.

ThS Lê Lâm cho rằng các trường CĐ gặp khó trong tuyển sinh là điều đã được báo trước khi nhiều trường ĐH được Bộ GD-ĐT duyệt đề án tuyển sinh riêng với việc xét học bạ THPT. Năm nay, sau khi kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức xong, TS đã có điểm thì Bộ GD-ĐT định mức điểm sàn ĐH là 15, CĐ là 12.

Nhìn vào tưởng là các trường CĐ đã có một thị phần riêng là những TS có điểm thi từ 12 đến dưới 15 nhưng thực tế, nó không có giá trị bởi ngay cả TS có kết quả thi dưới 12 điểm vẫn có thể trúng tuyển ĐH bằng cách xét học bạ, mà đã xét học bạ thì hầu như TS nào cũng trúng tuyển bởi điểm trong học bạ thường cao chót vót.

Hiệu trưởng một trường CĐ khác thì cho rằng chỉ những trường CĐ công lập có thương hiệu mới dễ tuyển sinh, còn lại thì rất khó. Theo vị này, tâm lý xã hội vẫn thích có bằng ĐH hơn là CĐ và đường vào ĐH lại quá dễ dàng so với trước kia. Thêm vào đó, học phí so sánh giữa trường ĐH và CĐ ngoài công lập chênh lệch nhau không nhiều nên đa phần TS vẫn chọn học ĐH hơn là CĐ.

Vì vậy không có gì khó hiểu khi các trường CĐ rất khó tuyển sinh.

Công lập sôi động đến phút chót

Theo ghi nhận, các trường ĐH công lập tiếp tục nhận được nhiều hồ sơ cho đến ngày cuối cùng của đợt xét tuyển bổ sung. Lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết đợt này, trường xét tuyển 119 chỉ tiêu cho các ngành: sư phạm kỹ thuật công nghiệp, công tác xã hội, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất. Đến thời điểm này, việc tuyển sinh của trường có thể coi là khá khả quan khi số hồ sơ nộp vào trường khá cao. Tương tự, Trường ĐH Điện lực (Hà Nội) cho hay tuyển 900 chỉ tiêu cho cả hệ ĐH và CĐ nhưng sau một nửa thời gian xét tuyển, đã nhận được hơn 1.000 hồ sơ. Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cũng nhận được số hồ sơ xét tuyển nhiều hơn với 290 chỉ tiêu bổ sung cho hệ ĐH và CĐ ngay khi mới xét tuyển được một nửa thời gian. Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam tuyển bổ sung 220 chỉ tiêu nhưng số hồ sơ nhận được đã vượt nhiều lần, điều đặc biệt là nhiều hồ sơ xét tuyển vào trường này có điểm khá cao, từ 21-24 điểm, trong khi điểm nhận xét tuyển lại chỉ ở mức trung bình là 16.

Huy Lân - Yến Anh
(Nguồn: nld.com.vn)

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang